Du lịch Đông Nam Á và những "phiên bản nháp"

30/09/2016 08:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Những cánh đồng trà xanh, vườn cà phê, những thợ lặn mò ngọc trai miệt mài đáy biển, nông dân cưỡi trâu thăm ruộng... Đó là những phiên bản "nháp" mà ngành du lịch Đông Nam Á đã nghĩ ra, dàn dựng lên, để chuyến đi của du khách thêm chút cảm xúc, và người dân địa phương có thêm thu nhập từ việc bán đặc sản...

Bao lần nghĩ về du lịch Thái Lan, tôi luôn nghĩ đến phiên chợ nổi đầy những thuyền trái cây sặc sỡ, giống như hình ảnh quảng cáo tôi thấy trên tờ Heritage hoặc quảng cáo của ThaiAirline. Rồi tôi cũng được tao ngộ phiên chợ nổi ấy, bằng da bằng thịt, vô cùng kinh ngạc vì dòng sông đặc nghẹt thuyền du khách, chen chúc "kẹt thuyền" chẳng khác nào kẹt xe ở cửa ngõ vào Bangkok.

Chỉ có dăm thuyền trái cây làm phông nền, gợi nhớ nền nông nghiệp Thái Lan mấy chục năm nay phát triển nhờ công sức của nhà vua Thái đã đầu tư vào phát triển sản phẩm chất lượng cao trong nông nghiệp. Còn lại thuyền bè dọc ngang, xuôi ngược là thuyền khách nhìn nhau, chen lấn nhau rồi tấp vào những chợ trên bờ - thật lòng cũng không mấy hấp dẫn.

Cảm giác thất vọng là có thực. Tuy nhiên, cái phiên chợ nổi này cũng còn cho du khách cọ xát với người dân địa phương, tuy bản sắc của nó không thật đậm đà như quảng cáo.

"Công nghệ demo"

Điểm đến văn hóa cho du khách đang là nhu cầu, đặc biệt là dịp cho du khách có cơ hội tiếp cận văn hóa, đời sống sản xuất của người dân địa phương - những trải nghiệm thật. Tuy nhiên, thường thì những bản sắc văn hóa đậm đà đó không thuận lợi về giao thông, hoặc đội chi phí tour, hoặc không đủ điều kiện để đón khách tham quan.

Vậy là khắp Đông Nam Á nhan nhản những "bản nháp" văn hóa phục vụ du khách, mà người kinh doanh hay gọi là bản "demo", bản thu gọn. Tôi thì gọi nó là "bản nháp", nghĩ cũng không sai.

Các công ty lữ hành đang quảng cáo rầm rộ cho ngọc trai Phú Quốc, và tất cả các tour đến hòn đảo này đều đưa khách trải nghiệm xem nuôi ngọc trai dưới biển.

Có khoảng chục điểm tham quan và mua sắm ngọc trai có tên tuổi. Bản "demo nuôi ngọc trai" phục vụ du khách có dạng một tour đi thuyền tham quan. Người hướng dẫn sẽ kéo lồng nuôi trai lên để khách thấy tận mắt cách nuôi cấy, khai thác ngọc trai tại chỗ. Sau đó khách được đưa vào các cửa hàng bán ngọc trai đã chế tác. Hầu như ai cũng thích mua một chút quà trang sức quý này.

Tại sao tôi tin nó là du lịch "bản nháp"?

Người trong nghề đã chỉ dẫn cho tôi biết trước, trong cái trại nuôi ngọc trai dưới biển, trông hoành tráng những lồng nuôi nổi trên mặt nước, sẽ có hơn chục cái chìm hẳn xuống. Đó mới là lồng nuôi trai, cũng chỉ ở quy mô trình diễn. Số còn lại là lồng trống, gọi là tạo cảnh quan sản xuất hoành tráng. Dù khách có yêu cầu, những lồng nổi cũng không bao giờ được chủ kéo lên cho xem.

Chất lượng ngọc trai trong các cửa hàng có tốt không, có đúng là ngọc trai biển Phú Quốc không, chỉ người kinh doanh nó mới trả lời nổi. Có nhiều lời cảnh báo mua nhầm ngọc trai Trung Quốc chất lượng xấu. Ngay cả điều này cũng không đúng nốt. Trong kinh doanh, tiền nào của nấy vẫn được người bán tuân thủ. Nếu mua ngọc trai rẻ tiền, thì cũng tủi hổ cho thứ được gọi là ngọc quý! Khách nên tự trách mình, đừng trách thói gian dối bán buôn.

Ngọc trai Phú Quốc tốt đến đâu cũng chưa thấy tổ chức hoạt động chuyên môn nào khẳng định. Chỉ biết chính quyền tỉnh này không chọn mặt hàng ngọc trai làm biểu tượng, và cũng không có chính sách khuyến khích nuôi trồng hải sản ven bờ vì sợ ô nhiễm.

Trên con đường du lịch, nhiều lần tôi được đưa tới điểm nuôi, bán cao hổ để xem hổ nhồi mạt cưa và mua cao hổ. Nhiều lần khác được nhà tour đưa tới trại rắn, hoặc cá sấu để phân biệt da thật, da giả, và khi mua hàng, được ngắm vài ba chục con rắn với người biểu diễn như rạp xiếc.

Nhiều lần khát khao được dạo chơi trong vườn dâu, vườn cà phê bát ngát hay đồi chè trung du, nhưng các công ty du lịch cũng chỉ đưa chúng tôi đến một điểm trình diễn nghề, nơi vài nghệ nhân ngồi thực hiện cách hái chè, chế biến và bán hàng tại chỗ.

Lèo tèo dăm nghệ nhân, nhưng các công ty du lịch đổ khách vào nườm nượp như thế thì nguồn hàng bán ở đâu? Đây cũng là điều khách chúng tôi muốn hỏi, nhưng không bao giờ có câu trả lời. Mà chủ vườn thì không cần trả lời. Với tâm lý khai thác dòng khách du lịch mua quà, chừng đó cũng đủ.

Giá trị đích thực

Ở Hội An có làng gốm Thanh Hà - nơi nửa số hộ dân trong làng vẫn còn ngồi nặn gốm cho khách xem, cho khách thử cái bàn xoay nặn bình gốm, mặt nạ gốm. Đến đứa con nít cho vọc cục đất sét bé tí, chỉ cần năm phút nó đã xong một con tò he, lẳng lặng xếp vào cái mẹt sản phẩm chuẩn bị đưa ra lò nung chung.

Ở đó khá thú vị, vì ngôi làng giản dị, sạch sẽ, không có khách thì việc sản xuất diễn ra bình thường, không trình diễn, khách không cần vội vã theo tour, nhẩn nha chụp ảnh, ngắm làng, thích thì mua vài sản phẩm về làm quà.

Sau có một nhà đầu tư đã đổ tiền dựng nên Công viên gốm Thanh Hà, trưng bày với quy mô lớn những tác phẩm gốm. Các tác phẩm này các du khách cũng không xác định được có dùng kỹ thuật đất nung của nguời Thanh Hà cổ truyền hay không, vì người Thanh Hà làm chum vại, những thứ nhỏ, chứ không làm những món hàng nghệ thuật với kích cỡ quá lớn. Thành ra có cái công viên đó, ngôi làng có điểm đến nghệ thuật, nhưng vẫn có cảm giác nó "làm nháp", vì không khí mang tính trình diễn quá.

Đến Công viên gốm Thanh Hà, du khách nên dành chút thời gian vào các gia đình, thăm các nghệ nhân, mua những món hàng đơn giản, đôi khi đó là văn hóa dân gian thật.

Kinh doanh điểm đến văn hóa bây giờ không còn quá bí mật, cũng không quá nhiều rủi ro. Hầu hết những làng nghề cổ truyền ở vị trí xa, giao thông không thuận lợi, nên nhiều nhà đầu tư đã nhanh nhạy đưa cái không gian văn hóa làng nghề ra một chỗ thuận tiện hơn, đắc địa giao thông, dễ dàng giải bài toán chi phí tour.

Tuy nhiên, du khách chưa hiểu rõ về mô hình "du lịch bản demo" này, đôi khi cứ có cảm giác như bị lừa khi họ muốn có những trải nghiệm sâu hơn về không gian văn hóa làng nghề. Điều đó cũng oan cho nhà đầu tư, khi họ đi hai chân kinh doanh và phát triển văn hóa, khó có chân nào chịu chân nào bước trước, nên những cuộc đầu tư ở mức độ sâu sắc vừa phải.

Điều này làm chúng ta nhớ lại tại sao Sapa hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Từ mười mấy năm trước, con đường xuống bản của Sapa còn vô cùng khó, nhưng khách nước ngoài vẫn đi, người Việt cũng đi, bất chấp hiểm nguy, tai nạn. Bây giờ cái nhìn của du khách Việt đã khác, soi mói và chê bai, không nhận ra chân giá trị cuộc sống tự nhiên của những người đang sống trên mảnh đất của họ.

Sự soi mói thiếu thiện cảm chỉ nhìn thấy lòng ham muốn kiếm tiền ở những người miền núi chân chất, mà quên rằng đó là cuộc sống đang thay đổi, đang tiếp tục đi ở cả hai mặt xấu, tốt. Thưởng thức văn hóa ở tất cả các khía cạnh cũng đòi hỏi nền tảng văn hóa ở du khách.

Hiện nay chúng ta đang mua các gói tour đi qua rất nhiều "phiên bản nháp" vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, và Thái Lan là điển hình mẫu của việc làm "bản demo" văn hóa nghề cho du khách nhẹ tham quan, nặng mua sắm.

Đến đây, bỗng nhớ một người Pháp làm du lịch ở phố cổ Hội An. Anh này chuyên tổ chức tour chụp ảnh cho khách nước ngoài đến Hội An. Tour này khá đắt, nhưng du khách lẻ vẫn đăng ký để đi chụp ảnh cuộc sống tự nhiên của người nông dân các làng gần đó.

Cách khai thác đúng bản chất văn hóa cuộc sống của người Pháp này đang rất lẻ loi trước cách làm văn hóa du lịch kiểu trình diễn, cạn cợt ít cảm xúc cho du khách.

Theo BÍCH HỒNG

Cùng chuyên mục
XEM