Donald Trump 'đánh' xuất khẩu Trung Quốc, Việt Nam có bị liên lụy?
Báo cáo nhận định do công ty chứng khoán Bảo Việt phân tích tác động của chính sách bảo hộ thương mại Mỹ tác động đến xuất khẩu Việt Nam.
Ngày 9/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho kết quả chính thức với việc ông Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Những đề xuất thay đổi trong chính sách kinh tế được ông Trump từng đưa ra như giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp và nổi bật là các chính sách thương mại hướng nội.
Đối với vấn đề bảo hộ thương mại, ông Trump từng đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc có thể lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35% và mức thuế 15%-45% đối với hàng hóa đến từ các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Các nước có tiềm năng bị áp mức thuế cao có cả liên minh Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, cùng với Trung Quốc và Mexico đã bao gồm 5 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Điều đáng lo ngại là nếu các mức thuế này được áp dụng, hành động trả đũa từ những nước trên có thể xảy ra với việc áp dụng các mức thuế cao tương đương với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Áp lực thuế nhập khẩu
Dù hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại (trong đó có Việt Nam). 9 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị truờng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28,3 tỷ USD, trong đó các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc và thủy sản với giá trị lần luợt là 8,6 tỷ USD; 3,3 tỷ USD; 3,1 tỷ USD; 2,1 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; 1,5 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt phân tích, kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng (gần nhất năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ). Quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nguy cơ từ mua bán chênh lệch giá
Mức chênh lệch thuế nhập khẩu quá lớn giữa các quốc gia vào Mỹ sẽ khiến hoạt động mua bán ăn chênh lệch giá "arbitrage" diễn ra mạnh mẽ. Hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao, như Trung Quốc, tìm cách nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ qua nước thứ 3, như Việt Nam.
Vấn đề trên thực tế đã và đang xảy ra, với việc Mỹ hôm 7/11 chính thức mở điều tra cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế. Và để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh việc kiểm duyệt gắt gao, Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ phải tăng thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam. Như vậy có thể nhìn thấy viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, khiến lưu chuyển hàng hóa toàn cầu gặp trở ngại, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu, viễn cảnh khủng hoảng kinh tế là rủi ro có thể xảy ra.
Áp lực cạnh tranh cao hơn từ Trung Quốc
Ngoài ra, khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế. Chúng tôi không loại trừ khả năng một phần sẽ chuyển sang Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước (câu chuyện của một số mặt hàng thép là ví dụ điển hình), hoặc gia tăng sức ép cạnh tranh ở các thị trường thứ 3 với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Một khía cạnh khác không thể không nhắc đến là việc nguồn vốn đầu tư FDI toàn cầu sẽ suy giảm mạnh,hệ quả của việc luân chuyển hàng hóa toàn cầu bị gián đoán, chủ nghĩa bảo hộ thương mại chiếm ưu thế. Là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư FDI, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực nếu viễn cảnh trên xảy ra.