TS. Lê Đăng Doanh: Điều kiện tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi tại Việt Nam

20/07/2016 20:36 PM | Kinh doanh

Thủ tướng đã phát động và cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp (KN), hướng tới mục tiêu có một triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động vào năm 2020, TP.HCM cũng đặt mục tiêu có 500 ngàn DN hoạt động vào năm này. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cung cấp những góc nhìn thú vị nhằm tạo ra một hệ sinh thái KN thuận lợi tại Việt Nam.

Ông Lê Đăng Doanh nói: "Quyết định 844/QD-TTg ngày 18/05/2016 nhằm khuyến khích KN đối với các DN khoa học - công nghệ, sáng tạo. Đây là sự nỗ lực đáng trân trọng, cần được ủng hộ để thực hiện thành công. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là cải cách bộ máy, khắc phục các biểu hiện tư lợi, lợi ích nhóm, tránh để rơi vào tình trạng xin - cho, có thể bóp méo các ý tưởng tốt đẹp của chính sách do Chính phủ đề ra".

* Những năm gần đây, hoạt động KN rất sôi động. Tuy nhiên, nhiều dự án còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ họ cụ thể như thế nào?

- Phong trào KN ở Việt Nam hiện nay đang gặp một số khó khăn, đó là doanh nhân thiếu vốn đầu tư cần thiết trong khi lãi suất cho vay quá cao, một số doanh nhân KN thiếu tính chuyên nghiệp, lập dự án theo cảm tính, thiếu điều tra thị trường... Khó khăn lớn nhất và cản trở nhiều nhất đến từ một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền đối với những ý tưởng sáng tạo.

Công luận đã bất bình trước sự phản đối của cơ quan giao thông vận tải đối với dịch vụ Uber và Grab, thái độ cản trở đối với những sáng tạo của doanh nhân khiến họ phải ra nước ngoài thực hiện ý tưởng. Vì vậy, hy vọng Quyết định 844 sẽ góp phần khắc phục sự kỳ thị này trong bộ máy hành chính nhà nước. Cần giúp doanh nhân hình thành những dự án đầu tư chuyên nghiệp, dựa trên nghiên cứu thị trường, trên cơ sở đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) mới có thể góp vốn để giúp DN thực hiện ý tưởng.

* Gần đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm có vẻ thận trọng với các dự án KN, theo ông là vì sao?

- Thực tế, việc thẩm định một dự án đầu tư ngày càng khó vì đây là đầu tư mạo hiểm, vì vậy, các quỹ đầu tư thường cân nhắc, xem xét các dự án mới đối với Việt Nam hay với thế giới. Nếu chỉ mới tại Việt Nam thì không khéo là sao chép của thế giới, vậy tính cạnh tranh có hay không?

Bản thân tôi rất ủng hộ tinh thần KN và đặc biệt là KN sáng tạo, nhưng muốn dự án khả thi và nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức, quỹ đầu tư... thì trước hết bản thân DN và cá nhân phải có những ý tưởng thật sự mới mẻ và là của mình, nhất là trong môi trường hội nhập hiện nay.

* Để các đề án KN thành công thì phải làm thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện đề án KN thành công rất cần sự trợ giúp và tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài nước, kết nối thông qua các hiệp hội nghề nghiệp. Quỹ Đầu tư mạo hiểm cần hoạt động công khai, minh bạch, cần đúc kết kết quả thành công và chưa thành công để rút kinh nghiệm.

Điều cần tránh là chủ nghĩa hình thức, duy ý chí, chạy theo thành tích, phong trào cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, xã hội nhiều mặt chưa thật phù hợp... Tất cả những điều đó tạo ra những điển hình thành công giả tạo, không có sức sống trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay.

* Ông có thể chia sẻ một vài điển hình dự án KN sáng tạo thành công tại Việt Nam khi có sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức và nhà khoa học?

- Thực tế, nhiều DN Việt Nam có tinh thần vươn lên, sáng tạo, đầu tư nghiêm túc đều có thể thành công. Kinh nghiệm của các DN khoa học, công nghệ thành công tại Việt Nam như Mỹ Lan (Trà Vinh), Ralaco (Hà Nội), Minh Long (Bình Dương) là minh chứng đã đóng góp cho việc thực hiện phong trào KN sáng tạo này. Trong đó, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là một điển hình thành công khi mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khoa học, đồng thời mời các nhà khoa học về hợp tác.

* Cảm ơn ông.

Theo Lữ Ý Nhi

Cùng chuyên mục
XEM