Doanh nhân Phạm Đình Nguyên: Khởi nghiệp bạn cần phải có tiền, tốt nhất là tiền của chính mình
Ông Phạm Đình Nguyên, chủ thương hiệu cà phê Việt PhinDeli - người Việt đang sở hữu thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ cho rằng, trong thời đại hiện nay, bạn phải có một câu chuyện hay thì mới có thể đi nhanh và sâu vào lòng người tiêu dùng được. Có câu chuyện hay chưa đủ, bạn phải là người kể chuyện hay nữa.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, CafeBiz đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn và bài viết về các doanh nhân, để lắng nghe những chia sẻ của họ về môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, cùng những câu chuyện kinh doanh, và câu chuyện cuộc đời của họ. Mời quý độc giả đón đọc.
Chào ông. Năm 2012, ông từng chi gần 1 triệu USD và mất nhiều công sức để mua lại thị trấn Buford của nước Mỹ để quảng bá hình ảnh thương hiệu cà phê Việt - PhinDeli. Sau 4 năm, thị trấn này chắc hẳn đã có nhiều thay đổi?
- Đúng vậy, thị trấn giờ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của cư dân trong vùng khi muốn thưởng thức một tách cà phê Việt. Chúng tôi cũng thu hút được khá nhiều khách du lịch ghé ngang tham quan để coi quán cà phê của ông thị trưởng người Việt ra làm sao.
Điều duy nhất không thay đồi là thị trấn vẫn chỉ có 1 cư dân sinh sống.
Bước tiến của PhinDeli dường như chưa rõ ràng trong thời gian qua. Khó khăn hiện tại của PhinDeli là gì?
- Chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng 1 trong 2 việc khó nhất của một sản phẩm mới đó là hệ thống phân phối cho các sản phẩm hoà tan và rang xay.
Công việc kinh doanh hiện tại của ông hướng đến mục tiêu gì?
- Mục tiêu chúng tôi vẫn không thay đổi là mong muốn góp sức nhỏ của mình giúp cà phê Việt Nam được biết dến trên thị trường thế giới không chỉ về số lượng mà còn phải về chất lượng.
Cách làm thương hiệu khi chi số tiền 20 tỷ mua thị trấn nhỏ nhất ở Mỹ chắc hẳn có hiệu quả cho đến thời điểm này?
- Cũng tuỳ theo quan điểm của từng cá nhân thôi, nhưng với tôi thì câu trả lời là sự kiện "người Việt Mua Thi Trấn Mỹ" thật sự hiệu quả. Tất nhiên đó chỉ là sự bắt đầu cho một chuỗi nhiều sự kiện của PhinDeli.
Như tôi đã từng chia sẻ, trong thời đại hiện nay, bạn phải có một câu chuyện hay thì mới có thể đi nhanh và sâu vào lòng người tiêu dùng được. Có câu chuyện hay chưa đủ, bạn phải là người kể chuyện hay nữa.
Ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ cùng CafeBiz. Ảnh: NT.
Được biết, ngoài điều hành PhinDeli , gần đây ông còn mở công ty đào tạo thương hiệu – Học viện Plato. Với ông, đây chỉ là sở thích đơn thuần hay cũng là một công việc kinh doanh?
- Tôi và anh Đức Sơn chọn tên Plato với khát vọng muốn xây dựng một Học Viện kiểu mẫu theo đuổi đến tận cùng các giá trị về sự uyên bác của trí thức, chính trực về hành vi và truyền cảm hứng trong mối tương tác với các học viên.
Đối với chúng tôi mục tiêu chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng cao hơn mục tiêu kinh doanh tại Plato.
Trong hai lĩnh vực cà phê và truyền thông thì mảng nào cho sinh lợi tốt nhất?
- Còn tuỳ theo cách mà bạn định nghĩa về sinh lợi (cười). Đối với tôi, cả 2 lĩnh vực này đều “sinh lợi” tốt.
Ông dành thời gian cho 2 công việc này như thế nào?
- Có thể nói là 7-3: 70% cho PhinDeli và 30% cho học viện Plato.
Kế hoạch trong thời gian sắp tới của ông là gì?
- Tôi sẽ tiếp tục xây dựng PhinDeli thành thương hiệu cà phê mạnh tại Việt Nam và trong khu vực.
Khi chia sẻ với các bạn trẻ, ông từng nói: “Đừng mơ đến khởi nghiệp khi không có tiền”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Ở đây tôi muốn nói về 2 ý.
Một là nghĩa đen của câu nói đó: bạn không thể làm được gì nếu bạn không có tiền. Cho dù bạn khởi nghiệp bất cứ quy mô nào, hình thức nào, ngành kinh doanh nào bạn cần phải có vốn để khởi nghiệp để nuôi sống mình trong thời gian khởi nghiệp.
Ý thứ hai là bạn cần phải có tiền, tốt nhất là tiền của chính mình vì chỉ khi là tiền của mình thì bạn mới thật sự cân nhắc, tính toán và .... đi đến cùng với ý định của mình. Nó giúp bạn có thêm sức mạnh và nghị lực để hoàn thành việc mà mình đã khởi xướng.
Hiện nay ông rất tích cực tham gia các buổi tiếp sức khởi nghiệp, đó phải chăng là một cách chia sẻ tài sản mình đang có?
- Đối vối tôi, hạnh phúc là khi mình đóng góp gì đó cho những người xung quanh mình bao gồm gia đình, bạn bè và xã hội. Với những thất bại lớn có, nhỏ có, tôi muốn chia sẻ để các bạn trẻ khởi nghiệp tránh phải đóng học phí cho những sai lầm của mình.
Trong ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 tới đây, ông dự định đi đâu và làm gì?
- Tôi chưa có kế hoạch gì, chắc sẽ đi làm bình thường thôi.
Ông có muốn gửi lời chúc tới doanh nhân Việt Nam nhân dịp này?
Nhân dịp ngày doanh nhân Việt Nam, tôi xin chúc tất cả các Anh Chị Doanh Nhân nhiều sức khoẻ, an nhiên tự tại và may mắn để tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Cảm ơn ông. Chúc ông ngày doanh nhân Việt Nam sức khoẻ và thành công!