Fitch Ratings dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7%, tài chính công cải thiện mạnh trong năm 2021

14/04/2021 19:25 PM | Xã hội

Hiện tại, Fitch dự báo rằng tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ trung bình quanh ngưỡng 39% cho giai đoạn năm 2021-2022.

Hôm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới công bố báo cáo về kinh tế và tài chính công của Việt Nam. Theo nhận xét của Fitch, tăng trưởng xuất khẩu cao và chiến dịch kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công đã hỗ trợ quan trọng cho kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và cho phép chính phủ áp dụng chính  sách tài khóa thận trọng.

Những yếu tố này đã giúp hỗ trợ cho xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, điều đó phản ánh ở việc vào ngày 1/4/2021 Fitch quyết định nâng triển vọng tín dụng của Việt Nam lên “tích cực” từ mức “ổn định” trước đó.

Tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, các chỉ số liên quan đến tài chính công của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với các nước trong khu vực. Tháng 12/2019, trước khi Fitch quyết định nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực” từ mức “ổn định”, Fitch từng tính toán rằng tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ ở mức 40,3% GDP trong năm 2021 so với tỷ lệ 41,7% GDP theo khung của Fitch dành cho xếp hạng tín nhiệm BB và 43,8% với xếp hạng tín nhiệm BBB.

Đầu tháng 4/2021, Fitch Ratings đã điều chỉnh nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam dù rằng Việt Nam còn đương đầu với nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến đại dịch Covid-19.

Hiện tại, Fitch dự báo rằng tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ trung bình quanh ngưỡng 39% cho giai đoạn năm 2021-2022, tuy nhiên mức trung bình đối với xếp hạng BB và BBB đã lần lượt được điều chỉnh lên mức 60% GDP và 58% GDP.

Tình hình tài khóa cải thiện giúp cải thiện “sức mạnh” kinh tế nói chung của Việt Nam. Doanh thu của ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.

Việt Nam thuộc số ít các nền kinh tế trên toàn cầu có tăng trưởng GDP đạt mức cao 2,9% trong năm 2020. Tăng trưởng  kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi xuất khẩu cao, xuất khẩu hàng hóa tăng 6,9%.

Hoạt động kinh tế nội địa được hỗ trợ bởi việc Việt Nam kiềm chế tốt đại dịch Covid-19.

Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 7%/năm trong giai đoạn năm 2021-2022 nhờ vào xuất khẩu và đầu tư tăng trưởng tốt. Gói kích thích tài khóa thời kỳ đại dịch được triển khai trong giai đoạn 2020-2021 với quy mô khoảng 3,6% GDP năm 2020 sẽ giúp củng cố cho triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 23,8% so với cùng kỳ năm 2020, yếu tố này giúp hỗ trợ quan trọng cho GDP thực tăng trưởng 4,5%. Việt Nam hưởng lợi từ hoạt động điều hướng thương mại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc dâng cao, các thỏa thuận thương mại Mỹ được ký kết ví như Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam hay Hiệp định đối tác toàn diện khu vực; ngoài ra phải kể đến lợi thế cạnh tranh về chi phí của Việt Nam.

Đầu tư vào hạ tầng công và FDI tăng cao sẽ hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trung hạn.

Trong báo cáo đánh giá vào tháng 4/2021, Fitch từng nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế cao sẽ giúp làm giảm đi chênh lệch GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cùng lúc đó, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp hỗ trợ cho xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam tuy nhiên vẫn đối diện với rủi ro. Chương trình viêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam hiện đang được thực hiện chậm chạp, mới chỉ khởi động từ ngày 8/3/2021. Người Việt Nam không ngại tiêm vắc xin Covid-19, đây thực sự là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức thấp so với một số nước láng giềng như Indonesia hay Malaysia. Nếu Việt Nam phải đương đầu với một đợt bùng dịch trước khi chương trình tiêm vắc xin Covid-19 được triển khai rộng rãi, tăng trưởng kinh tế và tình hình tài chính công sẽ có thể chịu ảnh hưởng.

Xuất khẩu của Việt Nam có thể đương đầu với nhiều cú sốc. Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ gọi là nước thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020. Theo khẳng định của Fitch, hai bên sẽ có các cuộc đối thoại để làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề này, thế nhưng nếu phía Mỹ leo thang căng thẳng, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ cải thiện. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2019 tương đương 27,5% GDP.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM