Doanh nhân Lý Quí Trung: Không gây dựng được thương hiệu Việt thì chúng ta chỉ như con chim nhỏ rỉa phần thịt dính lại trên khúc xương sau khi sư tử đã ăn uống no nê

12/10/2018 09:03 AM | Kinh doanh

"Thị trường nội thất bùng nổ thông qua các dự án BĐS khắp nơi. Nhân công Việt Nam vẫn còn rẻ mà tay nghề lại khéo léo... Phải nghĩ đến việc tạo ra thương hiệu riêng của Việt Nam, xây dựng nó và bán kèm. Nếu không thì cứ phải làm các con chim nhỏ rỉa phần thịt còn dính lại trên khúc xương mà các con sư tử để lại sau khi ăn uống no nê", nhà sáng lập Phở 24 Lý Quí Trung, nay là TGĐ AKA, đơn vị sở hữu chuỗi nội thất Nhà Xinh tâm sự.

Đó là chia sẻ của doanh nhân Lý Quí Trung với chúng tôi trước ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ông Lý Quí Trung nổi tiếng với vai trò nhà sáng lập của thương hiệu Việt Nam Phở 24. Sau thời gian sinh sống và làm việc tại Úc, ông trở về Việt Nam và đảm nhiệm vai trò là Tổng giám đốc của Công ty AKA, đơn vị sở hữu chuỗi nội thất Nhà Xinh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Lý Quí Trung:

* Gắn bó với nhà hàng rất nhiều năm, vì sao ông lại chọn ngành nội thất cho những chặng đường tiếp theo?

- Nội thất và ẩm thực cũng có những nét tương đồng, đó là niềm đam mê ở cái đẹp của sự tỉ mỉ, chi tiết và niềm mong mỏi muốn thấy ánh mắt hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên giữa hai lãnh vực này cũng có những thứ rất khác biệt và chính điều này đã làm tôi thấy hứng khởi sau bao năm chinh chiến trong ngành ẩm thực.

* Ông có thể áp dụng những gì từ mảng nhà hàng vào mảng thiết kế nội thất hiện tại? Đâu là điểm tương đồng và khác biệt giữa 2 ngày, vì có vẻ 2 mảng này "không liên quan" đến nhau lắm?

- Thói quen tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu thật đa dạng, phong phú của thị trường ẩm thực sẽ giúp tôi rất nhiều trong mảng kinh doanh nội thất hiện nay. Và dĩ nhiên kinh nghiệm xây dựng thương hiệu Phở 24 cũng sẽ giúp tôi xây dựng thương hiệu Nhà Xinh của tập đoàn AKA trong thời gian tới. Tôi rất sốt ruột muốn thấy một thương hiệu nội thất của Việt Nam bước ra sân chơi của khu vực. Tôi rất muốn thấy một thương hiệu nội thất Việt có thể làm người Việt Nam tự hào…

Con đã lớn và "lá rụng về cội"

* Ông từng nói muốn dành thời gian sát cánh cùng con, đưa con đi học. Giờ có phải con lớn rồi, ông muốn trở về Việt Nam hay vì lý do khác?

- Mong muốn trong nhiều năm của tôi là làm sao có được một khoảng thời gian 4-5 năm chỉ dành riêng cho con cái. Mong muốn đó nay đã hoàn thành, con cái học hành, làm việc ổn định, nói chung cuộc sống tại Úc của mấy đứa nhỏ đã hòa nhập hoàn toàn. Nên cũng là lúc lá bắt đầu rụng về cội…

Cuộc sống chảy đi như nước, mới có uốn khúc nhẹ nhàng, lả lướt được.

* Người thân trong gia đình có ngăn cản ông khi ông trở về Việt Nam?

- Không. Vì gia đình tôi tuy thật gần gũi gắn bó với nhau nhưng luôn tin tưởng và tôn trọng những quyết định độc lập của nhau. Mỗi người, mỗi lúc, mỗi hoàn cảnh đều có những suy nghĩ và toan tính sao cho hợp thời nhất. Cuộc sống phải chảy đi như nước, thì mới uốn khúc nhẹ nhàng, lả lướt được. Cuộc sống không bao giờ có một công thức chung mà chỉ có một mục đích chung, đó là làm sao phải sống và làm việc một cách hạnh phúc.

Doanh nhân Lý Quí Trung: Không gây dựng được thương hiệu Việt thì chúng ta chỉ như con chim nhỏ rỉa phần thịt dính lại trên khúc xương sau khi sư tử đã ăn uống no nê - Ảnh 2.

* Rất nhiều người con đất Việt thành danh ở nước ngoài, rồi lại muốn trở về Việt Nam để góp phần xây dựng quê hương. Ông nghĩ sao về điều này?

- Cũng tự nhiên thôi vì nước chảy về nguồn, lá rụng về cội. Thành danh hay không thành danh rồi cũng vậy. Và một khi trở về quê hương là chắc chắn sẽ góp phần chung tay xây dựng. Khi trở về hãy nghĩ cho mình trước rồi hãy nghĩ đến những gì to tát hơn. Vì chỉ khi thành công mình mới thật sự đóng góp được nhiều cho quê hương. Ngược lại, sẽ trở thành gánh nặng. Nên thật không sai khi nói người làm kinh doanh mà thành công là người đã thể hiện lòng yêu nước thông qua sự đóng góp cụ thể của mình.

Chúng ta lựa chọn là con sư tử ăn cả tảng thịt hay chỉ là chim sâu rỉa phần thịt dính lại sau khi sư tử đã no nê?

* Theo ông, đâu là điểm nổi bật của ngành nội thất Việt Nam và điểm yếu của ngành này là gì?


Nếu không thì cứ phải làm các con chim nhỏ rỉa phần thịt còn dính lại trên khúc xương mà các con sư tử để lại sau khi ăn uống no nê.

- Thị trường nội thất bùng nổ thông qua các dự án BĐS khắp nơi. Đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam bùng nổ. Nhân công Việt Nam vẫn còn rẻ mà tay nghề lại khéo léo. Chỉ có làm sao cộng thêm hàm lượng chất xám vào trong từng món đồ nội thất xuất xưởng, nghĩa là phải nghĩ đến việc tạo ra thương hiệu riêng của Việt Nam, xây dựng nó và bán kèm.

Nếu không thì cứ phải làm các con chim nhỏ rỉa phần thịt còn dính lại trên khúc xương mà các con sư tử để lại sau khi ăn uống no nê.

* Ông kỳ vọng như thế nào khi đảm nhiệm vị trí mới?

- Niềm vui. Vui vì công sức bỏ ra có lợi ích, hiệu quả cho mình, cho công ty, và cho xã hội, đất nước.

* Xin cảm ơn ông!

Lan Đỗ

Cùng chuyên mục
XEM