Cơn gió bảo hộ, quyết định của FED hay Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ khiến kinh tế Việt Nam thay đổi như thế nào?

23/12/2017 10:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam đã nằm chắc trong tầm tay. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, con số có thể đạt được sẽ là 6,71 – 6,72%, tức vượt từ 0,01 – 0,02 điểm phần trăm.

Việc tăng trưởng này, theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, phần nào có liên quan đến chu kỳ kinh tế thế giới. Bởi sau 10 năm, kinh tế thế giới có vẻ như đã đi vào chu kỳ tích cực hơn, dù chưa phải đột phá, còn Việt Nam với độ mở cao của thị trường, đương nhiên đón nhận sự thuận lợi ấy.

Kinh tế thế giới được Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT, dự báo sẽ tăng đạt mức 3,53% về cuối năm 2017 và sau đó hồi phục lên 3,65% trong năm 2018.

Trong đó, GDP Mỹ dự báo đạt 2,25% trong năm 2018, kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 1,05% trong năm 2018, khu vực Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng 1,9% và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 6,47% do chính sách cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 và 2018 được hưởng lợi từ sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới, các dòng vốn đầu tư và thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh những yếu tố tích cực, các yếu tố tiêu cực của kinh tế thế giới, bao gồm chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra, với sự kiện Brexit và việc Mỹ tiếp tục đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do (như hiệp định NAFTA); chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nền kinh tế lớn; mức tăng lương yếu ớt cản trở tăng trưởng dựa vào tiêu dùng của thế giới… sẽ ảnh hưởng việc lưu chuyển hàng hoá, thông qua đó tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam 2018.

“Những chính sách do Mỹ và EU dự kiến thực hiện trong năm tới cũng sẽ có những ảnh hưởng trái chiều tới kinh tế Việt Nam, do vậy, cần có những ứng phó về chính sách của Chính phủ”, ông Thắng nói.

Cụ thể, việc FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP của Mỹ, trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Chính sách bảo hộ thương mại và chống nhập cư của Mỹ cũng sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc đồng USD tăng giá cũng có thể giúp tăng năng lực cạnh tranh về giá cuả hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, nhờ vậy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của NCIF, nếu FED tăng lãi suất tối đa 4 lần trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm nhẹ 0,0075 điểm phần trăm.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến cắt giảm gói nới lỏng định lượng trong năm 2018 cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến GDP của EU. Do EU là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam nên việc làm này cũng tác động xấu đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo tính toán, việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng xuống còn một nửa (30 tỷ EU mỗi tháng từ 1 - 9/2018) sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 0,0167 điểm phần trăm.

Dù vậy, một điểm sáng được NCIF chỉ ra là Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đối với Hiệp định TPP, ngay cả khi Mỹ không tham gia, Việt Nam vẫn thu được lợi ích từ hiệp định này, mặc dù với mức độ nhỏ hơn so với kịch bản có Mỹ.

Kết quả tính toán định lượng cho thấy, về tổng thể CPTPP vẫn có lợi cho Việt Nam so với trường hợp không tham gia. Tuy nhiên, thấp hơn nhiều so với trường hợp TPP12.

Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương 1,7 tỷ USD (trong TPP12, con số này là khoảng 6,7%).

Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hoá dịch vụ theo kịch bản mở của dịch vụ (2,01%). Với giả định mức tác động luỹ tiến tới 2035, trung bình mức GDP tăng thêm mỗi năm khoảng 0,016%, tương đương khoảng 0,02 tỷ USD/năm.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM