Từ chuyện làm phim Kong ở Việt Nam, thán phục cách người Thái tận dụng "mỏ vàng" phim trường cho các đoàn phim quốc tế

15/03/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Năm 2015, Thái Lan là điểm đến quay cảnh của 724 đoàn làm phim, đoàn làm quảng cáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh thu năm 2015 từ việc cho các đoàn này là 90 triệu USD.

Bộ phim Hollywood Kong: Skull island đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước do sử dụng hầu hết ngoại cảnh ở Việt Nam làm bối cảnh cho phim.

Việc một đoàn làm phim Mỹ thực hiện quay phim ở các thắng cảnh Việt Nam được dư luận trong nước "phát sốt" một phần vì nhiều người cho rằng đây sẽ là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh đất nước và du lịch Việt Nam, nhưng rõ ràng một phần khác là vì xưa nay chúng ta chưa có nhiều đoàn phim quốc tế tìm đến.

Cùng nhìn sang một tấm gương đáng học hỏi ở quốc gia láng giềng Thái Lan, nơi cũng sở hữu nhiều cảnh đẹp nhiệt đới như chúng ta ở khu vực Đông Nam Á, để thấy rằng họ đã tận dụng nguồn lực thiên nhiên như thế nào để quảng bá đất nước và con người thông qua phim ảnh.

Thái Lan đã làm gì để thu hút các đoàn làm phim quốc tế?

Từ năm 2007, nhà chức trách Thái Lan đã bỏ bớt các thủ tục nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến đây làm việc như một cách để tăng nguồn thu ngoại tệ. Tháng 7/2007, một trung tâm dịch vụ công nghệ điện ảnh “một cửa” đã bắt đầu hoạt động để hỗ trợ các nhà làm phim.

Các loại giấy phép dành cho các đoàn làm phim được rút bớt, từ đó đẩy nhanh thời gian cấp, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Cùng lúc các cơ quan có trách nhiệm liên quan như Bộ Du lịch và thể thao, Bộ Văn hóa, Bộ Lao động và Bộ Môi trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim.

Ngoài ra, Thái Lan còn huy động các đại sứ quán nước ngoài và các văn phòng du lịch để tham gia cung cấp hiệu quả dịch vụ “một cửa”.

Tháng 8/2015, lãnh đạo Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đã đề nghị chính phủ Thái thông qua sáng kiến hoàn lại một phần tiền cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim tại đất nước này. Theo đó, các nhà làm phim nước ngoài nếu chi tiêu từ 100 đến 200 triệu Baht khi làm phim ở Thái Lan sẽ được hoàn lại từ 15 đến 20% tổng chi phí.

Sáng kiến của Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan được đưa ra sau khi nước này chịu thua nước Anh trong cuộc đua trở thành địa điểm quay tập mới nhất của bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Trước đó, Mexico cũng đã thực hiện biện pháp hoàn tiền để thu hút các đoàn phim quốc tế. Chẳng hạn, Mexico đã hoàn trả 10 triệu USD cho các nhà sản xuất bộ phim Điệp viên 007 - James Bond. Điều kiện Mexico đặt ra là đoàn làm phim phải tuyển các diễn viên Mexico và mô tả đất nước này theo chiều hướng tích cực.

Kết quả: Mỗi năm, có hàng trăm đoàn làm phim nước ngoài đã đến Thái Lan

Theo thống kê từ Văn phòng phim Thái Lan, trong vòng 6 năm trở lại đây, mỗi năm Thái Lan đón khoảng 500-700 đoàn làm phim đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh thu mang về từ hoạt động này lên đến 60-90 triệu USD mỗi năm.


Nguồn: Văn phòng phim Thái Lan

Nguồn: Văn phòng phim Thái Lan

Tính từ năm 2010 đến tháng 7/2016, Thái Lan là điểm đến của hơn 4.000 đoàn phim nước ngoài và thu về gần 400 triệu USD.

Các đoàn phim quốc tế chọn Thái Lan làm bối cảnh quay phim đến từ nhiều nước châu Á và châu Âu, như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu.... Nhiều nhất phải kể đến là Nhật Bản và Ấn Độ.

Thể loại phim được thực hiện cũng rất đa dạng, từ phim quảng cáo, phim tài liệu, đến video ca nhạc, các chương trình truyền hình, game show/thực tế, phóng sự....


Nguồn: Văn phòng phim Thái Lan

Nguồn: Văn phòng phim Thái Lan

Các bộ phim nổi tiếng như The Hangover Part II mà Hollywood trình chiếu hồi năm 2011, Lạc Lõng ở Thái Lan năm 2012 hay Railway Man đều có những cảnh quay tại đất nước này.

Đảo du lịch Phuket ở miền Nam Thái Lan là nơi được rất nhiều đoàn làm phim quốc tế lựa chọn. Một giám đốc văn phòng Du lịch và Thể thao Phuket từng nói, cứ 10 ngày mỗi tháng, ông lại bận với các dự án thu hình của các đoàn làm phim quốc tế.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM