Định kiến giới "nam mạnh - nữ yếu" khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau!

27/06/2022 11:44 AM | Kinh doanh

Định kiến về giới – từ gia đình/xã hội và trong chính phụ nữ, đã khiến hành trình khởi nghiệp của nữ giới Việt Nam vất vả hơn nam giới gấp nhiều lần. Vậy nên, theo các chuyên gia trong ngành, khi làm các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, việc đầu tiên là phải gỡ bỏ mặc cảm hoặc sự thiếu tự tin của họ; rồi mới đến đào tạo kỹ năng cũng như xây dựng hệ sinh thái.

Các diễn giả trong tọa đàm “Dỡ bỏ rào cản - Nâng cao vị thế của phụ nữ trong kinh doanh” do SVF tổ chức.
Các diễn giả trong tọa đàm “Dỡ bỏ rào cản - Nâng cao vị thế của phụ nữ trong kinh doanh” do SVF tổ chức.

NHỮNG RÀO CẢN KHIẾN PHỤ NỮ KHÔNG DÁM KHỞI NGHIỆP

Theo anh Lê Quang Bình – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE, đã là con người, thì sẽ có đặc điểm nam tính – nữ tính khác nhau. Tại Việt Nam và nhiều nước khác, nữ giới được gán cho những đặc tính như: giàu cảm xúc, tinh tế, dịu dàng…; còn nam giới là phải mạnh mẽ, quyết liệt, lý tính…

Kéo theo đó là những vai trò ngầm định, phụ nữ phù hợp với những công việc như chăm sóc người khác, hỗ trợ..; còn đàn ông thì phải xông pha, gánh vác...Và những định kiến này đã chia cắt xã hội ở nhiều khía cạnh.

Phân cách ở giáo dục: do mong đợi của xã hội từ phụ nữ và đàn ông khác nhau, nên định hướng giáo dục cũng khác nhau.

Phụ nữ thường được cha mẹ định hướng vào những ngành học có công việc với thời gian ổn định thuận lợi cho việc chăm sóc con cái như ngân hàng – giáo viên; còn đàn ông sẽ định hướng để học những ngành như công nghệ, toán học…Vậy nên, những trường đại học về sư phạm rất nhiều nữ giới còn những trường liên quan đến kỹ thuật – công nghệ lại có rất nhiều nam giới.

Phân cách ở tuyển dụng và nghề nghiệp: phân cách chiều ngang, có những nghề nghiệp rất nhiều nữ giới như may mặc – lắp đặt điện tử, có những nghề toàn nam như xây dựng, hàng không; phân cách chiều dọc, càng lên cao thì phụ nữ càng ít, như trong ngành may mặc – 60% đến 70% lao động là nữ nhưng ở cấp quản lý thì có tới 80% đến 90% là nam.

Định kiến giới nam mạnh - nữ yếu khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau! - Ảnh 1.

Anh Lê Quang Bình – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE

"Không chỉ là xã hội mà cả gia đình lẫn phụ nữ đều thường nghĩ rằng: làm sếp rất vất vả, không có ghời gian chăm sóc gia đình. Điều này đã ngăn cả phụ nữ tiến thân trên con đường sự nghiệp.

Hơn nữa, bản thân phụ nữ luôn đặt sự yên ấm của gia đình lên đầu tiên, ví dụ: 2 vợ chồng cùng đi làm, nhưng khi con ốm thì người vợ thường xin nghỉ đầu tiên chứ không phải là chồng. Hoặc trong việc đi ra nước ngoài để đào tạo tu nghiệp, phụ nữ sẽ đắn đo nhiều trong khi nam giới thường sẽ đồng ý ngay lập tức. Đây là rào cản của sự dấn thân.

Vậy nên, cả phụ nữ lẫn xã hội nếu không thấu hiểu căn nguyên thì sẽ không thể tham gia bình đẳng giới trong kinh doanh", Lê Quang Bình khẳng định.

Nhìn từ khía cạnh tâm lý, theo Tiến sỹ - Bác sỹ tâm lý Vũ Phi Vân, thì trong mỗi con người, đều có phần nữ tính và nam tính, tuy nhiên, vì định kiến xã hội, khiến mọi người bắt đầu phân cách như nữ tính sẽ chỉ có ở giới nữ và nam tính sẽ chỉ có ở giới nam. Khi một ai đó vượt quá định kiến ban đầu – ví dụ như phụ nữ đi kinh doanh, thì khó khăn sẽ ngập tràn!

Một con người phát triển đúng phải dung hòa 2 bên nữ tính cùng nam tính, tức là chúng cùng tồn tại. Chúng ta có thể bắt đầu phát triển từ 1 trong 2 phía trước, sau khi làm tốt được 1 phần thì sẽ bắt đầu phần còn lại.

Tuy nhiên, một người phụ nữ có 20 đến 30 năm xây dựng – phát triển phần nữ tính, rồi mới bắt đầu phần nam tính – mạnh mẽ như đi kinh doanh, sẽ khó hơn ngược lại. Một người đàn ông thành đạt, sau đó quay về nhà dành nhiều thời gian cho gia đình – vợ con vẫn dễ chấp nhận hơn.

"Một người phụ nữ, khi đã làm tốt 1 phần – gầy dựng một gia đình hạnh phúc, rồi mới khai phá bến mới của cuộc đời; việc cần thiết là ‘gói ghém’ phần đã làm được một cách trơn tru để bắt đầu chuyến phiêu lưu mới, song công cuộc này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa ai tìm ra được công thức đúng.

Bởi, khi chúng ta tưởng, chúng ta nuôi con lớn có thể tự lập tức gia đình chúng ta đã ổn rồi, mình có thể làm việc khác; thì phát hiện ra, con cái lớn sẽ có những nhu cầu khác nhau, không chỉ chuyện ăn uống ngủ nghỉ học tập. Vậy thì con lớn đến như thế nào thì chúng ta mới có thể yên tâm buông tay? Hay phải thật lâu thì chúng ta mới buông tay một cách an toàn", chị Vũ Phi Vân nêu vấn đề.

Định kiến giới nam mạnh - nữ yếu khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau! - Ảnh 2.

Các startup Quảng Ngãi đang tham gia một buổi đào tạo trong tháng 6/2022. Ảnh: FB Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Ngãi

Cụ thể hơn, Phan Thị Cẩm Vân – Phó Phòng Quản lý Công nghệ và chuyên ngành (Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi), kể chuyện địa phương: Tại Quảng Ngãi, phong trào khởi nghiệp trong nữ giới khá sôi nổi: hồ sơ dự thi các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh luôn có tỷ lệ nữ giới cao hơn nam giới, trong CLB khởi nghiệp của tỉnh các chị em từ 30 tuổi đến 40 tuổi chiếm 50%.

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh thành khác, ở Quảng Ngãi, một người phụ nữ khởi nghiệp cũng gặp khó khăn gấp 5 đến 7 lần nam giới.

"Đầu tiên là rào cản gia đình: người phụ nữ không có nhiều thời gian cho việc kinh doanh riêng của bản thân, vì phải chăm sóc chồng con.

Thứ hai, gia đình thường không ủng hộ phụ nữ khởi nghiệp, cho rằng khởi nghiệp là phải hy sinh thời gian và tiền bạc, nếu chưa thành công có khi lại trở thành ‘tội đồ’. Tức gia đình không hề xem trọng chuyện khởi nghiệp của phụ nữ. Đây là vấn đề mà nhiều phụ nữ khởi nghiệp ở Quảng Ngãi gặp phải.

Thứ ba, là rào cản sức khỏe: vì đặc điểm giới phụ nữ thường không đủ sức khỏe để theo đuổi chuyện khởi nghiệp do mất quá nhiều thời gian và công sức. Thứ tư, khi phụ nữ có dự án khởi nghiệp thành công, thường bị đánh giá là nhờ dựa dẫm hoặc nhờ vả ai đó – nhất là những founder có nhan sắc; tức xã hội không công nhận năng lực của phụ nữ", chị Cẩm Vân bày tỏ.

GỠ BỎ RÀO CẢN TÂM LÝ ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC KHỞI NGHIỆP LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Tiếp lời, chị Vũ Phi Vân phân tích: "Người ta thường bảo, được cái này thì mất cái kia, khởi nghiệp thành công sẽ phải trá giá bằng hạnh phúc gia đình. Nội chuyện này không đã dập tắt động lực khởi nghiệp của phụ nữ, bởi không ai muốn phải trả giá. Chưa nói, khởi nghiệp chưa chắc đã thành công hay có danh vọng; vậy tại sao lại chấp nhận rủi ro, trong khi không khởi nghiệp thì không sao hết? Một khi ngay cả trả giá cũng chưa chắc thành công thì tại sao phải làm?

Đây chính là rào cản bên trong, là bức tường vô hình trói buộc người phụ nữ, là ‘vòng kim cô’ vô hình khiến rất nhiều phụ nữ không dám khởi nghiệp hoặc không thể ‘sống chết’ với các dự án khởi nghiệp của mình. Ngay cả khi họ khởi đầu rất tốt, thì định kiến này vẫn lởn vởn trong đầu và khiến người phụ nữ ‘tự phá’ mình".

Định kiến giới nam mạnh - nữ yếu khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau! - Ảnh 3.

Tiến sỹ - Bác sỹ tâm lý Vũ Phi Vân (váy tím).

Vậy nên, theo quan điểm của vị tiến sỹ này, thì việc quan trọng đầu tiên khi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là phải ‘cởi trói’ cho họ, làm cho họ hiểu rằng, ‘định kiến nói trên không phải lúc nào cũng đúng nếu chúng ta biết cách sắp xếp – chia sẻ’.

Một vấn đề nữa, một phụ nữ kinh doanh sẽ không có nhiều thời gian chia sẻ với con cái; ví dụ như có một vài tin tức về chuyện trẻ con tự tử, sẽ khiến các mẹ sợ hãi không muốn làm gì hết. Vậy vấn đề là: khi người phụ nữ quá bận, ai sẽ là người đồng hành cùng con cái giúp họ?

Vậy nên, họ cần cộng đồng đồng hành cùng, nơi mà họ có thể học tập kinh nghiệm và noi theo những tấm gương đã thành công. Một cộng đồng gồm nhiều người cùng chí hướng, hoạt động hiệu quả sẽ giúp các nữ doanh nhân khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất và ai cũng hạnh phúc.

Còn quan điểm của Lê Quang Bình là: Chính định kiến và khuôn mẫu giới đã khiến nam giới lẫn nữ giới Việt Nam bị đóng khung trong một khuôn mẫu khác nhau, kiểu hiển nhiên phải thế; nên khi phụ nữ vượt qua khuôn mẫu thì sẽ bị phê phán.

Vậy nên, chúng ta phải khiến phụ nữ hiểu gốc rễ vấn đề và khiến họ nhận ra, nếu cảm thấy cái khuôn quá chật có thể nới rộng và không phù hợp thì có thể đập bỏ.

Tuy nhiên, muốn họ thành công vượt qua khuôn khổ từ định kiến xã hội, cần sự đồng hành – hỗ trợ bắt đầu từ tâm lý, để họ có thể tự tin giải quyết được những vấn đề lớn và có thể lãnh đạo một doanh nghiệp. Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bắt đầu từ cởi bỏ rào cản tâm lý đang là xu hướng chung của thế giới.

Việc xây dựng năng lực là cần thiết, bởi vì định kiến giới khiến phụ nữ không học và không mong đợi sẽ đi học những kỹ năng cần thiết cho kinh doanh. Đây có thể xem như sự bù đắp!

Cuối cùng, thực tế cho thấy: phụ nữ nếu không thấy ai đồng hành cùng mình hoặc đi cùng mình sẽ rất khó để thành công; bởi họ cần không gian để an tâm – kết nối. Có một nền tảng xã hội hỗ trợ là rất quan trọng với phụ nữ.

Định kiến giới nam mạnh - nữ yếu khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau! - Ảnh 4.

Phần mình, chị Nguyễn Thị Thu – Founder Hệ sinh thái Nông nghiệp Bền vững MEVI, Trưởng làng Nông nghiệp Techfest quốc gia 2022, cho biết: Chính bản thân phụ nữ cũng có rất nhiều mặc cảm, thiếu tự tin – nhất là những phụ nữ ở vùng núi phía Bắc, bởi họ gặp khó khăn ở cả vị trí địa lý, ngôn ngữ và khác biệt văn hóa.

Mặc dù dạo gần đây, đã có những tổ chức phi Chính phủ cũng như các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quan tâm, song phụ nữ ở những miền núi xa xôi – nơi không có internet và cả sóng điện thoại, khiến họ thiếu thông tin và mất đi cơ hội kinh doanh.

"Cách thức tiếp cận đúng khi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: kêu gọi doanh nhân nữ có thành tựu nhất định truyền cảm hứng, hoạt động học tập – tham quan các mô hình khởi nghiệp thành công trong thực tế. Liên kết với lãnh đạo địa phương, các chuyên gia và các kênh phân phối lớn ở địa phương, để giúp biến ý tưởng thành sản phẩm sờ mó và bán ra thị trường được.

Thực tế cho thấy, ở các khu vực vùng sâu – vùng xa, nếu có mentor, chị em phụ nữ sẽ phát triển rất nhanh. Ví dụ như trường hợp chị Cao Thị Tâm người dân tộc Thái ở Hợp tác xã 269 (huyện Vân Hồ - Sơn La). Do khu vực của chị ở không có sóng điện thoại lẫn internet, nên buộc mentor phải ‘trèo đèo lối suối’ vào bản và ‘ăn dầm nằm dề’ cùng chị và người dân để cố vấn. Nhờ thế, từ một dự án kinh doanh tưởng sắp chết đã hồi sinh, hiện tại HTX đang mang lại công ăn việc làm cho 80 chị em phụ nữ", chị Nguyễn Thị Thu đề nghị.

Theo đóng góp của các chuyên gia, chương trình hành động của CO4GROWTH năm thứ 2 với slogan "Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai" – một sáng kiến được khởi xướng bởi Startup Vietnam Foundation (SVF), được hỗ trợ bởi Standard Chartered Foundation và Youth Business Inernational, có 3 phần rõ ràng: phát triển động lực, năng lực cho từng nữ doanh nhân và xây dựng hệ sinh thái.

Định kiến giới nam mạnh - nữ yếu khiến nhiều phụ nữ Việt không dám khởi nghiệp, chuyên gia chỉ cách: Cần tự tin trước, rèn kỹ nghệ sau! - Ảnh 5.

Mục tiêu của chương trình là làm sao để các doanh nhân nữ thấy ý nghĩa của việc mình làm và lan tỏa cảm hứng cho xã hội, giúp nhiều người hơn nữa; biết lý do vì sao mình nên làm cái này?

"Theo quan sát của chúng tôi: phụ nữ thường không có động lực làm việc lớn và không tự tin là mình sẽ làm được cái này cái kia bởi định kiến – rào cản mà xã hội đặt ra cho họ.

Vậy nên, ở mùa 2, thay vì tiến thẳng vào việc huấn luyện – nâng cao kỹ năng cho phụ nữ, chúng tôi đã đặt hàng để chị Phi Vân thiết kế một chương trình giúp phụ nữ gỡ bỏ rào cản - định kiến hoặc nói nôm na là giúp nữ doanh nhân phát triển song song thân – tâm – trí.

Phụ nữ một khi có sức khỏe tâm thần hay tinh thần mạnh mẽ thì cũng sẽ có một cơ thể khỏe mạnh; đây là những thứ rất đáng để đầu tư. Động lực khởi nghiệp cũng sẽ đến từ đây!

Tiếp theo, chúng tôi mới có các khóa dạy kỹ năng nhằm đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất mà ở mảng kinh doanh nào cũng cần, rồi mới đến mentor 1-1 để giúp các doanh nhân nữ giải quyết những vấn đề cụ thể của mô hình kinh doanh của bản thân.

Sau khi có động lực – hiểu được ý nghĩa việc mình làm, nâng cao được kỹ năng và có mentor bên cạnh; doanh nghiệp sẽ sản xuất ra được sản phẩm. Tuy nhiên, nếu có sản phẩm mà không bán được, thì dự án sẽ nhanh chết yểu. Vì vậy, phụ nữ cần thêm cộng đồng kinh doanh để hỗ trợ các mặt như xây dựng tiêu chuẩn chất lượng – phản hồi của thị trường, số hóa việc kinh doanh.

Phụ nữ cần nhất là sự đồng tình – khuyến khích. Sau khi có động lực – năng lực, họ cần thêm một hệ sinh thái gồm các doanh nhân nữ đi trước đã có thành tựu nhất định hỗ trợ", chị Lê Hồng Minh - Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, miêu tả.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM