Financial Times: Người tiêu dùng 'thắp lửa' kinh tế Việt

24/04/2018 08:33 AM | Xã hội

Quá trình cổ phần hóa là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Việt Nam được coi là quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay, với chi tiêu hộ gia đình đẩy mạnh trong bối cảnh thu nhập được cải thiện. Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện ở mức cao nhất 3 năm, theo Nghiên cứu Bí mật mới nhất của Financial Times (FTCR). Tuy nhiên, thành công tiếp tục phụ thuộc vào việc nhà nước giảm bớt quản lý và mở cửa nền kinh tế.

Financial Times: Người tiêu dùng thắp lửa kinh tế Việt - Ảnh 1.

Người Việt tin tưởng vào tăng trưởng nền kinh tế. (Nguồn: FTCR)

Khảo sát 5.000 người tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia cho thấy người tiêu dùng trong nước lạc quan nhất về triển vọng kinh tế, với Chỉ số Tâm lý Kinh tế FTCR lên mức cao nhất kể từ đầu 2015.

GDP Việt Nam tăng 6,8% năm ngoái và Chính phủ đang kỳ vọng một tốc độ cao hơn trong năm nay. Nền kinh tế được hỗ trợ bởi nhân khẩu học, với tỷ lệ phụ thuộc - số lượng trẻ em và người cao tuổi so với tổng dân số - ở mức thấp (42,9%), đồng nghĩa với việc người Việt có thể dành thêm tiền cho việc mua sắm.

Chi tiêu không cố định ở Việt Nam tăng nhanh nhất trong 5 nước ASEAN được khảo sát. Cuối 2017, 49% số người được hỏi cho biết dự định tăng chi tiêu trong năm nay, nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác trong ASEAN-5. Nửa cuối năm ngoái, các thương hiệu nước ngoài "lũ lượt" mở cửa hàng đầu tiên trong nước, như H&M, Costa Coffee và Dolce & Gabbana .

Financial Times: Người tiêu dùng thắp lửa kinh tế Việt - Ảnh 2.

Mức chi tiêu tiêu dùng của Việt Nam tăng trong khi 4 nước ASEAN đều có xu hướng giảm. (Nguồn: FTCR)

Doanh số bán lẻ năm ngoái tăng gần 11% lên 129 tỷ USD; doanh số mua sắm trực tuyến tăng 25%, con số mà Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam dự kiến sẽ duy trì đến 2020. Các "ông lớn" trong khu vực như Lazada có thể thống trị thị trường nhưng các công ty trong nước như Thế giới di động và Sendo cũng đang nổi lên. Trong khi đó, doanh số bán xe dự kiến sẽ tăng trở lại nhờ việc loại bỏ thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN khác. Con số này là 241% trong giai đoạn 2012-2017.

Financial Times: Người tiêu dùng thắp lửa kinh tế Việt - Ảnh 3.

Ôtô dần thay thế cho xe máy. (Nguồn: ASEAN - CEIC)

Với lực lượng lao động trẻ, rẻ và tương đối lớn, Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài và dần thành một trung tâm sản xuất khu vực cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 17 tỷ USD đổ vào kể từ 2009. Năm ngoái, khoảng một nửa số điện thoại thông minh của hãng bán trên toàn thế giới được sản xuất ở Việt Nam.

Xu hướng công nghiệp hóa khiến người nông dân dần bỏ ruộng đồng. Năm ngoái, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ chiếm 41,8% tổng số, giảm từ 55,1% trong 2005 và 71,7% trong 1992, theo Ngân hàng Thế giới. Đất nước ngày càng tập trung vào sản xuất giá trị gia tăng và dịch vụ đồng thời tránh xa các ngành có giá trị thấp như dệt may.

Financial Times: Người tiêu dùng thắp lửa kinh tế Việt - Ảnh 4.

Người dân chuyển từ làm nông sang dịch vụ và công nghiệp. (Nguồn: Chỉ báo Phát triển Thế giới)

Cải cách là chìa khóa để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng này, thông qua quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ủy ban quản lý vốn nhà nước giám sát 30 DNNN lớn nhất với tổng tài sản 240 tỷ USD dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong quý này, giúp đẩy nhanh tiến độ. Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư tích cực vì cam kết của Chính phủ, nền kinh tế mạnh và những mức định giá cao, Financial Times kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt thoái vốn nhà nước trong năm tới.

Theo Trang Hồ

Cùng chuyên mục
XEM