Economist: Đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ chết đói trong vài tháng tới

22/05/2020 13:59 PM | Xã hội

Chuyên gia Andy Summer của trường King’s College London ước tính nếu thu nhập bình quân đầu người trên thế giới giảm ít nhất 20%, điều vốn đã diễn ra trong vài tháng nay, thì số người nghèo đói trên toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 420 triệu người, tương đương với tổng dân số của Nam Mỹ.

Cô Jane Kabahuma đã phải ăn mỗi ngày 1 bữa kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay. Người phụ nữ đang mang thai này làm việc cho một khách sạn ở Uganda nhưng nó đã bị đóng cửa vì dịch Covid-19. Chỉ 5 tháng nữa là cô Kabahuma sẽ sinh và có lẽ người phụ nữ này chẳng chờ được đến lúc khách sạn mở cửa trở lại như bình thường.

Điều kiện sống của cô Kabahuma ngày càng tồi tệ hơn vì mất thu nhập. Thậm chí gia đình cô còn chẳng đủ tiền mua nước sạch để dùng và hiện cô đang sống lay lắt với sự trợ giúp từ bạn bè cũng như người thân.

Vào thời kỳ bình thường, những người khốn khổ tại các nước nghèo luôn có cách để sống sót. Nếu một thành viên trong gia đình ốm, những người thân hay bạn bè có thể giúp đỡ hoặc làm thêm giờ kiếm tiền bù đắp. Nếu một khu làng bị mất mùa, họ có thể nương nhờ tạm vào thu nhập của người thân trên thành phố hoặc đi vay mượn. Trớ trêu thay, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người và giờ đây những người khốn khổ nhất thế giới chẳng thể dựa vào đâu.

Economist: Đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ chết đói trong vài tháng tới - Ảnh 1.

Tỷ lệ nghèo đói trên thế giới theo dự đoán

Tại rất nhiều nơi trên thế giới, những người công nhân nghèo không thể làm thêm để kiếm chút tiền bù đắp trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 bởi nhu cầu lao động ngày một thu hẹp do doanh nghiệp phải tạm đóng cửa còn thị trường ảm đạm vì chẳng mấy ai chi tiêu.

Các nhà hàng không cần thêm bồi bàn, trung tâm thương mại chẳng cần người lau dọn trong khi các cửa hàng không đóng cửa thì cũng vắng tanh vì chẳng có mấy khách. Người dân thì hạn chế ra chỗ đông người hoặc tiết kiệm hơn do lo sợ thu nhập giảm.

Cú sốc về kinh tế sau dịch Covid-19 đang tác động mọi nơi trên thế giới và chẳng có ai ngoài tầng lớp siêu giàu có thừa nguồn lực để giúp đỡ những người khác. Ngân hàng thế giới (World Bank) đã dự báo lượng kiều hối từ lao động nhập cư trong năm nay trên toàn cầu sẽ giảm 20% vì dịch bệnh. Trong tháng 1/2020, lượng tiền các công nhân Nepal đi xuất khẩu lao động gửi về nước đã giảm ¾ so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí nhiều người không gửi về đồng nào hoặc phải trở về nhà do mất việc.

Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển hiện nay vẫn phải vật lộn với dịch Covid-19 và yêu cầu người dân hạn chế ra đường. Tuy nhiên, những lao động nghèo chẳng thể làm việc từ xa bởi không có trình độ. Không có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập và đói ăn. Bởi vậy dịch Covid-19 không chỉ gây ra cú sốc về sức khỏe, kinh tế, xã hội mà còn đang khiến hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói khổ.

Trong khoảng 1990-2019, số lượng những người đói nghèo (có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày) đã giảm từ 2 tỷ người, tương đương 36% tổng dân số, xuống chỉ còn 630 triệu người, tương đương 8%.

Tuy vậy với dịch Covid-19, lần đầu tiên con số này tăng mạnh trở lại từ năm 1998. Hiện chưa có một thống kê rõ ràng bao nhiêu triệu người sẽ rơi vào cảnh bần cùng vì dịch Covid-19 và liệu họ có hồi phục trở lại được khi dịch bệnh đã qua hay chìm sâu hơn vào khủng hoảng.

Những kẻ trắng tay

Vào tháng 4/2020, World Bank ước tính ít nhất 49 triệu người trên thế giới sẽ rơi vào cảnh đói nghèo vì dịch Covid-19 và con số sẽ còn tăng do khủng hoảng kinh tế sau dịch. Điều này càng được chứng thực hơn bởi những số liệu sau đó.

Ngày 17/5/2020, Goldman Sachs dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ suy giảm 45% trong năm nay trong khi mới đây Trung Quốc đã phải từ bỏ việc đặt mục tiêu tăng trưởng do biết rõ rằng số liệu năm nay sẽ chẳng đẹp đẽ gì.

Economist: Đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ chết đói trong vài tháng tới - Ảnh 2.

Chuyên gia Andy Summer của trường King’s College London ước tính nếu thu nhập bình quân đầu người trên thế giới giảm ít nhất 20%, điều vốn đã diễn ra trong vài tháng nay, thì số người nghèo đói trên toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 420 triệu người, tương đương với tổng dân số của Nam Mỹ.

Nếu con số này là chính xác, mọi cố gắng chống đói nghèo trong hàng chục năm qua sẽ trở thành công cốc chỉ vì một cơn đại dịch.

Rất nhiều nước nghèo hiện nay cũng học tập việc cách ly xã hội như những nền kinh tế phát triển đang làm nhưng điều kiện mỗi nơi mỗi khác. Lao động ở các nước giàu dễ kiếm việc làm từ xa và có trợ cấp tốt hơn những nước nghèo.

Ví dụ như ở Ấn Độ khi áp dụng cách ly vào ngày 24/3, khoảng 140 triệu người được cho là sẽ mất việc bất ngờ lâm vào cảnh túng quẫn. Hàng chục triệu lao động nghèo từ tỉnh lẻ lên thành phố mất thu nhập, không có tiền thuê nhà cũng như chẳng thể lên tàu về quê do bị cách ly. Hậu quả là hàng triệu người phải đi bộ hàng trăm km về quê, dẫn đến những vụ tử vong thương tâm trên đường vì đói khát hay dịch bệnh.

Hiện hơn 80% người dân tại các nước như Kebya hay Senegal đã bị mất nguồn thu nhập từ đầu tháng 4/2020. Tại Colombia, người dẫn đã phải biểu tình vì đói trong khi các hộ gia đình tại Altavista- Elsalvador cũng đã phải treo cờ trắng ngoài cửa sổ để vừa tuân thủ lệnh cách ly vừa thông báo rằng họ cần trợ giúp vì hết lương thực.

"Chỉ qua một đêm, rất nhiều người từ có thu nhập trở thành kẻ trắng tay", Chuyên gia Carolina Sanchez Paramo của World Bank ngậm ngùi nói.

Chương trình lương thực quốc tế (WFP) đã phải nâng mức dự báo số người lâm vào cảnh đói ăn trên thế giới lên gấp đôi trong năm nay. Thậm chí, khủng hoảng an ninh lương thực và nạn đói có thể sẽ diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới sau dịch Covid-19 trong vài tháng tới.

Economist: Đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ chết đói trong vài tháng tới - Ảnh 3.

Trong khi đó các chuyên gia của trường đại học John Hopkins University cảnh báo việc hệ thống y tế quá tải và thiếu thốn lương thực có thể giết chết 1,2 triệu trẻ em và 57.000 bà mẹ trong vòng 6 tháng tới ở 118 quốc gia nghèo và trung lưu khác.

Đồng quan điểm, tổ chức Stop TB Partnership cảnh báo việc cách ly và gián đoạn điều trị có thể khiến ít nhất 500.000 người Ấn Độ chết vì bệnh lao. Một báo cáo của trường đại học y học và bệnh nhiệt đới London (LSHTM) cho biết việc ưu tiên chống dịch đang khiến nhiều bệnh nhân khác phải chịu thiệt. Ở Châu Phi, cứ mỗi bệnh nhân lây nhiễm Sars ncov2 khỏi bệnh là sẽ có 140 người khác chết vì những bệnh dịch khác do không được cứu chữa đầy đủ.

Không việc làm, không thu nhập và chết đói

Nghiên cứu của Viện Yale Research cho thấy số giờ làm việc của lao động miền Tây Nepal đã giảm 75% do dịch Covid-19. Tại Uzerbekistan, số hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên còn làm việc đã giảm hơn 40%.

Tồi tệ hơn, thu nhập giảm nhưng giá lương thực lại tăng do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Giá khoai tây tại Ấn Độ đã tăng tới hơn 15%. Tại Uganda, giá phần lớn lương thực đã tăng hơn 15% kể từ giữa tháng 3/2020.

Điều trớ trêu là nông dân tại nhiều nơi trên thế giới cũng méo mặt vì chẳng bán được nông sản. Những cánh đồng dưa hấu ở Philippines bị bỏ úng vì chẳng vận chuyển đi đâu được. Các vườn rau tại Ấn Độ thì bị bỏ hoang vì không có người thu hoạch. Tại Đông Phi, nạn châu chấu đang hoành hành và nạn đói gần như là điều chắc chắn sẽ xảy ra sau dịch Covid-19.

Với việc thu nhập giảm và giá lương thực tăng, ngày càng nhiều người nghèo phải bán tài sản, ăn ít hơn và hạn chế chi tiêu. Thậm chí nhiều công cụ kiếm cơm như xe cộ hay vật dụng lao động cũng bị đem đi bán để lấy tiền mua lương thực. Tuy nhiên do có quá nhiều người bán, giá những mặt hàng này cũng chẳng cao là mấy. Điều này sẽ khiến lượng lớn lao động không thể hồi phục lại sau dịch Covid-19 do mất khả năng làm việc trở lại.

Economist: Đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ chết đói trong vài tháng tới - Ảnh 4.

Về lâu dài, nạn đói và khủng hoảng lương thực sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và trí tuệ của người dân. Các gia đình sẽ hạn chế sinh con để tiết kiệm số miệng ăn. Trẻ em đói ăn gây giảm IQ và không phát triển về thể chất, tạo nên những lao động kém chất lượng trong tương lai.

Nghiên cứu của Yale Research cho thấy khoảng 14% số người dân ở Sierra Leone đã phải chịu đói nguyên ngày hoặc ăn cách ngày để tiết kiệm lương thực.

Với rủi ro đói ăn, rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới đã buộc phải dỡ bỏ lệnh cách ly dù dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Dẫu vậy, chết vì đói hay qua đời vì dịch bệnh đã chẳng còn khác nhau là mấy.

Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc trong khoảng 2013-2016 cho thấy chất lượng sống tại Sierra Leone đã được cải thiện đáng kể bất chấp dịch Ebola. Nguyên nhân chính là do nhiều nước đổ tiền cứu trợ nhằm dập dịch tránh lây lan rộng, qua đó cải thiện chế độ dinh dưỡng cho các trẻ em tại đây cũng như hạn chế số người tử vong vì đói.

Tuy nhiên với dịch Covid-19 lần này, có lẽ những người nghèo tại Sierra Leone cũng như tầng lớp khốn khổ trên khắp thế giới chẳng còn được may mắn như vậy khi chính các nước giàu cũng đang phải vật lộn với khủng hoảng, thất nghiệp và an ninh lương thực.

AB

Cùng chuyên mục
XEM