Foxconn đang xây nhà máy 2,5 tỷ USD tại một nước châu Á: Diện tích tương đương 220 sân bóng đá, tương lai tạo ra 40.000 việc làm

18/04/2025 16:12 PM | Quốc tế

“Dự án Elephant” là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Foxconn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Foxconn đang xây nhà máy 2,5 tỷ USD tại một nước châu Á: Diện tích tương đương 220 sân bóng đá, tương lai tạo ra 40.000 việc làm- Ảnh 1.

Sự xuất hiện của Foxconn đang nhanh chóng biến một thị trấn nông thôn miền Nam Ấn Độ thành điểm nóng bất động sản.

Devanahalli, ngoại ô trung tâm công nghệ của Ấn Độ, Bengaluru, là nơi đặt “Dự án Elephant” của Foxconn với diện tích tương đương 220 sân bóng đá. Cơ sở trị giá 2,5 tỷ USD này được thiết lập để trở thành nhà máy lớn thứ hai của Foxconn bên ngoài đại lục, trong tương lai sẽ tạo ra 40.000 việc làm.

“Dự án Elephant” là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Foxconn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Công ty có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại Ấn Độ lên tới 30 triệu chiếc mỗi năm.

Dự án tại Devanahalli của Foxconn, được chính quyền phê duyệt vào năm 2023, là dự án lớn nhất trong vành đai khu nông nghiệp vốn nổi tiếng với bưởi, nho xanh. Giá bất động sản trong khu vực đã tăng 35% kể từ khi Foxconn ghé thăm, theo dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản Anarock.

Tuy nhiên, vẫn còn sự phản kháng đối với làn sóng công nghiệp hóa ở Devanahalli. Một số người dân phản đối, yêu cầu mức bồi thường cao hơn cho đất đai của mình.

“Sự gia nhập của Foxconn là rất lớn đối với Devanahalli — có thể nói là một thời điểm then chốt trong quá trình chuyển đổi của thành phố này”, Ashwanth Sajeevan, CEO của PropPulse.ai, một nền tảng tư vấn bất động sản Bengaluru, chia sẻ với Rest of World: “Giống như việc gieo mầm cho một thành phố mới tại Devanahalli chỉ sau một đêm vậy. Nó thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ và nhà cung cấp. Nói chung là tập trung sự chú ý vào khu vực này”.

Foxconn đã hợp tác với các nhà phát triển bất động sản địa phương để cung cấp nơi ở cho lực lượng lao động đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Philippines và Đài Loan. Các nhà phát triển dự đoán sẽ có hàng chục nghìn công nhân đổ về, không chỉ nhờ “Dự án Elephant” mà còn do Cheetah — nhà máy cũng của Foxconn chuyên sản xuất linh kiện xe điện gần đó.

Các nhà phát triển đang tiếp thị bất động sản trong bán kính 10 km của “Dự án Elephant”. Theo PropPulse, khoảng 60 dự án nhà ở, bao gồm căn hộ, biệt thự và lô đất, đang được triển khai trong bán kính 20 km. Giá dao động từ 40.000 USD đến gần 700.000 USD.

Foxconn đang xây nhà máy 2,5 tỷ USD tại một nước châu Á: Diện tích tương đương 220 sân bóng đá, tương lai tạo ra 40.000 việc làm- Ảnh 2.

“Dự án Elephant” là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Foxconn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Lái xe trở về sau chuyến đi chơi cùng gia đình vào tháng 12 năm 2023, Neethu Ramagiri tình cờ nhìn thấy tấm biển quảng cáo các căn hộ cao cấp ở Devanahalli. Vị chuyên gia CNTT này đã lái xe đến xem và nhanh chóng chốt một căn hộ ba phòng ngủ.

Khu phức hợp dân cư nằm xa trung tâm thành phố và không có tuyến tàu điện ngầm nào cạnh gần, tuy nhiên, các đại lý bán hàng chỉ ra rằng việc Foxconn gia nhập thị trường và các dự án cơ sở hạ tầng gần đó chính là sự đảm bảo cho nhu cầu trong tương lai.

Một năm sau, đúng là Neethu Ramagiri đã cho thuê được nhà. Khách hàng của bà là 3 nhân viên cấp cao của Foxconn đến từ Philippines, Trung Quốc và Đài Loan. Ít nhất 10 chủ nhà khác trong khu dân cư đã cho nhân viên Foxconn thuê căn hộ của mình.

Ramagiri cho biết hiện bà kiếm được 36.000 rupee (420 USD) tiền thuê nhà hàng tháng, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực. Giá trị căn hộ cũng đã tăng khoảng 70% kể từ khi xuống tiền.

Gần hai thập kỷ trước khi Foxconn khởi công, quá trình cải tạo công nghiệp của Devanahalli đã bắt đầu từ việc mở cửa một sân bay quốc tế. Chính phủ bắt đầu mua đất và xây dựng công viên CNTT, hàng không vũ trụ và khoa học.

Devanahalli sau cùng trở thành điểm đến cho các khoản đầu tư quy mô lớn, thu hút những gã khổng lồ như Foxconn. Một nhà cung cấp iPhone khác, Wistron — hiện là một phần của Tập đoàn Tata Ấn Độ — cũng đang xây dựng một cơ sở rộng 1,4 triệu foot vuông và dự kiến tạo ra 3.000 việc làm.

Theo nhà môi giới bất động sản Ashish Jha, trước khi bùng nổ xây dựng, các nền tảng giao đồ ăn như Zomato không cung cấp dịch vụ tại Devanahalli vì đường sá hẹp và gồ ghề. Tuy nhiên hiện tại, nhân viên giao hàng của Zomato và Swiggy đã bắt đầu xuất hiện. Việc giao hàng của Amazon cũng diễn ra suôn sẻ khi công ty thương mại điện tử lớn này chuyển văn phòng tại Bengaluru đến Devanahalli.

Vào năm 2019, khi Jha lần đầu tiên bán bất động sản tại khu công nghiệp, các bất động sản đang xây dựng chỉ có giá 3.500 rupee (41 USD) cho mỗi foot vuông. Con số đó hiện đã tăng vọt lên 9.500 rupee (105 USD), ông nói.

Foxconn đã hợp tác với công ty bất động sản BCD Group để bố trí chỗ ở cho lực lượng lao động mới. Vào giữa năm 2024, nhà sản xuất thiết bị điện tử này đã ký 900 hợp đồng thuê nhà ở có thời hạn 3 năm với BCD để bố trí chỗ ở cho khoảng 6.000 đến 8.000 công nhân nữ, theo Angad Bedi, giám đốc điều hành của BCD Group.

Các tiện nghi công cộng vẫn đang được thiết lập. Năm 2018, với sự hỗ trợ từ Quỹ Gates, Devanahalli đã trở thành thành phố đầu tiên triển khai hệ thống xử lý bùn thải chi phí thấp, công suất thấp.

Tuy nhiên, trong khi các giao dịch đất đai tiếp tục diễn ra trên khắp Devanahalli, nhiều nhà phát triển thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với nông dân vẫn khá phức tạp. Năm ngoái, một số người còn tổ chức biểu tình, với lý do chưa nhận được khoản bồi thường thỏa đáng.

“Những lời hứa này không phải là mới. Đó là một câu chuyện cổ tích rất hay mà họ thường kể”, Ramesh Cheemachanahalli, một nông dân từ Devanahalli, nói với Rest of World. Cheemachanahalli cho biết chính phủ vẫn chưa trang bị cho nông dân và con cái họ nền giáo dục và các kỹ năng cần thiết cho công việc mà Foxconn tạo ra. Ngoài một số ít công việc như lao công hoặc gác cổng, hầu hết dân làng đều không có việc làm tại các nhà máy.

Theo: Rest of World

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Làm phẳng cấu trúc: Bên trong chiến lược khiến 8.000 nhân viên Microsoft mất việc chỉ trong 5 tháng, nhiều big tech khác cũng đang áp dụng

Xu hướng của các Big Tech hiện nay như Amazon, Google và Microsoft là giảm bớt các vai trò quản lý cấp trung để tập trung nguồn lực cho kỹ sư và các cá nhân đóng góp chính.

Vietnam Airlines triệu tập gấp ĐHĐCĐ, bàn 2 chuyện cực kỳ quan trọng

Vietnam Airlines triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 15/5 để trình kế hoạch tăng vốn điều lệ và dự án trị giá gần 93.000 tỷ đồng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?

"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng" - ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho hay.

Chính thức: VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký đầu tư dự án đường sắt Bắc - Nam

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD).