Câu chuyện cả một nền kinh tế 'phát điên' về tiền số và bài học xương máu cho những ai đã, đang và sẽ tham gia vào lĩnh vực này

06/04/2018 08:01 AM | Kinh doanh

Với giới trẻ Hàn Quốc, tiền số được coi là cơ hội hiếm hoi để làm giàu.

Hàng tháng trời, Ye-won Oh – một cư dân của thủ đô Seoul, theo dõi thị trường tiền số một cách gắt gao trên điện thoại của cô. Đầu năm 2017, cô này đầu tư 40.000 USD vào Ethereum, một loại tiền số khá nổi tiếng ở đất nước này. Giống như những người cùng trang lứa trong nền kinh tế khó khăn của Hàn Quốc, Oh coi đây là kênh đầu tư duy nhất.

Trong bảng mô tả công việc của mình, Ye-won Oh dù mới hơn 20 tuổi đã có những thành tích đáng ghi nhận: Từng giữ vị trí chuyên viên ở một startup về hoa, có bằng đại học ở nước ngoài, và kinh nghiệm làm việc ở một công ty lớn. Nhưng cô và chồng vẫn không thể sống được ở một thành phố nơi trung bình tiền đặt cọc thuê nhà đã gần 400.000 USD. "Những người như chúng tôi - kiểu vừa mới bắt đầu sự nghiệp hay là sinh viên đại học rất khó khăn bởi vì không có cách nào xây dựng một cuộc sống ổn định", cô chia sẻ.

Với giới trẻ Hàn Quốc, tiền số được coi là cơ hội hiếm hoi để làm giàu. Sau sự kiện bong bóng tiền ảo vỡ vào tháng 2 vừa rồi, đồng Won vẫn giữ vị trí là đồng trao đổi lớn thứ 3 của bitcoin. Đất nước 52 triệu dân này có tới 17% dân số giao dịch tiền Ethereum, và là nơi ghi nhận giao dịch chiếm 2/3 của lượng giao dịch lớn nhất thế giới trong mùa đông này.

3 trong số 10 người lao động ở Hàn Quốc đầu tư vào tiền số

Có ước tính rằng 3 trên 10 người lao động ở Hàn Quốc đầu tư vào tiền số từ tháng 12 năm 2017. Theo ghi nhận của công ty tuyển dụng Saramin, 80% trong số đó có thuộc thế hệ 9x hoặc 8x.

Nhưng, khi giá trị của các loại tiền số như bitcoin, ethereum hay ripple đang giảm, rất nhiều người Hàn Quốc phải chịu đựng dư chấn của sự mất mát, từ tài chính cho đến tâm lý. 

Những nhà tâm lý học Hàn Quốc đã ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân với chứng bệnh "trầm cảm Bitcoin". Các cố vấn ly hôn thì nói rằng các đôi vợ chồng chia tay sau thương vụ đầu tư bất thành, thậm chí tổng thống Hàn Quốc phát biểu rằng tiền số là nguyên nhân gây ra "sự bất ổn nghiêm trọng hay đây là một căn bệnh xã hội" trong tầng lớp dân số trẻ của đất nước này. 

Bản thân cô Oh thì chia sẻ : "Ngay khi hoàn lãi, tôi sẽ rút khỏi thị trường. Nó không tốt cho tâm lý của tôi".

Câu chuyện cả một nền kinh tế phát điên về tiền số và bài học xương máu cho những ai đã, đang và sẽ tham gia vào lĩnh vực này - Ảnh 1.

Nhìn từ bên ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc đang phát triển: Đây là đại bản doanh của những ông lớn trong các ngành công nghiệp chính như Samsung, Hyundai, và Kia. Đây là đất nước đứng thứ 11 trong nền kinh tế toàn cầu với những mặt hàng nổi tiếng chiếm vị thế chủ chốt trong xuất khẩu của Hàn Quốc. Tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4,6%.

Tuy nhiên, giới trẻ ở đây không thể tìm được việc. Tỉ lệ thất nghiệp trẻ ở đây thường chiếm vào khoảng 10% trong 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ thất nghiệp – tính cả những công việc họ không muốn làm và những công việc bán thời gian – trong năm nay rơi vào 38%, theo giáo sư Justin Fendos ở Đại học Dongseo.

Đây là một nền kinh tế có giáo dục cao, và thật khó để những lao động trẻ nổi bật trong công việc của mình. Gần như 70% người Hàn Quốc trong độ tuổi 25 - 34 có bằng cao học, cao nhất trong những nước OECD, và gần như phổ cập trình độ cấp 3. Ở Seoul, có đầy rẫy những sinh viên đã tốt nghiệp học ôn để qua kỳ thi vào các công ty lớn hoặc khối nhà nước.

"Cấu trúc xã hội ở đây là lý do lớn khiến tiền số trở nên phổ biến", Yohan Yun, trợ lý làm việc ở Seoul – cũng đầu tư 400 USD vào Ethereum nói. "Con người ở đây không vui vẻ với địa vị của họ ở xã hội".

Thậm chí những người trẻ đang làm việc cũng bi quan về tương lai của họ: Một báo cáo thực hiện trong năm 2015 cho thấy hơn nửa giới trẻ Hàn Quốc không tin rằng họ sẽ làm tốt hơn bố mẹ mình, so sánh với 29% tỉ lệ được ghi nhận năm 2006.

"Tôi có thể làm việc trong 30 năm tới, có thể trả nợ mua căn nhà mà tôi không thích với một chiếc xe. Và đến đó cuộc sống của tôi kết thúc", trích lời Fendos, quản lý sinh viên tại đại học Dongseo, đồng thời chủ nhiệm chương trình ở đại học Fudan Thượng Hải.

Kể cả họ có khoản dư thừa, cơ hội đầu tư là rất hiếm. Bất động sản trước kia được coi như một kênh đầu tư ở Hàn Quốc, giờ đây đã trở nên quá đắt đỏ đối với tầng lớp trung lưu khá giả. Lãi suất ngân hàng cũng chỉ vài phần trăm một năm, vì thế, "họ nhìn vào thực trạng và đặt câu hỏi, làm sao tôi có thể vượt qua điều này?" Fendos cho hay.

Jason Cho, tư vấn viên ở trung tâm Bitcoin Hàn Quốc cho rằng giới trẻ đang "trong một hệ thống nơi những cánh cửa cơ hội luôn đóng kín với họ, và lợi ích của xã hội chỉ dành cho thiểu số". Và thế là tiền số trở thành một giải pháp hữu hiệu.

Sự tập trung vào tiền số ở đất nước này bắt đầu từ mùa thu năm 2017, theo như số liệu giao dịch từ công ty giao dịch tiền ảo Korbit. 

Quay trở lại với nhân vật ở đầu bài viết, Oh đầu tư vào tiền số từ đầu năm 2017, có lẽ lợi nhuận có được của cô đã hơn nhiều mức trung bình của người chơi ở đây.

Còn Yun đầu tư từ hè 2017 khi thị trường bắt đầu nóng lên. "Bạn nghe tin rằng rất nhiều người kiếm được tiền từ nó. Thậm chí bạn của bạn, từ tay trắng, bỗng nhiên mua xe, mua nhà, bạn sẽ thấy ghen tị điều đó".

Tốc độ internet phát triển ở Hàn Quốc đã giúp Bitcoin phát triển. Giới trẻ dành 4 tiếng 1 ngày sử dụng điện thoại di động. Gần như tất cả các gia đình Hàn Quốc có kết nối mạng, 88% sở hữu điện thoại thông minh – tỉ lệ lớn nhất trên thế giới. Sự phát triển đó giúp người chơi ở mọi độ tuổi biết được thông tin về số tiền một người có thể kiếm được trên thị trường này. Hàng loạt những câu lạc bộ giao dịch tiền số mọc lên ở các trường đại học ở đây.

Nhờ điều đó, giá trị một số đồng tiền số tăng đến 51% tại thị trường Hàn, mức tăng lớn hơn tất cả những khu vực khác. Giá Bitcoin tăng gần 8.000 USD trong tháng 1, theo ghi nhận của Bloomberg. Những người chơi nước ngoài cũng gia nhập thị trường này, mua các đồng tiền số ở nơi khác, và bán lại cho thị trường Hàn.

Nhưng, từ 06/01/2018 đến 16/01/2018, giá Bitcoin rơi từ mức 25.065 USD xuống 13.503 USD (theo như giá trị tại thị trường Hàn Quốc). Giá tiếp tục giảm tới mức 7.410 USD vào 5/2 và 7.241 USD vào 2/4.

Có thời điểm, giá một số đồng tiền số tăng đến 51% tại thị trường Hàn, mức tăng lớn hơn tất cả những khu vực khác.

Tính sơ sơ, trong đợt giảm giá đó, Bitcoin đã mất 44 tỉ USD giá trị thị trường, nhiều hơn cả vốn hóa của Ford, theo ghi nhận của Bloomberg. Những quy định mới về quản lý mua bán tiền số càng khiến cho giá trị các đồng này giảm sâu hơn.

Sijin Lee – 24 tuổi, mới tham gia giao dịch vào tháng 11 năm ngoái. Anh là sinh viên tại đại học Kyung Hee – một đại học danh tiếng ở Seoul. Khoản đầu tư của anh tăng 5 lần trong năm ngoái. Nhưng giờ, một nửa tiền đầu tư đã bốc hơi. Lee ước chừng 70% bạn anh đã mất tiền trong thị trường này.

Mức độ thay đổi chóng mặt của thị trường đem lại nhiều tâm lý xấu cho nhà đầu tư, nhiều người bỏ cả gia tài của mình vào thị trường. Khi Bitcoin giảm 10% trong tháng 1, người chơi chia sẻ hình ảnh họ đập phá máy tính, bồn tắm… trong cơn tức giận. "Tại sao cuộc sống của tôi luôn như vậy", một người chơi đã đăng tải câu này trên trang xã hội. "Tôi không muốn lau dọn gì". Một cộng đồng đầu tư Bitcoin đã nhắc đến việc "tắm sông Hàn" trước tình hình giá giảm (tiếng lóng ám chỉ việc tự sát).

Truyền thông Hàn Quốc đã ghi nhận nhiều vụ tự tử liên quan đến tiền số. Một sinh viên đại học đầu tư 18.500 USD đã tự sát đầu tháng 2 năm nay. Cũng trong tháng đó, mẹ của một nhân viên IT phát hiện con trai mình đã tự sát, bạn bè của anh ta nói rằng người này đã mất 10.000 USD đầu tư vào tiền số.

"Tình hình rất tệ, nhưng không gì có thể ngăn cản tôi"

Oh nói rằng cô vẫn tự tin về tình hình hiện tại. Nhưng, cô và chồng mình cũng mất 20.000 USD trong vụ lừa đảo 250 triệu USD. "Tình hình rất tệ, nhưng không gì có thể ngăn tôi. Điều này không ảnh hưởng đến niềm tin của tôi vào giá trị của Ethereum".

Những vấn đề đó làm nhiều nhà cầm quyền lo ngại. Hàn Quốc đã áp một số luật vào thị trường tiền số. Trong tháng 11 này, thủ tướng Hàn Quốc đã nói: "Những người trẻ đang lao vào thị trường tiền số với mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh. Đây là thời điểm chính phủ cần có hành động quyết liệt vì hậu quả xảy ra nếu không giám sát có thể là vấn đề cực kỳ tiêu cực".

Lee, một sinh viên đã mất một nửa khoản đầu tư vào Bitcoin nói rằng anh vẫn sẽ trở thành giáo viên thể dục, một mục tiêu không đổi. "Tiền không phải là tất cả", anh nói.

Còn Oh và chồng mình đang tìm một kênh đầu tư an toàn hơn để có thể mua nhà. "Tôi không nghĩ rằng nhiều người lao vào đầu tư chỉ bởi vì họ muốn có một cuộc sống xa xỉ, họ chỉ muốn có một mái nhà để sống mà thôi. Chính mong muốn đó khiến họ phát điên với thị trường này".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM