"Đồng minh" trong lòng nước Mỹ của TQ: Cuộc chiến thương mại lan lửa sang chiến trường mới?

01/06/2019 09:15 AM | Xã hội

Người Mỹ thậm chí sẽ tức giận khi biết quỹ hưu trí của họ đang tài trợ cho các công ty Trung Quốc có liên quan đến đến bộ máy an ninh của chính quyền Bắc Kinh, nghị sĩ Mỹ cảnh báo.

"Đồng minh" của TQ trong lòng nước Mỹ

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, sự liên hệ chặt chẽ giữa hai nền kinh tế cũng được "mổ xẻ", một số nhà sản xuất Mỹ bắt đầu giảm chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và chính quyền Mỹ cũng bắt đầu hạn chế lĩnh vực xuất khẩu công nghệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc.

Một lĩnh vực quan trọng khác hiện đang được đặc biệt quan tâm, đó là thị trường chứng khoán.

Theo The New York Times (NYT - Mỹ), các chuyên gia thương mại Mỹ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn, đồng thời họ cũng đang thảo luận về việc Nhà Trắng có nên hạn chế Trung Quốc thâm nhập vào Phố Wall hay không. Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã huy động hàng chục tỷ USD thông qua thị trường tài chính Mỹ.

Cựu cố vấn Nhà Trắng Stephen K. Bannon cho rằng, chính phủ Mỹ phải tiếp tục nỗ lực, xem xét về vai trò của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ.

"Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq đã vi phạm trách nhiệm ủy thác của họ đối với các nhà đầu tư tổ chức, quỹ hưu trí của những người Mỹ chăm chỉ", ông Bannon nói. "Điều này thật đáng xấu hổ. Tất cả phải chấm dứt ngay lập tức."

Đồng minh trong lòng nước Mỹ của TQ: Cuộc chiến thương mại lan lửa sang chiến trường mới? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán được cho sẽ là "chiến trường mới" của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Ảnh: Reuters


NYT dẫn nguồn tin tiết lộ, việc gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc Alibaba - đã niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán New York - đang xem xét niêm yết cổ phiếu tại sàn Hồng Kông, càng khiến cuộc thảo luận về phương diện này trở nên gay cấn. Năm năm trước, vụ chào bán cổ phiếu lần đầu của Alibaba tại sàn New York đã vô cùng thành công.

Khi Mỹ gia tăng các rào cản thương mại khác, triển vọng của ngành tài chính ở cả hai bờ Thái Bình Dương đã bắt đầu thay đổi.

"Ngày càng có nhiều người kêu gọi chính phủ Mỹ tách rời hoàn toàn, điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc đánh giá lại sự phụ thuộc của họ, không chỉ về công nghệ, mà cả các nguồn lực khác như thị trường tài chính của Mỹ", ông Andy Mok, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa và Trung Quốc nói.

Trung Quốc từ lâu luôn coi Phố Wall là đồng minh.

Vào cuối những năm 1990, Bắc Kinh kêu gọi các nhà điều hành tài chính cấp cao vận động chính quyền của Tổng thống Bill Clinton khi đó ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Các giám đốc điều hành loạt công ty lớn như Goldman Sachs và Blackstone Group thường gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc. Họ hiện nay cũng đóng vai trò trung gian, tư vấn cho các quan chức chính phủ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump về cách đón nhận cuộc chiến thương mại của Trung Quốc và phố Wall.

Các ngân hàng lớn coi quốc gia đang phát triển với tốc độ nhanh này là một nguồn kinh doanh quan trọng, ngay cả khi họ hầu như không thể cạnh tranh trong hệ thống tài chính được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã huy động hàng chục tỷ USD thông qua thị trường tài chính Mỹ. Các ngân hàng trên phố Wall đã kiếm được khoản tiền lớn bằng cách cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến việc phát hành lần đầu ra công chúng và mua lại các doanh nghiệp, bất động sản Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc.

"Trung Quốc có rất nhiều doanh nhân giỏi và chúng tôi đang chào đón họ", ông Robert H. Phó Chủ tịch Sàn chứng khoán NASDAQ cho biết.

"Chiến trường" mới của cuộc chiến thương mại

Chính quyền Tổng thống Trump chưa công bố bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn cơ hội thâm nhập vào thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc. Chỉ hai tuần trước, giá cổ phiếu của Luckin Coffee - đối thủ Trung Quốc của Starbucks tăng mạnh trong ngày đầu tiên niêm yết tại sàn New York nhưng lại liên tục tuột dốc những phiên sau đó.

Đồng minh trong lòng nước Mỹ của TQ: Cuộc chiến thương mại lan lửa sang chiến trường mới? - Ảnh 2.

Phố Wall từ lâu được coi như "đồng minh" trong lòng nước Mỹ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters


Nhưng một số quan chức chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ đang ngày càng hoài nghi về chỉ số hiệu suất của các công ty Trung Quốc tại thị trường tài chính Mỹ.

"Người Mỹ sẽ rất buồn, thậm chí tức giận nếu biết rằng quỹ hưu trí và các quỹ đầu tư khác của họ đang tài trợ cho các công ty Trung Quốc có liên quan đến bộ máy an ninh của chính phủ Trung Quốc", các nghị sĩ Mỹ viết trong một bức thư kiến nghị gửi Nhà Trắng.

Không rõ Tổng thống Trump và các cố vấn hiện tại của ông nhất trí với quan điểm này đến mức độ nào. Nhưng nếu Washington hành động, Trung Quốc sẽ có cách chống trả, NYT bình luận.

Theo một ước tính, các thực thể Trung Quốc - liên quan đến nhà nước - đang nắm giữ ít nhất 200 tỷ USD giá trị cổ phiếu tại Mỹ. Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định bán chúng, đây có thể là một vũ khí bổ sung. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc biết rằng đó là lựa chọn cực đoan.

NYT cho rằng, động thái này có thể làm rung chuyển thị trường chứng khoán Mỹ mà ông Trump coi là thước đo thành công trong thời gian nắm quyền. Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách, kinh tế, ngân hàng luôn đặt câu hỏi: Nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu Trung Quốc đột nhiên bán tháo lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá gần 1,3 nghìn tỷ USD?.

Ông Mark Sobel - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, Trung Quốc khó có thể bán cổ phiếu một cách nhanh chóng bởi làm như vậy không chỉ khiến Mỹ không hài lòng mà điều này sẽ làm tổn hại đến đầu tư của Bắc Kinh.

"Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà quản trị dự trữ của Trung Quốc luôn hành động một cách chuyên nghiệp và tìm cách thúc đẩy sự ổn định tài chính", ông Sobel chia sẻ.

Brad Setser, một nhà kinh tế tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, nói rằng trong quá khứ, khi cần thêm ngoại hối để quản lý tiền tệ, các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã lặng lẽ bán dần cổ phiếu tại Mỹ. .

Các công ty Trung Quốc - bắt đầu thay đổi mối quan hệ với thị trường tài chính Mỹ - hiện đang phải đối mặt với những nghi ngờ về việc liệu hành động của họ có liên quan đến thương mại hay không.

Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải SMIC - giao dịch chủ yếu tại Hồng Kông - đang chuyển cổ phiếu đã lưu ký từ Sở giao dịch chứng khoán New York sang một sàn giao dịch khác ít nổi trội hơn.

"SMIC đã xem xét việc này từ lâu và không liên quan đến cuộc chiến thương mại và cũng không liên quan gì đến tranh chấp xuyên Thái Bình Dương xung quanh Huawei", SMIC viết trong một tuyên bố. "Việc thay đổi này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài nhưng do trùng với thời điểm diễn ra cuộc xung đột thương mại nên mới dẫn tới sự hiểu lầm."

Trước đó vào tháng 1 năm ngoái, Jack Ma, nhà đồng sáng lập của Alibaba, cho biết ông sẽ xem xét về việc niêm yết cổ phiếu tại sàn Hồng Kông. Tuyên bố này của Jack Mà dù phát biểu trước khi cuộc chiến thương mại chính thức bùng nổ nhưng nó vẫn dẫn đến sự nghi ngờ khi liên kết với tình hình xung đột hiện tại.

Chuyên gia Andy Mok nhận định, các công ty Trung Quốc hiện sẽ thận trọng về sự phụ thuộc của họ vào thị trường tài chính Mỹ.

"Trung Quốc không có ý định cắt đứt [liên hệ tài chính với nền kinh tế Mỹ]", ông nói, "đó là một quyết định quản lý khôn ngoan nhằm giảm thiểu rủi ro".

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM