Doanh nghiệp Việt và làn sóng "khai sinh" tại Singapore

23/07/2016 08:43 AM | Kinh tế vĩ mô

Để thuận lợi hơn cho việc thu hút vốn đầu tư, nhiều start-up Việt đang chọn Singapore làm nơi khai sinh cho doanh nghiệp của mình.

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao với thông tin Cốc Cốc - một startup công nghệ của Việt Nam đã âm thầm bán cổ phần ra nước ngoài.

Theo nguồn tin này, 99,75% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cốc Cốc – đơn vị chủ quản của hệ thống Cốc Cốc – đã thuộc về công ty Coc Coc Pte Ltd có trụ sở tại Singapore nắm giữ.

Thế nhưng, khi được hỏi, đại diện truyền thông của Cốc Cốc đã khẳng định chắc chắn không hề có chuyện Cốc Cốc bán cổ phần ra nước ngoài. Vị đại diện này cho hay, "công ty Coc Coc Pte LTD tại Singapore chỉ được thành lập để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư được dễ dàng hơn".

Trên thực tế, Cốc Cốc không phải doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đặt "đại bản doanh" tại Singapore. Nhiều start-up khác cũng chọn đảo quốc sư tử làm nơi khai sinh cho công ty của mình.

Cuối năm 2015, Lozi - mạng xã hội về địa điểm ăn uống và nhà hàng từng "gây sốt" trong cộng đồng khởi nghiệp khi huy động thành công số tiền lên đến triệu đô từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore và Tập đoàn DesignOne Japan của Nhật Bản. Nhưng có một điều ít người biết đến là Lozi không được đăng ký thành lập tại Việt Nam mà là Singapore.

Một trường hợp khác là Antoree.vn - sàn giao dịch học tiếng Anh đầu tiên cho người Việt cũng có "giấy khai sinh" tại đảo quốc sư tử.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia lý tưởng nhất để khởi nghiệp nhờ vào môi trường kinh doanh thân thiện, thị trường minh bạch, tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tốt. Quốc gia này là nơi hàng loạt các thương hiệu lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, VMware, HP, Google…chọn làm nơi đặt văn phòng, chi nhánh.

Hiện nay, mở công ty tại Singapore thậm chí còn trở thành thành tiêu chuẩn của một số quỹ đầu tư ngoại khi lựa chọn dự án khởi nghiệp để rót vốn. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi các nhà đầu tư nước ngoài thường có rất nhiều lựa chọn, nếu gặp cản trở về thủ tục hành chính họ có thể chuyển sang đầu tư vào một start-up khác hoặc một quốc gia khác.

Đặc biệt gần đây, khi cộng đồng khởi nghiệp, nhất là các start-up công nghệ đang hoang mang trước Điều 292 bộ luật hình sự 2015 thì ngày càng thêm nhiều công ty nghĩ đến chuyện đăng ký thành lập tại Singapore.

Trên nhiều diễn đàn về khởi nghiệp, các start-up liên tục chia sẻ những kinh nghiệm mở công ty và duy trì hoạt động của doanh nghiệp tại đảo quốc sư tử. Thậm chí, các công ty môi giới cũng tận dụng cơ hội kiếm tiền bằng cách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Singapore.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cho rằng thành lập công ty ở đâu không quan trọng miễn là doanh nghiệp phát triển và phục vụ tốt cho khách hàng, một số người lại lo ngại tình trạng "chảy máu chất xám" của Việt Nam.

Trong buổi gặp mặt giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp vào tháng 8/2015, anh Trình Tuấn - đại diện dự án BabyMe (ứng dụng giúp các bà mẹ chăm sóc sức khỏe) đã chia sẻ rằng: Khi kêu gọi vốn, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài e ngại bỏ tiền chỉ vì bị giới hạn tại một số điều khoản trong Luật Đầu tư. "Do đó, tôi đã sang Singapore để đăng ký kinh doanh, thành lập công ty. Song, cuối cùng những gì mình và cộng sự làm đều thuộc sở hữu công ty nước ngoài. Đây là một kiểu chảy máu chất xám trong cộng đồng khởi nghiệp hiện nay", anh Tuấn bộc bạch.

Câu chuyện "nên hay không nên đăng ký hoạt động kinh doanh tại nước ngoài?" chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp cũng như đạt được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là những yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM