Gánh hàng rong của các cụ, các mẹ và câu chuyện người Việt chưa giàu đã già trong mắt báo Tây

16/03/2017 09:58 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc, số lượng người già phải làm việc ở Việt Nam đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số họ, 40% có độ tuổi từ 70-74.

Cặm cụi trong căn bếp nhỏ tối om từ 4 giờ sáng, hai chị em bà Châu (đã 70 tuổi và 61 tuổi) cuối cùng cũng chuẩn bị xong gánh hàng cho một ngày mới. Nhưng sau đó mới là công việc nặng nhọc: Đẩy gánh hàng rong – gồm chè đậu đỏ, bánh chay, bánh chuối và nước dừa lạnh – dưới cái nắng cháy da để bán cho người dân nơi đây.

Nếu họ bán hết hàng vào cuối ngày – tức khoảng 6 đến 9 giờ tối – họ sẽ thu được từ 100 đến 200 ngàn đồng. Đó là cách họ kiếm sống từ hàng chục năm nay – và chắc chắn sẽ tiếp diễn cho đến khi không còn sức lực nữa. "Nếu tôi không làm việc, thì làm sao có tiền để sống bây giờ?", bà chia sẻ.

Ngày càng nhiều người phải làm việc khi đã già

Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc, số lượng người già phải làm việc ở Việt Nam đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số họ, 40% có độ tuổi từ 70-74.

Khoảng 7 trong số 10 người già lao động tại khu vực thành thị đang làm các công việc nhỏ lẻ, như chạy chợ, lái taxi, thu mua phế liệu và bán dạo như chị em bà Châu. Đó đều là những công việc nặng nhọc có thu nhập thấp.

Với thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống của họ bị nhấn chìm trong nghèo khó và không có cơ hội để tiết kiệm. Bà Châu nói: "Khi kiếm được một chút, chúng tôi đều để dành cho những lúc ốm đau, khi đó vẫn còn có cái mà ăn".

Họ phải chấp nhận nghịch cảnh ngay từ khi còn trẻ vì phải phụng dưỡng bố mẹ già và 2 người em trai bị mù. Điều này có nghĩa là họ phải từ bỏ cơ hội lập gia đình và có con. "Nên bây giờ khi chúng tôi đau ốm, chả có ai chăm sóc cả".

Quả bom nổ chậm

Dân số Việt Nam vẫn tương đối trẻ - chỉ có hơn 10% ở độ tuổi từ 60 trở lên – nhưng đang già đi khá nhanh. Theo tính toán của World Bank, Việt Nam có thể là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo thống kê, khoảng 11% dân số Việt Nam đang sống trong cảnh nghèo khó. Ở khu vực thành thị, ngưỡng nghèo được đặt ra ở mức 900.000 đồng/người/tháng. Nhưng các nhà phân tích cho rằng thực trạng còn tồi tệ hơn thế nhiều, vì rất nhiều người chỉ sống trên ngưỡng này một chút.

"Nếu chúng ta năng ngưỡng nghèo lên chỉ khoảng 20% (tức 1.080.000 đồng/người/tháng), thì tỉ lệ người nghèo sẽ tăng gấp đôi lên 22% dân số", đây là nhận định của bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, một chuyên gia phân tích của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA).

Tồn tại nhờ những tập vé số

Tuy nhiên, chị em bà Châu vẫn còn là những người may mắn. Ngoài việc được nhận trợ cấp từ Chính phủ, họ còn được thừa hưởng ngôi nhà của bố mẹ và không phải lo về tiền thuê nhà. Và được chứng nhận là hộ nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh, họ được chăm sóc y tế miễn phí ở các phòng khám và bệnh viện công.

Ông Ngô Văn Tiểng, một người đàn ông mù một mắt, cho biết: "Con cái chúng tôi cũng phải trồng trọt, chăn nuôi vất vả lắm. Chúng nó còn chẳng đủ tiền nuôi con; thế nên làm sao mà nuôi chúng tôi được". Và vì thế, cũng như hàng chục người già khác ở Phú Yên, ông Tiểng để vợ và 4 đứa con ở nhà để lên thành phố Hồ Chí Minh làm việc.

Họ tự hình thành một tập thể gồm những người thân quen. Mỗi tối, ông Tiểng và các thành viên khác của xóm lao động nghèo đều tản ra bán vé số trên khắp các con phố. Họ giúp đỡ lẫn nhau – những ai bị mù hoặc ốm yếu có thể đi cùng một người khỏe mạnh khác để bán vé số.

Mỗi tấm vé số mang lại cho họ 1000 đồng tiền lãi. Vào cuối buổi, họ tính toán lại số vé bán được và chia đều lời lãi. Theo ông Tiểng, sau khi trừ tiền ăn ở, mỗi người đều có thể để dành được đến 1 triệu rưỡi mỗi quý.

Nhưng số tiền dành dụm ít ỏi này có thể nhanh chóng biến mất do trộm cắp, bệnh tật hoặc tai nạn.

Khi gia đình là không đủ

Ở Việt Nam, cũng như nhiều nước đang trong quá trình hiện đại hóa khác, mô hình hỗ trợ trong gia đình không còn như trước đây nữa.

Theo các cuộc khảo sát, ngày càng nhiều người già đang phải sống một mình. Ở khu vực thành thị, hơn 11% những người từ 80 tuổi trở lên đang sống một mình (nhiều người là phụ nữ sống một mình sau khi chồng chết).

Với tỉ lệ sinh giảm, khi những người trẻ hiện nay già đi, chắc chắn sẽ có ít người hơn chăm sóc cho những người là cha mẹ lúc già yếu.

Một mối lo nữa, theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, là "người trẻ không còn muốn sống trong một gia đình nhiều thế hệ như trước nữa. Họ coi những người già là gánh nặng. Tôi nghĩ bản thân những người già cũng tự coi mình là một gánh nặng".

Tất cả những điều trên, theo các chuyên gia nhấn mạnh, có nghĩa là các biện pháp an sinh xã hội sẽ ngày càng trở nên cấp thiết khi dân số già đi. Nhưng liệu chúng ta có thể làm gì?

Bài toán phân phối lại

Vấn đề luôn quay trở lại thực trạng hơn một nửa dân số Việt Nam làm việc trong khu vực dịch vụ nhỏ lẻ.

Ở Việt Nam, những người làm cho nhà nước hoặc cho các doanh nghiệp được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu, theo đúng luật bảo hiểm xã hội. Nhưng số này chỉ chiếm khoảng 29% số lượng người già ở Việt Nam.

Chính phủ đã nỗ lực khuyến khích người dân ở các ngành dịch vụ nhỏ lẻ tự nguyện tham gia quỹ hưu trí – nhưng không mấy thành công, một phần là do mức đóng quá cao.

Các chuyên gia nhấn mạnh, mối quan ngại nợ công của chính phủ gia tăng sẽ khiến việc tăng mức chi cho an sinh xã hội trở nên rất khó, ngay cả khi nhu cầu tăng lên.

Nhưng bà Quỳnh lại không nghĩ rằng việc thiếu ngân sách là gốc rễ của vấn đề.

Lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu khẳng định rằng chỉ cần có 0,03% GDP của Việt Nam để trang trải toàn bộ bảo hiểm xã hội cho người già, bà Quỳnh cho biết: "Những người già may mắn hơn, họ được nhận gần 3% GDP (từ bảo hiểm xã hội)… Chính phủ cần phải phân phối lại ngân sách để bảo vệ những người già phải sống trong cảnh nghèo khổ".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM