Donald Trump đòi đàm phán với chủ nợ của Mỹ, nhưng có vẻ không biết chủ nợ chính là người dân Mỹ
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tăng chi tiêu ngân sách, cắt giảm thuế nhưng có vẻ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không đồng ý với kế hoạch này.
Ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa thời gian gần đây giành được những chiến thắng liên tiếp trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Những quan điểm về kinh tế, chính trị và xã hội của ông được khá nhiều cử tri quan tâm và ủng hộ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thắc mắc liệu ông Trump sẽ giải quyết thế nào khi chính sách kinh tế mà ông đưa ra trái ngược với quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tỷ phú Trump đã đề xuất tăng chi tiêu ngân sách và cắt giảm thuế mạnh tay nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, một nghiên cứu cho thấy chính sách này có thể khiến nợ công tăng từ 75% GDP hiện nay lên 129% GDP trong 10 năm tới.
Để biện minh cho chính sách này, tỷ phú Trump cho biết mình sẽ đàm phán lại với các chủ nợ của Mỹ nhằm hạ tỷ lệ lãi suất phải trả.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hơn trong kế hoạch mà ông Trump đưa ra là liệu ngân sách Mỹ có đủ sức đứng vững được hay không khi họ vừa tăng chi tiêu nhưng lại giảm nguồn thu từ thuế.
Ngoài ra, chính sách kinh tế này của ứng cử viên Trump có vẻ trái ngược với những gì mà FED đang làm khi họ chỉ muốn tăng lãi suất từ từ và chưa muốn nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh.
Theo đó, FED lo ngại việc tăng chi tiêu công và lãi suất có thể thúc đẩy lạm phát cũng như tỷ lệ thất nghiệp tại đây.
Vì vậy, nếu lạm phát có dấu hiệu vượt mức kỳ vọng của FED hoặc kinh tế Mỹ có dấu hiệu không ổn định, nhiều khả năng FED sẽ quay trở lại chính sách thắt chặt tiền tệ một cách nhanh chóng và điều này đi ngược lại những gì mà ứng cử viên Trump đề ra cho chiến lược tranh cử của mình.
Ai mới là chủ nợ?
Tỷ phú Trump đã từng tuyên bố ông sẽ đàm phán với các chủ nợ nhằm hạ mức lãi suất phải trả. Dẫu vậy, có vẻ như tỷ phú Trump không thực sự hiểu rõ ai mới là chủ nợ thực sự của Mỹ.
Mặc dù những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường thu mua trái phiếu chính phủ Mỹ và trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất trong tổng số hơn 19 nghìn tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ chỉ chiếm 7%.
Những chủ nợ của Mỹ (nghìn tỷ USD)
Trên thực tế, chính những người dân và tổ chức tài chính Mỹ mới là chủ nợ thực sự khi họ nắm tới 67,5% trái phiếu chính phủ. Các quốc gia nước ngoài chỉ chiếm khoảng 32,5% trái phiếu chính phủ Mỹ.
Một yếu tố nữa khiến tuyên bố của ông Trump được nhiều nhà đầu tư quan tâm là vị thế của trái phiếu Mỹ. Hiện trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là một trong những loại tài sản trú ẩn an toàn và được nhiều ngân hàng trung ương dùng làm dự trữ.
Nếu Mỹ muốn thay đổi lãi suất phải trả cho trái phiếu, hệ thống tài chính toàn cầu rất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng khi các nhà đầu tư bán tháo loại tài sản này.
Thông thường, việc thương thảo lại số tiền vay nợ phải thanh toán là điều bình thường giữa các tổ chức tài chính khi chủ nợ chấp nhận hạ mức lãi suất phải trả hơn là không nhận được gì.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không phải là một “con nợ” thông thường và hiếm khi có chuyện chủ nợ của nước Mỹ không nhận lại được gì.
Rõ ràng, đại bộ phận người dân Mỹ không muốn thương thảo lại lãi suất trái phiếu bởi như vậy họ sẽ nhận được ít nguồn thu hơn.
Trong số 12,9 nghìn tỷ USD trái phiếu được người dân Mỹ sở hữu, có 5,3 nghìn tỷ USD được các quỹ tương hỗ mua lại, khoảng 5,1 nghìn tỷ USD được mua bởi cá nhân, quỹ đầu tư và 2,5 nghìn tỷ được FED nắm giữ.
Với các chủ nợ nước ngoài, Trung Quốc nắm giữ 1,25 nghìn tỷ trái phiếu của Mỹ, tiếp theo là Nhật bản với 1,13 nghìn tỷ USD. Tổng trái phiếu Mỹ các quốc gia còn lại nắm giữ là 3,8 nghìn tỷ USD.