Đông Nam Á: ‘Ở đây không cần Black Friday, nhưng TikTok, ship COD buộc phải có!’

03/01/2023 11:02 AM | Kinh doanh

Đặc thù của thị trường Đông Nam Á là người tiêu dùng không hay tiết kiệm khi lĩnh lương cuối tháng, mà thay vào đó là đi mua sắm cho ‘thỏa bao ngày chờ đợi’.

Kể từ khi ra mắt tại Indonesia vào tháng 3 năm 2021, TikTok Shop đã tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam, Thái Lan Malaysia và Philippines vào tháng 4 năm nay và tiếp đó là Singapore vào tháng 6. Chỉ trong vòng 2 năm, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) qua content và live stream này đã nhanh gọn hoàn tất việc phủ sóng Đông Nam Á.

Theo Sina Finance, chỉ riêng trong tháng 10 năm nay, tổng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) của TMĐT content TikTok Shop ở Indonesia đã đạt 187 triệu USD, lượng đơn đặt hàng lên tới hơn 45 triệu chiếc. GMV của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines thấp hơn một chút so với Indonesia nhưng cũng tăng vùn vụt, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam.

Đông Nam Á ‘không cần’ lễ hội mua sắm

Tại các nước châu Âu và Mỹ, nơi chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Amazon, Black Friday là lễ hội mua sắm cao điểm trong năm. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, đây không phải ngày gì quá nổi bật. Nhu cầu tiêu dùng ở đây thường không được ‘tạo ra’ hay thúc đẩy bằng các lễ hội mua sắm như Black Friday ở châu Âu và Mỹ hay Ngày Độc Thân 11/11 ở Trung Quốc. Ở những nơi TikTok Shop đang dần thâm nhập, làn sóng mua sắm được thúc đẩy bởi ngày lĩnh lương.

photo-1671804631219

Đặc thù của thị trường Đông Nam Á là người tiêu dùng không hay tiết kiệm khi lĩnh lương cuối tháng, mà thay vào đó là đi mua sắm cho ‘thỏa bao ngày chờ đợi’. Đây trở thành nút thắt tiêu dùng quan trọng. Nhu cầu tiêu dùng mỗi tháng của người dân gần như là một giá trị không đổi. Họ không hỏi ‘có nên mua sắm không’, mà ‘nên mua sắm ở đâu’. Do vậy, cửa hàng TMĐT nào gây được sự chú ý vào thời điểm này thì sẽ thắng.

Ngoài ngày lĩnh lương ra, các sàn TMĐT cũng phát động những dịp ‘săn sale’ đặc biệt vào các ngày số lặp trong tháng như 12/12, 8/8, 9/9, vân vân. Tháng nào cũng có dịp để ‘shopping’, điều này cho thấy người dân các nước Đông Nam Á có nhu cầu và sức tiêu dùng không thể xem nhẹ.

photo-1671804647010

Một mẩu quảng cáo 'săn sale' ngày 12/12

Đồ gia dụng nhỏ ăn khách nhất

Các đặc tính của TMĐT qua nội dung ở Đông Nam Á đang ngày một hiện rõ. Nhiều sản phẩm ăn khách đã bán được hàng chục nghìn đơn hàng chỉ bằng một bức ảnh hay một đoạn video ngắn. Những mặt hàng có nhu cầu cao nhất là các món đồ nhỏ phục vụ cuộc sống hàng ngày. Mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng nhỏ như hộp đựng gia vị, cốc uống nước, đồ làm bếp, vân vân là những sản phẩm người Đông Nam Á rất dễ đặt hàng dưới tác động của content các video ngắn hoặc live stream. 

photo-1671804656298

Từ khóa #đồgiadụng với hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok

Content TikTok phải được bản địa hóa sâu sắc

Các công ty TMĐT ngoài khu vực khi muốn tiến chân vào đây đều phải cân nhắc mở TikTok Shop hoặc bán hàng qua live stream. Sự phát triển nhanh chóng của TikTok Shop cũng nhờ dựa vào lợi thế vượt trội về lượt truy cập của TikTok. Theo dữ liệu của Sensor Tower, tại Đông Nam Á, TikTok là ứng dụng được tải nhiều thứ hai trên mọi nền tảng, đạt 10,8 triệu lượt vào tháng 10 vừa qua. Lượng người dùng lớn nhất đến từ Indonesia, chiếm 44,5% tổng lượt tải trong khu vực. Điều này cho phép việc thương mại hóa trên TikTok ở Đông Nam Á diễn ra suôn sẻ hơn tại châu Âu và Hoa Kỳ.

photo-1671804662826

Theo Sensor Tower, TikTok là ứng đụng dược tải nhiều thứ 2 trên mọi nền tảng tại Đông Nam Á

Nhiều người lên TikTok cũng chỉ để giải trí, giết thời giờ và ‘xem có gì hay không’. Khi không có mục đích rõ ràng, người ta dễ bị thu hút bởi content và tăng khả năng mua sắm bất chợt. Do đó, để thu hút người tiêu dùng, content quan trọng hơn nhiều so với hình thức thể hiện sản phẩm trên kệ hàng hay trên trang TMĐT.

Tuy nhiên, các công ty phải thực sự bản địa hóa khi bước chân vào đây. Và bản địa hóa content trên TikTok còn quan trọng hơn bản địa hóa sản phẩm.

Khi nhìn vào ảnh sản phẩm trên cửa hàng TMĐT, người tiêu dùng sẽ có thể cảm thấy ‘ưng’ món hàng vì trông nó hữu dụng và quen thuộc. Nhưng trên TikTok Shop, họ có xu hướng bỏ qua các đoạn video nếu khung cảnh, gương mặt nhân vật chính trông xa lạ. Ví dụ, đối với người tiêu dùng Indonesia, cảnh quay ở Trung Quốc và cảnh quay ở Indonesia trong video TikTok sẽ tạo ra cảm giác tin cậy khác nhau hoàn toàn. Điều đó khiến những nhãn hàng không bản địa hóa sâu sắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tăng doanh số.

‘Không ship COD, khỏi đặt hàng’

Vào nửa cuối năm nay, TikTok Shop triển khai mô hình ‘ship COD’ (‘Cash on Delivery’, hay ‘thanh toán khi nhận hàng’). Đây là một bước đi để thích ứng với thói quen thanh toán của người tiêu dùng phổ thông ở Đông Nam Á.

Khác với các nền tảng như Etsy, Amazon ở châu Âu và Mỹ, nơi người ta luôn phải trả tiền trước, nhận hàng sau, thì ở Đông Nam Á, việc đặt hàng qua live stream, ship và nhận hàng rồi mới thanh toán lại là thói quen phổ biến. Thậm chí đôi khi người tiêu dùng còn cương quyết ‘không ship COD, khỏi đặt hàng’. Lý do là thói quen dùng thẻ thanh toán online mới chỉ đang trở nên phổ biến gần đây, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề lòng tin giữa người mua và người bán.

photo-1671804669197

Nhìn chung, thị trường TMĐT ở Đông Nam Á không đồng nhất mà rất phân tán do sự khác biệt giữa ngôn ngữ và văn hóa. Tuy có tới 600 triệu dân nhưng rất khó chinh phục được chỉ trong một lần. Còn nếu chỉ làm thị trường ở từng quốc gia thì thị phần đạt được lại quá nhỏ. Bất cứ công ty ngoài khu vực nào muốn tiến sâu vào đây cũng cần hiểu các đặc điểm chung kể trên của thị trường này.

Tham khảo từ: Sina Finance

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM