"Đội nhóm tuyệt đỉnh": Tại sao Pixar, Netflix, Airbnb và nhiều công ty công nghệ khác thành công trong khi số đông đều thất bại?
Trong cuốn sách "Đội nhóm tuyệt đỉnh" (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), tác giả Robert Bruce Shaw đã phân tích và chỉ ra cho độc giả kinh nghiệm xây dựng đội nhóm làm việc xuất sắc, hay nói rộng hơn là văn hóa làm việc của các công ty tiên tiến hàng đầu như Whole Foods, Airbnb, Alibaba, Patagonia, Pixar, Netflix và Zappos. Đây là cuốn sách cần đọc đối với mọi nhà lãnh đạo, quản lý, các giám đốc kinh doanh, trưởng nhóm và các chuyên gia nhân sự muốn xây dựng nền văn hóa thúc đẩy hiệu quả hoạt động của mình.
Robert Shaw là tiến sĩ, chuyên gia tư vấn quản trị chuyên tập trung vào tính hiệu quả của các lãnh đạo và đội nhóm của họ. Ông là tác giả của nhiều bài báo, cuốn sách, cũng như là diễn giả nổi tiếng về chủ đề này. Năm đặc điểm chung của bảy công ty có các đội nhóm xuất sắc được ông chỉ ra bao gồm:
Nuôi dưỡng nỗi ám ảnh chung
Trong các nhóm/ công ty truyền thống, thành viên trong nhóm/ công ty coi công việc của mình đơn thuần là nhiệm vụ chuyên môn được khoán, và buộc phải hoàn thành; họ không có chung niềm đam mê với công việc hoặc sứ mệnh to lớn hơn của cả nhóm/ công ty.
Trong các nhóm xuất sắc, các thành viên chia sẻ niềm tin, nhiệt huyết với công việc và công ty mà họ đang làm. Họ thường có tố chất đam mê, coi mình là độc nhất vô nhị và định mệnh của họ là góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Những nhóm này cũng có niềm tin sâu sắc vào khả năng vượt qua nghịch cảnh.
Whole Foods muốn thay đổi thế giới thông qua chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Airbnb muốn tạo cảm giác thân thuộc và cảm xúc cộng đồng, cung cấp nơi lưu trú thoải mái như ở nhà cho mọi người khi đi du lịch. Zappos coi sứ mệnh hàng đầu của mình là tạo ra niềm hạnh phúc, không chỉ cho khách hàng mà cho cả thế giới nói chung…
Đánh giá sự phù hợp cao hơn năng lực
Ở các nhóm/ công ty truyền thống, các thành viên thường được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm hoặc năng lực nghề nghiệp. Trong khi đó, ở các công ty/ đội nhóm tuyệt đỉnh, những đặc điểm cá nhân cần thiết để một nhóm đạt được mục tiêu đề ra sẽ được đề cao. Các nhóm này thường phát triển phương pháp riêng để đảm bảo rằng các thành viên tạo thành một nhóm đa dạng nhưng hài hòa về động cơ, giá trị và cá tính của từng người. Họ tuyển dụng và thăng chức cho những người phù hợp với văn hóa của họ. Những người có đặc điểm phù hợp sẽ được mời tham gia vào nhóm; những người không có những đặc điểm phù hợp sẽ bị loại.
Mỗi vị trí đăng tuyển của Zappos luôn có hơn 100 ứng viên ứng tuyển, điều mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tuyển chọn ứng viên phù hợp có thể mất ít nhất vài tháng nếu không muốn nói là nhiều năm tại công ty may mặc thương mại điện tử nổi tiếng này.
Việc tuyển dụng có 3 vòng tất cả: đầu tiên là quá trình sàng lọc. Ứng viên được đánh giá bởi những người tham gia cộng đồng trực tuyến có tên Zappos Insiders, giúp ứng viên xem xét có nên theo đuổi một công việc công ty không. Vòng 2 là phỏng vấn với giám đốc tuyển dụng và các thành viên trong nhóm tuyển dụng nhằm đánh giá năng lực ứng viên.
Vòng 3 là cuộc phỏng vấn khác với phòng nhân sự của Zappos mà không có sự tham gia của giám đốc tuyển dụng nhằm tránh hiệu ứng lan tỏa. 50% quyết định tuyển chọn được dựa trên năng lực của ứng viên, 50% còn lại dựa trên sự phù hợp với văn hóa của công ty.
Tập trung sâu vào ít ưu tiên hơn
Ở các công ty/ nhóm truyền thống, các thành viên thường phải tập trung vào nhiều ưu tiên khác nhau và dễ bị phân tâm bởi các nhu cầu ít quan trọng hơn.
Trong khi đó, các công ty/ nhóm xuất sắc sẽ tập trung cao độ vào một số ít các lĩnh vực quan trọng đối với thành công của họ. Họ dành phần lớn thời gian cho những ưu tiên này và làm mọi cách để không bị phân tâm (bao gồm các quy trình và kiểm soát không cần thiết). Tuy nhiên các nhóm này cũng phát triển các phương pháp cung cấp thời gian, nguồn lực và quyền tự chủ cần thiết để khám phá một cách sáng tạo các cơ hội phát triển mới ngoài các sản phẩm và dịch vụ hiện có của công ty.
Trong những năm đầu, các nhà sáng lập đã định vị Airbnb là công ty cung cấp nơi lưu trú giá rẻ hơn và mang tính cá nhân hơn so với chuỗi các khách sạn. Công ty tập trung duy nhất vào mục tiêu đó và làm mọi cách để có thể tồn tại. Sau khi phát triển và trải qua quá trình thử sai, hiện nay mỗi năm Airbnb chỉ đặt ra bốn mục tiêu và được trình bày ngắn gọn trên một trang giấy, nhằm thúc đẩy những sáng kiến có tác động lớn nhất đến sự tăng trưởng dài hạn của công ty.
Thúc đẩy cứng rắn và thúc ép mềm mỏng khi cần
Các công ty/ nhóm truyền thống sử dụng cách thức hoạt động mờ nhạt, không thúc đẩy được hiệu quả cả mặt cứng rắn hay mềm mỏng hơn trong hoạt động nhóm.
Trong khi đó, các công ty, đội nhóm tuyệt đỉnh cứng rắn hơn nhưng đồng thời lại mềm mỏng hơn các nhóm truyền thống. Các nhóm này có văn hóa thúc đẩy khắc nghiệt để đạt được các kết quả xuất sắc trên một vài mục tiêu nổi bật. Họ cũng sẵn sàng công khai khắc phục những điểm yếu của mình và có biện pháp hành động với các thành viên kém hiệu quả. Đồng thời các nhóm này lại mềm mỏng hơn ở khía cạnh hỗ trợ nhằm tạo ra môi trường thúc đẩy sự hợp tác, tin cậy và lòng trung thành.
Bên cạnh việc chú trọng đến trải nghiệm của khách hàng Airbnb cũng chú trọng tới trải nghiệm của nhân viên. Mọi người trong công ty có thể làm việc ở bất cứ địa điểm nào mà họ thích ví dụ như phòng họp, thư viện hoặc quán cà phê hay làm việc từ xa. Thậm chí Airbnb còn thiết kế một phòng họp như một căn hộ, để mọi người cảm thấy thân thiện giống như đang làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, họ cũng cung cấp một loạt các chế độ đãi ngộ khác bao gồm: Đồ ăn ngon miễn phí ba lần một ngày;Trụ sở công ty thân thiện với thú cưng, cho phép nhân viên mang vật nuôi đến văn phòng; Mỗi nhân viên được cấp 2000 đô một năm để thuê bất cứ căn hộ nào của Airbnb ở bất cứ đâu trên thế giới khi họ đi nghỉ. Sự tập trung vào trải nghiệm của nhân viên đã giúp Airbnb trở thành Google thứ hai có nơi làm việc tuyệt vời nhất thế giới.
Cảm thấy thoải mái hơn trong sự thiếu thoải mái
Các công ty/ nhóm truyền thống coi xung đột là điều xấu cần tránh né, thậm chí coi xung đột là dấu hiệu của sự thất bại.
Trong khi đó các nhóm xuất sắc thường ủng hộ xung đột, thậm chí khuyến khích xung đột giữa các thành viên trong nhóm. Họ tin rằng các thành viên tranh luận để giải quyết đúng đắn vấn đề, dù không gây khó chịu đến đâu thì cũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Điều quan trọng không kém là khả năng đương đầu với những thách thức lớn và lý do liên quan đến đổi mới.
Alibaba thường tuyển dụng những người kém một hoặc hai bậc so với những sinh viên giỏi nhất cùng trường đại học, có tính cách tương tự với các thành viên sáng lập. Jack Ma tin rằng những người như vậy có giá trị vì họ đã phải đấu tranh, lăn lộn và có một vài lần vấp ngã mới đạt được thành công trong cuộc sống.
Ông cho rằng những người giỏi nhất sẽ không có khả năng dẻo dai cần thiết để chịu đựng được thất bại đi kèm khi làm việc trong một thị trường khó khăn như Trung Quốc vốn đầy rẫy thử thách và thất bại. Jack Ma cũng tin rằng những người có hồ sơ xin việc ấn tượng thường gặp khó khăn trong việc gắn kết với người khác vì họ cảm thấy tự kiêu, tài giỏi hơn người. Kết quả là họ thường không hợp tác với đồng nghiệp, không có tinh thần làm việc nhóm trong công ty.
Bên cạnh việc chỉ ra điểm chung của các công ty đội nhóm tuyệt đỉnh, tác giả Robert Shaw cũng khám phá sự khác biệt của họ để giúp độc giả hiểu rõ hơn: các công ty/ đội nhóm đó đã phải đánh đổi những gì để thiết kế và triển khai thành công các nhóm. Ông đồng thời chỉ ra các yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến thành công của các đội nhóm như: chiến lược kinh doanh, thử thách từ môi trường kinh doanh…
Và từ đó tác giả cuốn sách "Đội ngũ tuyệt đỉnh" nhấn mạnh: "Các kỹ thuật nhóm cụ thể được mô tả trong cuốn sách này phải được xem xét trong bối cảnh một công ty cụ thể, tham chiếu với lịch sử, văn hóa cũng như kỳ vọng của công ty đó… Người đọc cần hiểu mục đích đằng sau một phương pháp tân tiến cụ thể và môi trường rộng lớn hơn vốn là điều kiện cần để phương pháp đó phát huy hiệu quả; và sau đó xác định có nên áp dụng kỹ thuật đó cho nhóm hay công ty của mình không, áp dụng như thế nào là tốt nhất."
Những thành tựu vĩ đại luôn là thành quả của những đội nhóm vĩ đại. Những nhà lãnh đạo, quản lý vẫn bám víu vào quan điểm lỗi thời về đội nhóm sẽ tụt hậu. Và thông qua câu chuyện xây dựng đội nhóm thành công của 7 công ty tiên tiến nhất hiện nay "Đội nhóm tuyệt đỉnh" sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo quản lý tư duy về đội nhóm theo những cách mới, xây dựng những đội nhóm thật sự vĩ đại.
Nhận xét về cuốn sách, tác giả best-seller Marshall Goldsmith viết: "Tập hợp được một đội nhóm xuất sắc giống như việc bắt tia chớp cho vào một cái lọ, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Bạn chỉ cần những chỉ dẫn đúng đắn, và đó chính là Đội nhóm tuyệt đỉnh. Cuốn sách trang bị cho bạn những ưu tiên và kiến thức cần thiết để xây dựng những đội nhóm nổi bật có thể đổi mới doanh nghiệp của bạn đúng cách. Thật sự xuất sắc!"