Con số bất ngờ trong 7 tỷ USD vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam qua phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Hiện dòng vốn đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào mảng chế biến, chế tạo, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về sự dịch chuyển của dòng vốn Trung Quốc từ cuối năm 2018 đến nay, hiện đã lên đến hơn 7 tỷ USD, Bộ trưởng Dũng cho biết các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến mảng chế biến, chế tạo.
"Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức lưu ý về con số 7 tỷ USD", Bộ trưởng nói. Theo ông, 3,8 tỷ USD, tức hơn nửa tổng số vốn, đến từ thương vụ mua Sabeco. "Đây là doanh nghiệp Thái Lan mua Sabeco, bây giờ họ lại lập doanh nghiệp tại Hong Kong (Trung Quốc). Do đó, vốn từ Hong Kong – Trung Quốc tăng vọt là vì như vậy".
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh số tiền này về bản chất không phải từ Hong Kong vào Việt Nam mà đến từ doanh nghiệp Thái Lan.
"Lấy theo tên nước đăng ký doanh nghiệp thì đúng là Trung Quốc, nhưng bản chất không phải vốn từ Trung Quốc", ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói rằng việc vốn từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam cũng là điều bình thường. Nguyên nhân thế giới đang phải chứng kiến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang.
"Nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng để tránh sự trừng phạt của Mỹ. Bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cũng ra khỏi Trung Quốc, doanh nghiệp các nước khác cũng thế", ông nhận định.
Trước tình hình này, Bộ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ và chuẩn bị trình lên Bộ Chính trị một đề án về định hướng thu hút đầu tư vào Việt Nam sau 30 năm. Trong đó, Bộ đã đánh giá và tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài, nêu tất cả các vấn đề tư lợi thế, khó khăn, nguyên nhân, xu hướng…
"Tất cả đều đã được nghiên cứu, và thời gian tới đây sẽ có định hướng mới, là thu hút có chon lọc. Ví dụ, sẽ tập trung vào những dự án có công nghệ với giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, nguyên liệu đầu vào ít… Đây là những định hướng để đưa ra thông điệp với thế giới, từ nay trở đi Việt Nam sẽ thu hút có chọn lọc", ông chia sẻ.
Nghĩa là trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm có nghị quyết, chương trình hành động với hệ thống các nhiệm vụ giải pháp đi kèm, để vừa thu hút được vốn FDI, vừa đảm bảo chất lượng dòng vốn vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết ngày 20/5, nước này đổ hơn 7 tỷ USD, vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore.
Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Hong Kong (thuộc Trung Qước) đầu tư hơn 5,08 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 tháng qua, với hơn 113 dự án cấp mới, 31 dự án tăng vốn thêm và 57 dự án góp vốn mua cổ phần.
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục cũng đầu tư hơn 2,02 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư nước này vào Việt Nam thời gian qua đạt gần 7,1 tỷ USD.
Các nhà đầu tư thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan (thuộc Trung Quốc) cũng đầu tư vào Việt Nam hươn 570 triệu USD. Nếu tính thêm vốn của nhà đầu tư Đài Loan, chắc chắn lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc và có yếu tố Trung Quốc có thể tăng cao hơn nữa.