Du lịch Việt sau ‘Đảo Đầu lâu’ có nổi rồi lại chìm như chuyện hang Sơn Đòong lên truyền hình Mỹ?

14/03/2017 07:52 AM | Kinh doanh

Năm 2015, khi hang Sơn Đòong lên truyền hình Mỹ, Quảng Bình đã đón lượng du khách kỷ lục lên tới 3 triệu người. Nhưng ngay trong năm tiếp theo, lượng du khách đến Quảng Bình giảm gần 1/3…

Hình ảnh Việt Nam đẹp lung linh trong những thước phim Hollywood “Kong: Skull Island” (Đảo Đầu lâu) lại khiến niềm tự hào về thiên nhiên Việt Nam một lần nữa sôi sục.

Quảng Bình – một trong 3 địa phương có cảnh quay trên phim – tỏ ra khá nhanh nhạy khi cùng lúc mở ra 7 tour du lịch mới, trong đó có tour tham quan trường quay phim Đảo Đầu lâu.

Với chủ đề “Quang Binh: Home of Kong Skull Island”, du khách sẽ được tham quan, khám phá hồ Yên Phú – thung lũng Chà Nòi – Tú Làn – nơi được chọn làm phim trường cho bộ phim bom tấn này.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất dựng mô hình 3D phim Đảo Đầu lâu tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhằm tận dụng sức ảnh hưởng của bộ phim để thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch – tỏ ra e ngại sự kiện Việt Nam lên phim Hollywood Đảo Đầu lâu sẽ “nổi rồi chìm” như một loạt cơ hội trời cho trước đó.

Làm du lịch cần có một kế hoạch bài bản chứ không thể làm chộp giật. Việt Nam đã có những sự kiện rất lớn như hang Sơn Đòong lên truyền hình Mỹ, Tổng thống Clinton sang ăn phở hay Tổng thống Obama ăn bún chả và uống bia hơi Việt Nam… nhưng du lịch Việt Nam thực sự chưa tận dụng được cơ hội đó, hay nói cách khác là chưa có được hiệu ứng có hiệu quả xung quanh những sự kiện đó”.

“Và Kong: Skull Island cũng không phải ngoại lệ”, ông Lương nhận xét.

Đón 3 triệu khách sau khi Sơn Đòong lên truyền hình Mỹ, và năm vừa rồi lượng khách tới Quảng Bình sụt tới 1/3…

Quảng Bình có thể nói là một địa phương hội tụ đủ thiên thời và địa lợi. Sau sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ tại đất mẹ năm 2013 đẩy lượng du khách nội địa tăng vọt, 2 năm tiếp theo du lịch Quảng Bình đều cất cánh nhờ một loạt sự kiện liên quan đến Sơn Đòong.

Đỉnh điểm lượng du khách đến Quảng Bình là 3 triệu lượt khách vào năm 2015, năm Sơn Đòong hút hồn người xem trên kênh truyền hình ABC của Mỹ.

Nhưng chỉ một năm sau, do chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển và thiên tai lũ lụt, lượng khách đến với tỉnh giảm đáng kể, chỉ đạt 1,99 triệu lượt khách, giảm 29,4% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 37.000 lượt, giảm 13,2%.


Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình qua các năm.

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình qua các năm.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt gần 1.700 tỷ đồng, giảm 12,9% so cùng kỳ.

Năm 2017, với Đảo Đầu lâu, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách đến với tỉnh, ngang lượng khách du lịch thu hút được trong năm 2015, và tổng thu du lịch dự kiến lên tới 3.000 tỷ đồng.

“Những sự kiện như Đảo Đầu lâu tạo cơ hội rất lớn để chúng ta có thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó có câu chuyện về thương hiệu điểm đến”.

“Thực tế tất cả mọi người đều rất mong muốn du lịch Việt Nam cất cánh, và cái mong muốn ấy là chính đáng. Tuy nhiên, nhìn vào cách làm thì tôi cho rằng chưa hiệu quả ở góc độ tổng thể. Chúng ta thiếu một kịch bản, hay một kế hoạch có chiều rộng (mang tính bao trùm) và chiều sâu (mang tính hệ thống) để tận dụng một cơ hội như vậy. Vì lẽ đó, tôi cho rằng tính hiệu quả của nó sẽ thấp”, PGS.TS Lương nhận định.

Việt Nam rất đẹp, và chỉ thế thôi!

Trong khi nước ngoài mang đến cho du khách các trải nghiệm thì các địa phương Việt Nam đang tự mài mòn các lợi thế tự nhiên. Với Hạ Long, khách du lịch ngoài việc thuê thuyền ở 1 đêm trên biển thì không còn gì trải nghiệm. Với Hội An, không biết xem gì ngoài việc thăm các phố cổ, các cửa hàng với các mặt hàng tương đối giống nhau...”, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group – từng cho biết.

Người Việt vẫn tự ca ngợi về tiềm năng tự nhiên của địa phương. Địa phương nào cũng có lợi thế nhất định về điểm đến tự nhiên như Hạ Long, Sơn Đoòng, những thành phố, đô thị cổ... Và chúng ta luôn nghĩ rằng đó là thế mạnh có thể thu hút được du lịch.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng hầu hết sức hút mang tính chiều sâu là những sản phẩm có tác động của con người. Những sản phẩm do con người làm ra mới là thứ thu hút lâu dài, là thứ để khách du lịch rút hầu bao chi trả cho du lịch.

Rất nhiều khách du lịch đến, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền như sau một chuyến đi trên vịnh Hạ Long, hay muốn về thành phố Hạ Long ở khách sạn cao cấp để chi nhiều tiền hơn, hoặc muốn tìm chỗ biểu diễn nghệ thuật để trải nghiệm về văn hóa Việt Nam... Nhưng không có!

Nói về cách làm du lịch, nói riêng đảo Jeju của Hàn Quốc, GS. Đinh Văn Nhã - Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đông Á đã thốt lên: “Thật kinh ngạc!”

“Một hòn đảo gần như không có gì cả, ngoài núi lửa, nhưng người ta biến nó thành khu du lịch. Người ta biến những hòn đất nung vô tác dụng trở thành tượng, thành những sản phẩm mang tính chất Hàn Quốc, để bán lại cho khách du lịch. Họ biến những cái vứt đi thành tài sản của họ”.

Trong khi đó, chúng ta tự hào là “rừng vàng, biển bạc”, và vẫn đang mài mòn các lợi thế tự nhiên ấy để khai thác du lịch.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM