Dù có yêu công việc của mình đến đâu, đừng bao giờ hi sinh những điều này
Bạn cần phân biệt rạch ròi giữa những gì thuộc về sếp và những gì chỉ thuộc về chính mình. Có một số thứ của bản thân mà bạn không bao giờ nên hi sinh
Một ngày làm việc bình thường đã khá dài nhưng dường như công nghệ đang khiến nó dần dài hơn. Bạn trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, điện thoại vẫn reo liên tục, nhiều người gửi mail với mong muốn bạn sẽ trả lời ngay lập tức.
Dù hầu hết mọi người đều không muốn làm việc khi trở về nhà, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy điều ngược lại. Một nghiên cứu tiến hành bởi Hiệp hội tâm lý Mỹ chỉ ra rằng hơn 50% mọi người kiểm tra mail trước và sau giờ làm việc, trong kỳ nghỉ cuối tuần và thậm chí cả khi đang bị ốm. Thậm chí tệ hơn thì 44% kiểm tra mail ngay cả trong kỳ nghỉ.
Một nghiên cứu từ đại học Northern Illinois chỉ ra rằng những người cần trả lời email ngoài giờ làm việc sẽ tạo ra phản ứng căng thẳng kéo dài mà các nhà nghiên cứu gọi là “telepressure”.
Telepressure khiến bạn không bao giờ có thể thư giãn và thực sự rút ra khỏi công việc. Tình trạng stress kéo dài là một điều tồi tệ với sức khỏe. Ngoài tăng nguy cơ bệnh tim, trầm cảm và béo phì, stress làm giảm khả năng nhận thức của bạn.
Chúng ta cần thiết lập ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Nếu không làm được thì công việc, sức khỏe và cuộc sống cá nhân đều bị ảnh hưởng.
Việc trả lời mail ngoài giờ làm việc không phải là điều duy nhất bạn cần thiết lập. Bạn cần phân biệt rạch ròi giữa những gì thuộc về sếp và những gì chỉ thuộc về chính mình. Có một số thứ của bản thân mà bạn không bao giờ nên hi sinh. Học cách thiết lập ranh giới và nói không với sếp, bằng không bạn sẽ đánh mất nhiều điều vô cùng quý giá:
1. Sức khỏe
Sức khỏe của mỗi người đều suy giảm dần nên rất khó để biết khi nào mình cần chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe trong công việc. Có thể bạn đang làm những điều tồi tệ như khiến bản thân mình căng thẳng, mất ngủ hay ngồi cả ngày mà không tập thể dục.
Điểm mấu chốt ở đây là nên tránh làm những điều tồi tệ kể trên và giữ cho mình một thói quen nhất quán. Hãy suy nghĩ về những điều bạn cần làm để giữ bản thân mình khỏe mạnh (đi bộ giữa giờ nghỉ trưa, không làm việc vào cuối tuần hay tận hưởng kỳ nghỉ như lịch trình), lên một kế hoạch và dù bất cứ điều gì xảy ra thì bạn vẫn phải tuân thủ theo. Nếu không làm vậy, bạn đang cho phép công việc của mình vượt ra khỏi giới hạn.
2. Gia đình
Công việc rất dễ ảnh hưởng đến gia đình của bạn. Nhiều người đang làm vậy bởi họ coi công việc là cách thức để duy trì cuộc sống gia đình. Chúng ta có những suy nghĩ kiểu như “Tôi cần kiếm nhiều tiền hơn để con mình có tiền đi học.” Mặc dù đây là những suy nghĩ tốt nhưng bạn lại đang nợ gia đình mình món nợ lớn nhất. Đó chính là thời gian bạn cần ở cạnh những người thân yêu.
Đến lúc nằm trên giường bệnh, chắc hắn bạn sẽ không nhớ mình đã kiếm được cho vợ con bao nhiêu tiền. Tất cả những gì bạn nhớ là những kỷ niệm bạn có với gia đình mình.
3. Sự sáng suốt
Bạn không nợ sếp sự sáng suốt của bản thân mình. Dù ít hay nhiều thì bạn cũng không nên để công việc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo. Bạn cần phải tự theo dõi chính bản thân để giúp mình luôn khỏe mạnh.
Có thể bạn đã có một ngày hoặc tuần làm việc hiệu quả nhưng sếp bạn dường như còn muốn nhiều hơn thế. Việc năng suất nhất bạn có thể làm lúc này là từ chối, hãy đi làm những điều mình thích hay dành thời gian bên bạn bè. Điều này giúp bạn lúc quay lại công việc với trạng thái không căng thẳng, mệt mỏi.
Chắc chắn bạn có thể làm thêm giờ nếu muốn. Nhưng quan trọng là bạn cần biết nói Không với sếp khi cần thời gian tránh xa khỏi công việc.
4. Cá tính
Có khi nào bạn tự hỏi điều gì quan trọng với bản thân mình nhất và công việc là tất cả những gì bạn nghĩ đến. Công việc là một phần quan trọng trong đời sống. Nhưng thật nguy hiểm nếu bạn khiến công việc trở thành điểm nhận diện duy nhất của bản thân. Cá tính bên ngoài công việc mang đến cho bạn nhiều thứ hơn chứ không chỉ là niềm vui. Đó là giúp bạn giảm căng thẳng, tránh kiệt sức và trưởng thành hơn.
5. Những liên hệ
Có thể bạn nợ sếp sự nỗ lực của bản thân nhưng chắc chắn bạn không nợ anh ta những liên hệ bạn có được trong sự nghiệp của mình. Bạn có thể chia sẻ các liên hệ với công ty. Tuy vậy, các liên hệ này là kết quả của nỗ lực cũng như công sức làm việc của bản thân nên chúng thuộc về bạn.
6. Tính nhất quán
Hy sinh sự nhất quán của bản thân có thể khiến bản thân căng thẳng. Khi hành động và niềm tin của bạn không còn thống nhất thì cũng là lúc bạn nên nói rõ với sếp bạn không còn sẵn sàng làm mọi thứ theo cách của anh ta. Nếu anh ta cho đó là vấn đề thì đó cũng là lúc bạn nên rời đi.
Kết luận
Thành công trọn vẹn thường phụ thuộc vào khả năng thiết lập ranh giới của bạn. Khi bạn có thể làm được điều này, mọi thứ sẽ dần trở nên trôi chảy.