Được 'bảo hộ' khỏi thép Trung Quốc, các doanh nghiệp thép VN hạnh phúc nhất hôm nay!

18/07/2016 16:29 PM | Kinh tế vĩ mô

Bộ Công Thương vừa có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu hôm nay 18/7/206 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ký. Đây có thể là một tin vui lớn dành cho doanh nghiệp ngành thép.

Bộ Công Thương vừa có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu hôm nay 18/7/206 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ký.

Biện pháp tự vệ được áp dụng trong 4 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực.

Cụ thể, đối với mặt hàng phôi thép, thuế tự vệ 23,3% kể từ ngày quyết định biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực 22/3/2016 đến ngày 21/3/2017, rồi sau đó giảm dần theo các năm. Tới năm 2020, mức thuế sẽ về 0% nếu không có gia hạn.

Đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế áp dụng sẽ vẫn giữ nguyên là 14,2% theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, cho đến ngày 1/8/2016, tức là trước ngày Quyết định áp dụng biện pháp chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, từ ngày 2/8/2016 đến ngày 21/3/2017, mức thuế sẽ điều chỉnh tăng lên 15,4% áp dụng cho năm đầu tiên; Trong 01 năm sau đó, tức là đến ngày 21/3/2018 mức thuế sẽ là 13,9% và giảm xuống còn 12,4% trong 01 năm tiếp theo; giảm tiếp xuống còn 10,9% đến ngày 21/03/2020 và từ ngày 22/3/2020 sẽ về 0% nếu không gia hạn.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7202.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00).

Mức thuế tự vệ này được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển, kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu, với điều kiện tổng nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.

Quyết định này của Bộ Công Thương này sẽ đẩy lùi vấn nạn mà các DN thép lớn Việt Nam lo sợ nhất: Sự xâm lấn của thép Trung Quốc, vốn có giá thành thấp hơn.

4 ông lớn trong ngành thép Việt Nam bao gồm Thép Hòa Phát , Thép miền Nam, thép Việt Ý và gang thép Thái Nguyên sẽ được hưởng lợi lớn từ quyết định này. Trong đó, doanh nghiệp "sung sướng" nhất có lẽ là Thép Hòa Phát. Năm 2015, Hòa Phát có kết quả kinh doanh rất khả quan khi lợi nhuận đạt trên 3.500 tỉ đồng. Với sự trợ giúp từ Bộ Công Thương, công việc kinh doanh của Hòa Phát được dự báo tiếp tục ăn nên làm ra.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, giá cổ phiếu của thép Hòa Phát đã tăng 4,7%.

Trước đó, 4 "ông lớn" ngành thép đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngày 25/12/2015 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sau khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thép kêu cứu.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM