Foxconn thưởng kỷ lục cho công nhân sản xuất iPhone đi làm sau mưa lũ lịch sử
Đối tác gia công iPhone cho Apple đưa ra khoản tiền thưởng hơn 1.500 USD cho những người sẵn sàng làm việc tại Trịnh Châu (Trung Quốc), địa phương đang phải đối phó với hậu quả của trận lũ lịch sử.
THƯỞNG KÉP CAO CHƯA TỪNG CÓ
Tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vừa trải qua lũ lụt nghiêm trọng khiến nhiều nhà máy Foxconn, đối tác của Apple tại thành phố Trịnh Châu phải đóng cửa, nhiều công nhân tạm thời nghỉ việc. Trong khi đó, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đang trong giai đoạn tăng cường sản xuất để đảm bảo sản lượng iPhone 13 trước ngày ra mắt, dự kiến trong tháng 9 năm nay.
Ngày 24/7, nhóm kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số (iDPBG), bộ phận chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone của Foxconn đưa ra mức thưởng lên đến 10.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 1.500 USD cho những công nhân sẵn sàng làm việc sau mùa lũ.
Mức thưởng lần này cao hơn 2.000 nhân dân tệ so với phần thưởng được đưa ra chỉ một tuần trước và là mức cao nhất kể từ khi nhà máy Foxconn Trịnh Châu bắt đầu hoạt động vào năm 2010.
Để nhận được khoản tiền lớn kỷ lục, công nhân mới phải cam kết làm việc ít nhất 90 ngày để có số tiền đầu tiên từ 8.500 đến 9.500 nhân dân tệ. Những người giới thiệu công nhân mới cũng sẽ được thưởng 500 nhân dân tệ, nâng tổng số tiền thưởng lên 10.000 nhân dân tệ.
ĐẢM BẢO SẢN LƯỢNG VỚI APPLE
Áp lực hoàn thành sản lượng ký kết với Apple buộc Foxconn phải chi đậm để thu hút công nhân sớm trở lại làm việc. Theo các nguồn tin, Apple đang đặt mục tiêu xuất xưởng từ 130 đến 150 triệu iPhone mới trong nửa cuối 2021. Trong đó, chuỗi cung ứng của hãng ở châu Á sản xuất từ 90 đến 100 triệu máy để đáp ứng các đơn đặt hàng đầu tiên cho iPhone 13.
Lũ lụt nghiêm trọng tỉnh Hà Nam khiến Foxconn buộc phải cho công nhân tại cơ sở Zhongmu, bên ngoài trung tâm thành phố Trịnh Châu, nghỉ việc ít nhất 3 ngày. Zhongmu là nhà máy chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp linh kiện PC, trong khi đó, các nhà máy sản xuất smartphone vẫn hoạt động bình thường.
Foxconn có hơn 250.000 công nhân làm việc ở 3 cơ sở tại Trịnh Châu. Vào mùa cao điểm, con số này có thể vượt quá 300.000 người. Trịnh Châu được mệnh danh là "thành phố iPhone" bởi số lượng smartphone Apple được sản xuất tại đây chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Áp lực sản xuất gia tăng với các nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu bởi số lượng đơn đặt hàng tăng gấp nhiều lần trong năm nay. Bởi các nhà máy ở Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
IPHONE 13 NÂNG CẤP NHỎ
Nhiều tin đồn gần đây xác nhận, thế hệ iPhone 13 sẽ thu gọn kích thước tai thỏ. Theo đó, giống như iPhone 13 Pro, iPhone 13 sẽ có phần tai thỏ rộng khoảng 25mm thay vì mức 35mm mà Apple hiện sử dụng để chứa các linh kiện Face ID cũng như loa thoại từ thế hệ iPhone X.
Để đạt được điều này, Apple tích hợp loa thoại vào phần viền màn hình phía trên và 4 thành phần Face ID chính, bao gồm camera hồng ngoại, đèn chiếu sáng, camera selfie và máy chiếu chấm, sẽ được đặt bên dưới loa thoại. Thiết kế tạo ra không gian trống ở vị trí vốn được sử dụng để đặt loa thoại và micro. Điều Apple cần làm chỉ đơn giản là đặt các thành phần của Face ID gần nhau hơn, giảm không gian thừa không cần thiết ở hai bên, giúp phần tai thỏ trở nên nhỏ gọn hơn.
Trước đó, Apple đầu tư 390 triệu USD vào Finisar, công ty chuyên sản xuất đèn chiếu phát tia laser và những thành phần máy chiếu chấm VCSEL, nhằm tìm cách thu nhỏ các thành phần Face ID. Điều này hứa hẹn phần tai thỏ có thể tiếp tục được thu nhỏ ở thế hệ iPhone 14.
Việc thu hẹp tai thỏ giúp tăng tỷ lệ màn hình trên thân máy của iPhone. Chiếc iPhone cuối cùng không có tai thỏ, iPhone SE 2020, có tỷ lệ màn hình trên thân máy là 65%. Con số tốt nhất với iPhone Touch ID là 67,47% trên 8 Plus.
Khi chuyển sang thiết kế tai thỏ từ iPhone X, tỷ lệ màn hình trên thân máy của iPhone vượt ngưỡng 80%. Thế hệ iPhone 12 đạt được con số là 86%. Theo dự đoán, khi giảm kích thước tai thỏ, dòng iPhone 13 có thể đạt tỷ lệ màn hình trên thân máy 88%.