​DN lo 'xộ khám' vì cách tính thuế của Bộ Tài chính

04/04/2016 08:26 AM | Kinh doanh

Đó là lo lắng của ông Tayfun Uner, Tổng giám đốc Công ty Carlsberg Việt Nam trước cách hướng dẫn tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới của Bộ Tài chính.

Các kiến nghị về cách tính thuế này vừa được gửi thẳng lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi “kêu” mãi nhưng Bộ Tài chính "tiếp thu xong vẫn thế”.

Đã chấp nhận thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% kể từ 1/1/2016 nhưng ngày 3/4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA) xác nhận kiến nghị về những bất cập trong hướng dẫn của Bộ Tài chính quanh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới (vừa có hiệu lực) được tiếp tục gửi lên lãnh đạo Quốc hội.

Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, giá làm căn cứ tính thuế Tiêu thụ đặc biệt “là giá do cơ sở sản xuất bán ra”. Tuy nhiên, trong thông tư 195/2015 hướng dẫn, Bộ Tài chính lại “chỉnh” thêm: giá tính thuế là giá bán ra của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất các mặt hàng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng và ô tô dưới 24 chỗ) nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của sản phẩm cùng loại do các cơ sở thương mại bán ra”…

Điều này có nghĩa, giá tính thuế sẽ căn cứ vào giá bán của các cửa hàng thương mại trên cả nước, rồi tính giá bình quân.

Ông Tayfun Uner lo rất khó tính được giá bán bình quân trong tháng của các cơ sở thương mại. Thực tế, mỗi nhãn hàng lại có nhiều sản phẩm với mẫu mã, kích thước khác nhau. Và mỗi cửa hàng có giá bán cũng rất khó kiểm soát.

Điều này có nghĩa, giá bình quân rất dễ có tranh cãi giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế …

Theo ông Lê Bá Cơ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, hướng dẫn của Nghị định và Thông tư nêu trên thực tế có mâu thuẫn với Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Ông Cơ cho rằng do lo doanh nghiệp sản xuất thành lập công ty con, bán ra với giá thấp để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ít đi, lỗ mẹ lãi con, từ đó Bộ Tài chính đưa ra quy định siết giá tính thuế là giá bán ra của công ty sản xuất nhưng không thấp hơn 7% giá các cơ sở thương mại vẫn bán.

Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý không nên vì mục tiêu kiểm soát các doanh nghiệp gian lận mà gây khó cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Cơ, khó bởi các cơ sở thương mại là hoàn toàn độc lập với đơn vị sản xuất, mà doanh nghiệp phải căn cứ vào giá bán bình quân của họ để nộp thuế. “Rất khó khăn để thực hiện” - ông Cơ nói.

Trao đổi về bức xúc của doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nói thẳng: "Bộ Tài chính có phải tận thu khi đưa ra cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới?".

Ông Khải đặt vấn đề việc ban hành chính sách này là “lợi ích nhóm” của cơ quan tham mưu để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách. Trước thực tế doanh nghiệp phải phản ứng mạnh lên các cấp, ông Khải đề nghị Bộ Tài chính cần đối thoại với doanh nghiệp.

Để dung hòa, theo ông Nguyễn Văn Việt, VBA đề xuất sửa quy định: giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng (trong chuỗi lưu thông có quan hệ công ty mẹ, công ty con... với công ty sản xuất).

Điều này, theo ông Việt, sẽ loại trừ được khả năng công ty mẹ bán giá thấp cho công ty con, để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Nó cũng tránh được các doanh nghiệp sản xuất phải tính thuế căn cứ theo giá bán của hàng ngàn cửa hàng thương mại trên cả nước.

Văn bản của đại diện các doanh nghiệp phản ứng với cách tính thuế mới của Bộ Tài chính đã thẳng thắn đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem xét hoãn thi hành các văn bản dưới luật (Nghị định 108/2015 của Chính phủ và Thông tư 195/2015 của Bộ Tài chính) thêm một năm.

Trong thời gian này, Quốc hội cùng hiệp hội, doanh nghiệp xem lại những bất cập của hai văn bản trên.

Nhiều nơi phản ứng

Liên quan đến những diễn biến gần đây về Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành vênh với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như Phòng thương mại công nghiệp Việt nam VCCI, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF, Phòng thương mại Công nghiệp Mỹ tại VN, Phòng thương mại Công nghiệp Châu Âu tại VN... đồng loạt lên tiếng trình bày những khó khăn, vướng mắc.

Các hiệp hội kiến nghị tạm dừng thời gian có hiệu lực của hai văn bản trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa có công bố chính thức về khả năng sửa văn bản hướng dẫn.

Theo C.V.Kình

Cùng chuyên mục
XEM