Những điều chưa biết về chuyện 'lấy đất' ở 94 Lò Đúc của Halico

15/08/2013 11:17 AM |

Được giao đầu tư dự án trường học tại khu đất 94 Lò Đúc từ năm 2003 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai, Thành phố đang tìm cách để tháo gỡ vướng mắc.

Nội dung nổi bật:

Thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đất của nhà máy rượu Hà Nội (3.500 m2), dệt kim Đông Xuân (4.000 m2) để xây trường học trong quý 3, đầu quý 4; giao cho UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, chủ đầu tư cũ của dự án này là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà (đã được giao dự án này cách đây 10 năm), cho rằng dự án chậm triển khai là do khách quan, gây thiệt hại cho công ty và đề nghị Thành phố trả lại phần tiền cho công tác chuẩn bị đầu tư như khảo sát, đo đạc, quy hoạch tổng mặt bằng…

-----------------------------------------------------------------------

Tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội vào 5/7 vừa qua, vấn đề này đã được đại biểu tổ Hai Bà Trưng chất vấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trả lời Chủ tịch HĐND Thành phố “sẽ quyết lấy đất nhà máy rượu Hà Nội, dệt kim Đông Xuân để xây trường học trong quý 3, đầu quý 4”.

Ngày 24/7, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đã họp với các đơn vị liên quan, và thông báo Kết luận: "thống nhất thu hồi đất tại Halico để xây trường học”. Được biết, diện tích thu hồi tại Halico là 3.500m2, còn tại Nhà máy dệt kim Đông Xuân là 4000m2. Đồng thời, giao cho UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.

Với quyết định này của Thành phố, ngay sau đó 2 ngày chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà đã lên tiếng, chủ đầu tư đã đề nghị Thành phố trả lại tiền mà công ty này đã đầu tư cho dự án.

Theo như giải trình của Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà, dự án này đã được Thành phố giao cho công ty làm đầu tư cách đây 10 năm, là dự án nằm trên khu đất thuộc nhà máy của Halico, nên phải có địa điểm và kinh phí để di dời nhà máy.

Halico cũng đã chọn KCN Yên Phong tại Bắc Ninh để xây dựng nhà máy mới. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, chủ đầu tư và Halico thỏa thuận về các điều kiện đền bù, nếu đến quý 1/2005 không thỏa thuận được thì báo cáo lại Thành phố.

Cũng theo chủ đầu tư, ngày 31/5/2005 khi đó là Bộ Công nghiệp đã có văn bản chỉ đạo hai bên thỏa thuận đền bù trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, và để giảm bớt mức chi ngân sách thì mức đền bù cao nhất không quá 10 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà còn cho rằng, năm 2006 đại diện Bộ Công nghiệp là Thứ trưởng Bùi Xuân Khu đã thống nhất với Phó chủ tịch Thành phố Phí Thái Bình đồng ý với mức kinh phí di chuyển giữa 2 đơn vị là 10 triệu đồng/m2.

Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà cho biết, hai đơn vị cũng đã ký hợp đồng kinh tế và đã hoàn thành việc chuyển tiền đền bù, hỗ trợ di chuyển để xây dựng nhà máy mới.

Mặc dù hiện nay quy hoạch 1/500 đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay cũng chưa thể triển khai do còn chờ Quy chế quản lý quy hoạch của Sở QHKT. Việc chậm triển khai dự án là do nhiều yếu tố khách quan và đã gây nhiều thiệt hại cho Công ty.

Tại Văn bản số 69 gửi UBND Thành phố, chủ đầu tư đề nghị Thành phố hoàn trả lại phần tiền đền bù, hỗ trợ di chuyển, giải phóng mặt bằng tương ứng với phần diện tích đất xây dựng trường học trước khi thực hiện thu hồi đất, giao đất cho quận Hai Bà Trưng.

Chủ đầu tư cũng đề nghị Thành phố trả lại phần tiền cho công tác chuẩn bị đầu tư như khảo sát, đo đạc, quy hoạch tổng mặt bằng…

Ngoài ra, chủ đầu tư còn đề nghị hoán đổi vị trí 2 ô đất xây trường học và xây khách sạn.

Về những đề nghị này, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có văn bản số 4066 ngày 7/8/2013 giảo cho Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải quyết những đề nghị của chủ đầu tư, báo cáo Thành phố trước 24/8.

Kiều Thuật

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM