Những điều cần biết về lần tăng lãi suất thứ 5 của Fed

14/12/2017 15:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Alan Levenson, chuyên gia kinh tế tại T. Rowe Price, nhận định, đây là lần đầu tiên Fed ở trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng các nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát đang ở mức quá thấp.

Một trong những hoạt động kinh doanh quan trọng nhất của các ngân hàng là cho vay. Khi bạn vay tiền từ ngân hàng, bạn sẽ phải chịu chi phí hay chính là phần lãi suất mà bạn phải trả.

Tuy nhiên lãi suất là 1 loại chi phí đặc biệt. Khi ngân hàng muốn tăng chi phí đi vay, hành động tăng lãi suất không phải đơn thuần là có thể tăng giá tùy tiện giống như 1 cửa hàng tạp hóa tăng giá sữa. Lãi suất được kiểm soát bởi các NHTW, mà ở nước Mỹ là Cục dự trữ liên bang Fed .

Tại sao Fed lại phải quan tâm đến lãi suất?

Năm 1977, Quốc hội Mỹ quyết định Fed có 2 nhiệm vụ chính: giữ cho giá cả ổn định và đảm bảo thị trường lao động có thể cung cấp việc làm cho tất cả những người muốn có việc làm.

Fed đã phát triển 1 bộ công cụ chính sách, trong đó có chính sách điều hành lãi suất, để đạt được mục tiêu về lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, những lần điều chỉnh lãi suất luôn luôn thu hút được nhiều sự chú ý nhất, có lẽ là bởi động thái này có phạm vi tác động rất rộng lớn. Lãi suất cơ bản là cơ sở cho mọi loại lãi suất sử dụng trong các giao dịch tài chính.

Từ Washington, Fed điều chỉnh lãi suất để tạo ra các thay đổi trong mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Nếu muốn khuyến khích người tiêu dùng đi vay để tăng chi tiêu từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế, Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Ngược lại, nếu muốn hạ nhiệt nền kinh tế đang phát triển quá nóng, Fed tăng lãi suất để hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Fed dựa vào lạm phát để điều chỉnh lãi suất và thường thì lãi suất tăng khi lạm phát tăng nóng. Tuy nhiên, những gì Fed đang làm hiện nay khá bất thường. Giống như Alan Levenson, chuyên gia kinh tế tại T. Rowe Price, nhận định, đây là lần đầu tiên Fed ở trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng các nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát đang ở mức quá thấp.

Lần cuối cùng tỷ lệ lạm phát (theo cách tính của Fed) chạm mốc mục tiêu 2% mà Fed đề ra là từ năm 2012. Sẽ không chính xác khi nói rằng Fed tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, mặc dù đúng là lạm phát có xu hướng tăng. Trong phiên họp vừa qua, Fed cũng chỉ dám dự báo đến năm 2019 lạm phát của Mỹ mới đạt mục tiêu 2%.

Lãi suất tăng lên hay giảm xuống bằng cách nào?

Các ngân hàng không chỉ cho người dân hoặc các doanh nghiệp vay tiền mà còn có hoạt động cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng.

Điều này xảy ra vì vào cuối mỗi ngày, các ngân hàng buộc phải có 1 lượng vốn nhất định trong tài khoản dự trữ tại NHTW. Số dự trữ này luôn luôn biến động, vì thế ngân hàng có lúc phải vay qua đêm để đáp ứng yêu cầu về dự trữ bắt buộc. Và khoản vay này cũng phải chịu lãi suất.

Fed cố gắng ảnh hưởng đến mức lãi suất này (gọi là lãi suất liên bang) và đây là loại lãi suất mà Fed hướng tới khi tăng hoặc giảm lãi suất.

Khi lãi suất liên bang tăng sẽ kéo theo lãi suất mà các ngân hàng thu từ người dân cũng tăng lên. Làn sóng lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế, khiến chi phí đi vay nói chung tăng lên. Bên cạnh đó các ngân hàng ít sẵn sàng cho vay hơn vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi để tiền tại tài khoản dự trữ ở NHTW. Điều này sẽ làm giảm cung tiền.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của Fed kể từ khi lãi suất bị hạ xuống mức gần 0 để đối phó với khủng hoảng tài chính 2008. Bà Yellen – người sẽ rời ghế Chủ tịch Fed vào đầu năm sau – đã dẫn dắt quá trình từ từ đưa chính sách tiền tệ của nước Mỹ trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh nền kinh tế khởi sắc.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 4,1%, thấp nhất trong 17 năm trở lại đây. Fed dự đoán đến cuối năm 2018 con số sẽ giảm xuống dưới 4%.

Cả thế giới tăng lãi suất

Trong tuần này đồng loạt các ngân hàng lớn là Norges Bank (NHTW Na Uy), Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed, NHTW Anh BOE, NHTW châu Âu ECB và NHTW Thụy Sĩ sẽ lần lượt thông báo quyết định cuối cùng về chính sách tiền tệ của năm 2017. Tổng cộng 5 NHTW này thiết lập chi phí đi vay cho hơn 1/3 kinh tế thế giới.

Citigroup và JPMorgan dự đoán trung bình lãi suất ở các nền kinh tế phát triển sẽ tăng thêm ít nhất 1% trong năm tới. Đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.

Các dự báo dựa trên kịch bản kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng quanh mức 4% trong năm tới, tốt nhất kể từ năm 2011. Các động lực chính bao gồm tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động thương mại và đầu tư sôi động hơn. Dự định cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump cũng là 1 lực đẩy tốt đối với cả nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM