Đồng USD sẽ rớt giá ngay khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất?

25/07/2024 20:06 PM | Kinh tế vĩ mô

Về mặt lý thuyết, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, đồng USD sẽ bắt đầu bước vào xu hướng giảm và suy yếu.


Nhìn chung, lãi suất thấp sẽ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ giảm và các loại tài sản của Mỹ kém hấp dẫn hơn. Và sự khác biệt đối với xu hướng lãi suất ngắn hạn là động lực gây ra biến động cho thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, diễn biến này có xảy ra hay không lại tuỳ thuộc vào bối cảnh. Biến động giá của đồng USD được thể hiện qua chỉ số ICE U.S. Dollar Index (DXY), theo dõi tỷ giá USD so với các rổ tiền tệ. Các chiến lược gia của Société Générale đã so sánh diễn biến của DXY với lãi suất chuẩn trong 4 thập kỷ ra và đưa ra nội dung tóm tắt.

Đồng USD sẽ rớt giá ngay khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất?- Ảnh 1.

Diễn biến của đồng USD và lãi suất chuẩn.

Năm 1985, đồng USD giảm trong thời gian dài nhưng phải đến 4 tháng sau đợt hạ lãi suất. Năm 1989, đồng bạc xanh rớt giá sau vài ngày NHTW cắt giảm lãi suất, nhưng sau đó hồi phục giữa đợt cắt giảm đầu tiên và thứ 3 vào năm 1995, 1996.

Năm 1998, đồng USD đi xuống trước khi Fed hạ lãi suất sau sự sụp đổ của quỹ LTCM. 2 năm sau đó, đồng nội tệ của Mỹ giảm giá khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách, tăng trở lại vào năm 2001 và lao dốc mạnh vào năm 2002 - 2004 khi lãi suất tiếp tục đi xuống.

Trong năm 2004, đồng tiền này chủ yếu chứng kiến xu hướng giảm khi lãi suất tăng dù hồi phục vào năm 2005, sau đó lại đi xuống trước khi Fed nới lỏng chính sách vào năm 2007. Chu kỳ cắt giảm lãi suất kể từ đó bắt đầu vào tháng 7/2019 và đồng USD giảm trong vài tháng, tiếp tục xu hướng này khi đại dịch xảy ra. Các chiến lược gia cho biết, đương nhiên, việc Fed hạ lãi suất mạnh chưa từng có đã khiến đồng USD yếu đi vào năm 2020.

Nhóm trình bày thêm, chu kỳ nới lỏng chính sách kéo dài của Fed có khả năng làm suy yếu đồng USD song không kéo dài (như năm 1996 và 2019). Diễn biến này có thể không tác động quá lớn đến dòng vốn đổ vào các loại tài sản của Mỹ.

Hiện tại, nhóm chiến lược gia của Société Générale lưu ý rằng, mức đỉnh hiện tại của đồng USD là cao nhất kể từ năm 1984 - 1985, vượt xa mức cao nhất của năm 2002. Ở cả 2 thời điểm này, đồng USD chưa có phản ứng mạnh với động thái điều chỉnh lãi suất của Fed, song sau đó lại giảm khá mạnh dù đi kèm với chu kỳ nới lỏng của Fed.

Nhóm viết: “Mức giá hiện tại của USD cho thấy sự thay đổi lớn sắp xảy ra. Những kỳ vọng về việc Fed nới lỏng chính sách nhưng tránh được một cuộc suy thoái, và diễn biến của nền kinh tế Mỹ là những yếu tố mà nhà đầu tư cần thận trọng.”

Tham khảo Market Watch

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM