Điểm mặt doanh nghiệp dược bán Salbutamol sai mục đích
Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) thanh tra 6 Cty dược nhập khẩu Salbutamol thì phát hiện tới 3 Cty bán Salbutamol sai đối tượng và mục đích. Trong khi đó, C49 (Bộ Công an) hiện đã thu hồi, lưu kho được trên 2 tấn chất cấm này.
3 Cty dược bán Salbutamol sai đối tượng
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT: Kết thúc đợt cao điểm hành động ngăn chặn chất cấm cuối năm 2015, đầu năm 2016, hiện Bộ Y tế cũng đang triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh tay để siết chặt việc NK, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi do các DN dược NK về.
Cụ thể, đến nay, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng cộng 6 Cty sản xuất, kinh doanh, NK Salbutamol, qua đó đã phát hiện 3 Cty có hành vi bán Salbutamol sai đối tượng, sai mục đích đăng ký gồm: Cty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông (Đống Đa, Hà Nội); Cty TNHH Hóa dược Minh Anh (phố Hoàng Long, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) và Cty Dược Minh Hải (Cà Mau).
Cục Quản lý Dược đã ra quyết định đình chỉ NK, kinh doanh nguyên liệu làm thuốc, dừng xem xét tiếp nhận hồ sơ NK thuốc của 3 Cty trên, đồng thời yêu cầu các Cty vi phạm thu hồi sản phẩm và chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) để xác minh làm rõ.
Trước tình hình phức tạp về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hiện Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị NK Salbutamol tạm dừng việc NK và tạm dừng cấp phép NK nguyên liệu Salbutamol, đồng thời sửa đổi Luật Dược để đưa nguyên liệu Salbutamol vào danh mục kiểm soát đặc biệt.
Để tiến tới kiểm soát toàn bộ các chất cấm khác trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế sẽ tiếp tục giao các đơn vị liên quan phối hợp rà soát để ban hành danh mục các loại hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong ngành Y tế nhưng bị cấm trong ngành nông nghiệp.
Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng cho biết: Theo số liệu xác minh của C49, qua công tác điều tra, trinh sát, đến nay chưa phát hiện hoạt động sản xuất Salbutamol ở trong nước và chưa phát hiện việc nhập lậu Salbutamol. Tuy nhiên, đã có 11 Cty của ngành dược được cấp phép NK Salbutamol để kinh doanh, sản xuất thuốc.
Bộ Công an, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế sẽ phối hợp siết chặt việc NK, sử dụng chất trong thời gian tới.
Thay vì chỉ phạt tiền (7,5 triệu đồng với hộ chăn nuôi nhỏ và 15 triệu đồng với trang trại chăn nuôi) và giữ heo hai tuần để thải hết chất cấm rồi cho tái xuất chuồng như trước đây, theo Thông tư 01/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/2/2016, cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền và sẽ áp dụng biện pháp tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện vi phạm về chất cấm
Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chức năng đã xác minh rõ nguồn gốc, con đường tiêu thụ của toàn bộ các Cty này và tiến hành các biện pháp quản lý chặt chẽ việc cung cấp, kinh doanh, sản xuất trên thị trường. Qua đó, đã thu hồi và lưu giữ tại kho của các Cty là 2.050 kg Salbutamol.
Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết thêm: Với mục tiêu kiểm soát và chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sắp tới Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công an sẽ cùng ký quy chế phối hợp nhằm kiểm soát chặt nguồn chất cấm, nhất là không để chất cấm từ lĩnh vực y tế bị tuồn sang lĩnh vực chăn nuôi.
Cơ bản kiểm soát
Sau đợt hành động cao điểm kiểm soát chất cấm (từ tháng 11/2015 - 2/2016), Bộ NN-PTNT cùng các Bộ ngành liên quan đã thanh tra tổng cộng 32 NM sản xuất TĂCN ở 11 tỉnh, thành trên cả nước, qua đó đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như Salbutamol, Vàng O trộn vào TĂCN với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1 tỷ 300 triệu đồng tiền phạt.
Tính đến cuối tháng 3/2016, tình hình buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã căn bản được kiểm soát. Kết quả thanh kiểm tra của các đơn vị Bộ NN-PTNT và Bộ Công an cho thấy hiện hầu hết các NM sản xuất, gia công TĂCN không còn phát hiện còn sử dụng chất cấm. Ở các tỉnh phía Bắc, hiện không còn phát hiện trang trại, lò mổ nào có tồn dư chất cấm.
Cán bộ thú y lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra tại cơ sở bán thức ăn chăn nuôi heo ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền
Tuy nhiên tại các tỉnh phía Nam, vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm chất cấm thấp hơn nhiều so với thời gian trước. Các tỉnh đến nay vẫn còn phát hiện heo có chất cấm tập trung chủ yếu tại Đồng Nai, Tiền Giang TP.HCM, đối tượng bị phát hiện chủ yếu các hộ chăn nuôi và lò mổ.
Theo báo cáo của các Chi cục Thú y phía Nam, hiện chỉ còn một số trang trại, lò mổ tập trung ở Đồng Nai, TP.HCM phát hiện chất cấm với 36/320 mẫu nước tiểu dương tính.
Tuy nhiên so với giai đoạn tháng 2/2016, tỷ lệ vi phạm giảm khá rõ. Cụ thể giai đoạn từ 8/2 đến 15/2 phát hiện 3/10 lô (chiếm 30%), 11/19 (chiếm 58%) mẫu nước tiểu dương tính với tồn dư chất cấm, tuy nhiên trong tháng 3, tỷ lệ mẫu phát hiện tồn dư chất cấm chỉ còn 1,5%.