Dọn dẹp vỉa hè: Singapore đã làm và thành công như thế nào?

20/03/2017 10:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Dù hàng rong gây mất vệ sinh và trật tự công cộng, Chính phủ Singapore vẫn đánh giá cao vai trò của loại hình kinh doanh này và đưa ra mô hình để nó hoạt động hiệu quả nhất.

Bán hàng rong là một hoạt động kinh doanh không hề mới mẻ và xa lạ tại nhiều nước trên thế giới. Thậm chí tại nhiều quốc gia, đây còn được coi là một nét văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc của địa phương. Tại Việt Nam, bán hàng rong cũng được coi là một hoạt động thương mại được chính phủ công nhận theo điều 3, nghị định 39/2007/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc các cửa hàng rong lấn chiếm hè phố, gây mất trật tự công cộng cũng như ùn tắc giao thông đang khiến chính phủ nhiều nước đau đầu để giải quyết mà không phải đóng cửa loại hình thương mại, văn hóa lâu đời này.

Ở Singapore, quốc gia nổi tiếng về một đô thị văn minh, sạch sẽ cũng đã từng phải đối mặt với vấn nạn hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Dẫu vậy, Singapore vẫn đánh giá cao sự đóng góp của loại hình kinh doanh hàng rong vào nền kinh tế.

Trên thực tế, với thói quen không hay nấu ăn tại gia, các quán hàng rong đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp nhu yếu phẩm, các bữa ăn hàng ngày cho người dân, đặc biệt là tầng lớp bình dân, cũng như giữ cho giá cả sinh hoạt của Singapore không bị tăng cao.

Nhằm giữ gìn được loại hình kinh doanh đầy màu sắc văn hóa này, Singapore đã có quy hoạch cho các gánh hàng rong từ thập niên 1980 bằng cách xây dựng những trung tâm mua bán thực phẩm, chợ cóc rồi tập trung các cửa hàng rong vào đó.

Với sự quy hoạch tập trung này, các cửa hàng rong có thể sử dụng điện nước tử tế, vứt rác đúng chỗ cũng như quy tụ được thành tụ điểm ẩm thực, mua bán thu hút khách hàng. Chính quyền địa phương cũng có thể quản lý tốt được các tụ điểm bán hàng rong này, đồng thời giải phóng mặt bằng cho vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này.

Thậm chí, chính phủ còn tạo điều kiện để các nhà đầu tư dự án mở những khu vực chuyên kinh doanh hàng rong, nâng mật độ khu chuyên bán hàng rong có quy hoạch lên, qua đó tạo điều kiện để các hộ kinh doanh không phải thay đổi địa điểm bán hàng quá xa gây mất khách.

Một yếu tố nữa khiến việc bán hàng rong ở Singapore không gấy mất trật tự là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Hiện nay, người dân Singapore ưa thích đặt hàng online hay qua điện thoại hơn là đỗ xe ven đường để mua hàng bởi mức phạt đỗ xe trái phép ở đây là rất cao. Nhờ đó, hiện tượng ùn tắc giao thông do xe đỗ trái phép ven đường để mua hàng rong tại Singapore hầu như không có.

Bán hàng rong cũng phải đăng ký kinh doanh

Singapore là một trong nhưng quốc gia hiếm hoi trên thế giới yêu cầu các gánh hàng rong phải đăng ký kinh doanh và có hẳn một phòng ban để cấp phép cũng như quản lý hoạt động này.

Tương tự như nhiều nền văn hóa Đông Nam Á khác, bán hàng rong tại Singapore đã phát triển từ lâu đời nhưng nhờ định hướng sớm của chính phủ, công việc kinh doanh này trở thành một phần đóng góp lớn cho nền kinh tế cũng như không gấy mất trật tự xã hội, ùn tắc giao thông.

Năm 1971, Singapore đã bắt đầu các chương trình xây dựng những khu chuyên bán hàng rong và cấp phép cho các hộ kinh doanh. Mục tiêu chính của chương trình này là tập trung các quán hàng rong lại để quản lý, cung cấp điện nước và xử lý rác thải. Đến năm 1998, khoảng 24.000 người bán hàng rong trên toàn Singapore đã được phân bổ vào 184 khu trung tâm mua sắm hay các tụ điểm bán hàng được quy hoạch.

Hiện nay có khoảng 50.000 người bán hàng rong trên toàn Singapore, khoảng 15.000 gian hàng được phân bố vào 107 trung tâm ẩm thực nhưng quốc gia này vẫn giữ được môi trường vệ sinh, hệ thống giao thông sạch sẽ không ùn tắc là nhờ việc quản lý chặt chẽ hoạt động này.

Ngoài việc phải đăng ký kinh doanh, các cửa hàng rong ở Singapore cũng phải tham gia các lớp đào tạo về giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng cho món ăn cũng như không gây mất ô nhiễm môi trường, gây phiền toái cho khách hàng. Thậm chí, chính phủ Singapore còn chấm điểm những tiêu chuẩn này và yêu cầu các gian hàng phải cắm biển ghi điểm trước cửa hàng.

Trong khoảng năm 1990-1996, khoảng 10.000 kinh doanh hàng rong đã được đào tạo và hiện khoảng 25.000 gian hàng rong đang thực hiện quy chế cắm biển như trên.

Có một thực tế khá thú vị tại Singapore ngày nay là tình trạng thất nghiệp của cử nhân ngày một cao đã đầy gần 13.000 sinh viên mới ra trường thất nghiệp và rất nhiều trong số đó tham gia vào kinh doanh hàng rong. Sự tham gia của lớp lao động có trình độ học vấn khiến việc giữ gìn mỹ quan đô thị, vê sinh an toàn thực phẩm và môi trường cho ngành kinh doanh này trở nên thuận lợi hơn.

Thậm chí, các tụ điểm bán hàng rong hay những dãy quán ẩm thực ngày nay tại Singapore trở thành một địa điểm du lịch, văn hóa không thể bỏ qua. Nhiều khu phố ẩm thực với hàng loạt các quán hàng rong được quy hoạch được dựng lên ở Singapore thu hút được rất nhiều du khách.

Điều đặc biệt là có những phố ẩm thực chỉ hoạt động tại các tuyến đường trong khung giờ cố định. Nghĩa là vào một khung giờ giới nghiêm, khu vực này cấm xe cộ lưu thông và chỉ dành cho người đi bộ, các quán ăn bày dọc 2 bên lề đường và khách hàng thì ngồi dưới lòng đường để thưởng thức.

Ví dụ tại Singapore đã cho thấy rằng việc dỡ bỏ các quán hàng rong đơn thuần không đem lại hiệu quả mỹ quan cho đô thị cũng như giành lại vỉa hè cho người dân. Trên thực tế, chính sách quy hoạch hàng rong mới là biện pháp lâu dài, không những đem lại bộ mặt mới cho đô thị, duy trì nguồn sống của nhiều hộ dân và còn tạo công ăn việc làm cho những sinh viên thất nghiệp.

BT

Cùng chuyên mục
XEM