Doanh nghiệp Việt nào trong danh sách 56.000 đơn vị rút khỏi thị trường 6 tháng đầu năm?
6 tháng đầu năm 2020, có hơn 56.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có gần 9.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngành có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhất Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Dịch vụ việc làm - du lịch, Tư vấn - thiết kế - quảng cáo...
Tháng 6/2020, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mới, các doanh nghiệp bắt đầu khởi động lại việc sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định: Quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kéo theo tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm có chiều hướng tăng.
6 tháng đầu năm 2020, có hơn 56.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019). Trong đó, hơn 29.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 38,2%). Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 6 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có hơn 19.600 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 10,2%), hơn 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 5%).
Tình trung bình, mỗi tháng có gần 9.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (822 doanh nghiệp, tăng 99,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (247 doanh nghiệp, tăng 73,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.836 doanh nghiệp, tăng 71,3%); Giáo dục và đào tạo (549 doanh nghiệp, tăng 62,9%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.731 doanh nghiệp, tăng 57,1%); Hoạt động dịch vụ khác (404 doanh nghiệp, tăng 53,6%); và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.776 doanh nghiệp, tăng 38,9%).
"Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19", Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có 22.398 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Một điểm sáng trong tháng 6/2020, cả nước có 13.725 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 100 nghìn lao động, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.