Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, ngành phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn những góc khuất này
“Cô ấy bị đưa về từ Mexico, suýt chết trong xe ô tô và mất hết mô vú”, bác sĩ Nassif kể lại.
Bác sĩ Paul Nassif là người dẫn chương trình truyền hình thực tế Botched của Mỹ – nơi những ca phẫu thuật thẩm mỹ thất bại có cơ hội được sửa chữa – và đồng thời cũng là một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ.
Kể từ khi Botched ra mắt vào năm 2014, Nassif đã chứng kiến vô vàn những câu chuyện khủng khiếp về việc cải tạo sắc đẹp.
Có một bệnh nhân bị đưa nhầm miếng độn ngực vào mông. Một bệnh nhân khác chỉ được gây tê sơ sài bằng đá lạnh đặt trên ngực.
Một phụ nữ được hướng dẫn cách tháo ống dẫn lưu sau một ca nâng ngực. Sau đó cô bị nhiễm trùng nặng và gần như không còn một chút mô vú nào.
“Có một bệnh nhân đã thực hiện 5 ca sửa mũi và không lần nào bác sĩ tiến hành gây mê khi phẫu thuật”, Nassif cho biết. “Ông ta làm ngay ở văn phòng chứ không phải trung tâm phẫu thuật. Rồi ông để cô ta ở đó trong 30 phút với chiếc mũi bị mổ phanh ra, trong khi ông đi gặp những bệnh nhân khác. Cô ngồi dậy để đi vệ sinh và khi nhìn thấy chính mình trong gương, cô ngất lịm đi. Căn phòng không ở trong điều kiện vô trùng và mũi của cô bị hủy hoại hoàn toàn”.
Ở Mỹ, các bệnh nhân thường xuyên đi sang Mexico để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ với giá rẻ. Giờ đây với sự bùng nổ về công nghệ, những thủ thuật chỉnh trang nhan sắc đơn giản đã có thể thực hiện được cực kỳ nhanh chóng trên các loại máy móc hiện đại, tuy nhiên tay nghề bác sĩ vẫn vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Nassif nhớ có một bệnh nhân nữ không được vô trùng cẩn thận trước khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực, sau đó cô bị nhiễm trùng và suýt mất mạng.
“Cô ấy bị đưa về từ Mexico, suýt chết trong xe ô tô và mất hết mô vú”, ông kể lại.
Đây là những câu chuyện mang tính cảnh báo được Nassif chia sẻ tại Học viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Châu Úc (AAFPS) ở Sydney. Người Australia mỗi năm tiêu đến một tỷ USD để phẫu thuật thẩm mỹ. Chủ đề này càng trở nên nóng hổi khi chủ sở hữu của một thẩm mỹ viện tử vong sau khi bị tiêm thuốc gây mê, chất đệm ngực và một “chất độc” bởi một khách du lịch người Trung Quốc không có bất kỳ bằng cấp y khoa nào được Australia công nhận.
Chủ tịch AAFPS, bác sĩ George Marcells, có chuyên môn là phẫu thuật thẩm mỹ mũi và nâng mặt, nói rằng khoảng 50% các bệnh nhân của ông đều tìm đến để sửa chữa lại sau lần chỉnh sửa nhan sắc đầu tiên.
Ông còn khuyên các bệnh nhân nên tìm hiểu trước khi quyết định phẫu thuật, kiểm tra xem bác sĩ có đăng ký với Cơ quan Quản lý Chuyên viên Y tế Úc AHPRA và có bằng cấp hợp chuẩn hay không.
“Hãy để họ tư vấn trước và bạn sẽ biết liệu họ có đủ trình độ và có khả năng mang đến điều bạn muốn hay không. Hãy nhớ là các thủ tục phẫu thuật phải được thực hiện trong bệnh viện với đầy đủ điều kiện cần thiết”.
Bất chấp sự bùng nổ của các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, Hiệp hội các nhà Phẫu thuật Thẩm mỹ Australia (ASPS) đã đưa ra cảnh báo rằng không một ca phẫu thuật thẩm mỹ nào không có rủi ro. Kể cả với sự giúp sức của các loại máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến, những ca phẫu thuật dù đơn giản nhất vẫn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn mà không ai có thể lường trước được.
“Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là không một ca phẫu thuật thẩm mỹ nào không có rủi ro, gồm cả các ca như điều trị bằng laze, độn & nâng, và xóa nếp nhăn”, Giáo sư Mark Ashton - chủ tịch ASPS - cho biết.
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bệnh nhân ý thức được hết các rủi ro và tìm hiểu trình độ, bằng cấp của các bác sĩ cũng như cơ sở tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cho mình. Nhiều ca phẫu thuật mang tính xâm lấn và phải dùng các loại thuốc có thể gây độc hại nếu không được kiểm soát đúng cách”.