Dưới thời tân Chủ tịch Fed Jerome Powell, thị trường tài chính liệu có sóng gió hơn?

28/02/2018 14:06 PM | Xã hội

Theo Powell, những biến động của thị trường chứng khoán sẽ không thể cản được việc Fed tăng lãi suất.

Đêm qua (27/2 theo giờ Việt Nam), tân Chủ tịch Fed Jerome Powell đã xuất hiện trước Ủy ban dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện để thực hiện phiên điều trần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên ngay trong "lễ ra mắt", Powell đã gây ra sóng gió cho thị trường bằng những nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ, đồng thời đưa ra một vài dấu hiệu cho thấy quan điểm và phong cách của ông sẽ khác biệt như thế nào so với người tiền nhiệm Janet Yellen.

Quan điểm cá nhân

Khi 1 vị Chủ tịch Fed điều trần trước Quốc hội, ông ta/bà ta thường được hiểu là đang nói lên những quan điểm về lãi suất của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC). Tuy nhiên, qua vài dịp xuất hiện trước công chúng có thể thấy Powell tập trung nhấn mạnh quan điểm của cá nhân ông. Điều này được đánh giá là tạo thêm sự đa dạng trong phương thức giao tiếp với công chúng của Fed, khác hẳn với thời bà Yellen.

Powell đã có vài lần thể hiện quan điểm cá nhân trong buổi điều trần kéo dài 3 giờ đồng hồ. Kể từ lần gần nhất Fed đưa ra các dự báo kinh tế, Quốc hội Mỹ đã có tới 2 thay đổi có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Gói cải cách thuế 1.500 tỷ USD có tác dụng kích thích nền kinh tế, và mới đây là thỏa thuận ngân sách nâng mức trần chi tiêu công.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi, đó là những lực đẩy có nhiều ý nghĩa sẽ tác động lên lực cầu, ít nhất là trong vài năm tới", ông nói.

Sau đó, khi trả lời câu hỏi liệu gói kích thích mới có thể khiến Fed tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần như đã dự đoán hồi tháng 12 hay không, Powell lại nói rằng "theo tôi triển vọng nền kinh tế đã mạnh lên kể từ tháng 12". "Tôi không muốn vội vàng phán xét, nhưng chúng tôi sẽ tính đến mọi động thái đã xảy ra từ đó đến nay".

Tại sao việc tân Chủ tịch Fed không ngại ngần thể hiện quan điểm cá nhân lại là tín hiệu quan trọng cần để ý? Powell được coi là trung tâm của FOMC, vì thế sự lạc quan của ông có thể làm dấy lên kỳ vọng toàn bộ các thành viên FOMC sẽ đi theo quan điểm này và chọn lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ 1 cách xông xáo hơn 1 chút.

Phản ứng của thị trường

Màn ra mắt của Powell đã khiến thị trường cảm thấy không mấy dễ chịu, với cổ phiếu giảm sâu trong khi lợi suất trái phiếu tăng cao do nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn. May mắn là ông đã nói với các nhà làm luật rằng những diễn biến của thị trường tài chính không phải là mối quan tâm chính, và ông sẽ không lo ngại trước những biến động trong ngắn hạn.

Theo Powell, TTCK là nơi quan trọng để các doanh nghiệp huy động vốn và là 1 trong những yếu tố tác động đến suy nghĩ của Fed, nhưng đó không phải là toàn bộ nền kinh tế. Do đó những biến động của thị trường sẽ không thể cản được việc Fed tăng lãi suất.

Tác dụng phụ của chính sách tài khóa

Mặc dù Powell đồng ý rằng gói cải cách chính sách tài khóa đem đến những tác động tích cực đối với nền kinh tế, ông vẫn lo ngại về những căng thẳng mà ngân sách quốc gia phải chịu đựng trong dài hạn. Ông nhận định nợ quốc gia không bền vững, dù chưa đến mức phải rung chuông báo động.

Triển vọng tiền lương

Powell cho rằng để tiền lương có thể tăng trưởng bền vững, nâng suất của người lao động Mỹ cần tăng lên. Đây là 1 tín hiệu quan trọng. Nếu như Powell nghĩ rằng tiền lương tăng trưởng yếu là do thị trường lao động ì ạch, Fed sẽ có thể giải quyết vấn đề này. Nhưng phát biểu của ông cho thấy Quốc hội và Tổng thống Donald Trump mới là bên có đủ khả năng, chứ không phải một mình Fed.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM