Bài học xương máu sau 5 năm hoạt động của Quỹ khởi nghiệp SVF: Giúp startup thương mại hóa sản phẩm nhiều khi là đang “giết” họ!

10/02/2020 08:15 AM | Kinh doanh

Theo chia sẻ từ các đại diện của SVF, có những hành động mà khi thực hiện họ nghĩ nó sẽ rất tốt cho các startup, ví dụ như hỗ trợ các startup bán hàng hay kêu gọi đầu tư…; nhưng khi thực hiện rồi, kết quả mà startup thu về không hề tốt, thậm chí có trường hợp còn ngược lại.

Mới đây, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã làm một buổi hội thảo nho nhỏ để tổng kết 5 năm hoạt động của họ.

Trong 5 năm qua, SVF – thông qua sự hợp tác ươm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp với các tỉnh thành khắp Việt Nam, đã rút ra rất nhiều bài học xương máu. Nói như ông Phạm Duy Hiếu – Phó Chủ tịch SVF, nếu ‘họ không xắn quần lên lội xuống bùn với các tỉnh thành’, hẳn họ đã không thể biết được những kinh nghiệm quý giá đó, để có thể hệ thống lại nhằm hỗ trợ cho những người đến sau nhanh hơn.

"Trong 5 năm qua, có những việc mà chúng tôi đã nghĩ mình nhất định phải làm, nhưng sau khi áp dụng thì mới biết mình sai", ông Phạm Duy Hiếu mở đầu chia sẻ của mình.

Bài học số 1: giúp startup thương mại hóa sản phẩm nhiều khi là ‘giết’ họ

Ví dụ: để giúp các startup nhanh chóng scale up (mở rộng - phát triển) và có những thành quả nhất định, SVF luôn nghĩ nhiệm vụ của mình là phải giúp họ bán càng nhiều sản phẩm càng tốt, phải hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm, tốt hơn nữa là đưa chúng lên các quầy kệ trong siêu thị, cửa hàng. Nhất định phải gắn sản phẩm với thị trường!

Nhưng sự thật là: các sản phẩm của các startup thường chưa hoàn thiện, mà muốn bán được một sản phẩm chưa hoàn thiện cần những người bán hàng giỏi gấp nhiều lần người bán các sản phẩm đã hoàn thiện. Tiêu chuẩn quan trọng của một người bán hàng xuất sắc là phải rất yêu sản phẩm của mình và tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng của chúng. Hậu quả: nhiều startup đã bán sản phẩm chưa hoàn thiện của bản thân giống như các sản phẩm đã hoàn thiện, điều này khiến nhiều khách hàng cho rằng họ đã bị các startup lừa đảo.

Thế nên, người bán các sản phẩm của các startup cần thỏa mãn 2 điều sau: vừa xuất sắc nhưng vừa phải thành thật, nếu sản phẩm mới đến giai đoạn anpha hay beta thì phải bán đúng với giá trị của sản phẩm khi đến giai đoạn đó…

Ngoài ra, có không ít trường hợp, startup bỏ dở luôn sự nghiệp của mình sau khi khi đưa các sản phẩm - nhất là startup đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, lên bán ở các quầy kệ. Nguyên nhân: khi đưa các sản phẩm đổi mới sáng tạo lên quầy kệ chung, khách hàng sẽ nhặt bừa và nó sẽ bị lẫn với những sản phẩm không đổi mới sáng tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc, các startup bị mất đi lợi thế cạnh tranh duy nhất mà họ có: đổi mới sáng tạo.

Bài học thứ 2: các nhà đầu tư trong nước ít có tư duy đầu tư mạo hiểm

Những bài học xương máu sau 5 năm hoạt động của SVF: Giúp startup thương mại hóa sản phẩm nhiều khi đang ‘giết’ họ, các nhà đầu tư trong nước ít có tư duy đầu tư mạo hiểm và việc huy động vốn cộng đồng ở địa phương khả thi - Ảnh 1.
Ông Phạm Duy Hiếu – Phó Chủ tịch SVF

"Đầu tư mạo hiểm không phải là đầu tư vào sản phẩm hoàn thiện mà đầu tư vào sự tiến bộ từng ngày của các startup. Khả năng tiến bộ mỗi ngày thể hiện qua việc biết lắng nghe, biết cải tiến, biết học hỏi của các founder. Tập đoàn Samsung có xuất phát điểm là một doanh nghiệp bán cá, giờ họ đang trở thành một tập đoàn về điện tử - công nghệ số 1 thế giới. Các nhà đầu tư mạo hiểm không đầu tư vào những gì cố định.

Hiện tại, chúng tôi đang phải cố gắng điều hướng các nhà đầu tư trong nước để họ có tư duy về đầu tư mạo hiểm, cách nhìn nhận giá trị của một startup như thế nào là tương đối chính xác khi họ muốn đầu tư. Các nhà đầu tư trong nước đang đặt kỳ vọng quá cao vào các startup mỗi khi quyết định xuống tiền. Thế nên, mới có chuyện, có nhà đầu tư đề nghị với các startup kiểu "sau khi anh đầu tư, nếu trong 5 năm, em không thành công thì phải về làm thuê cho anh". Đó không phải là đầu tư mạo hiểm!", ông Phạm Duy Hiếu tiếp tục bình luận.

Bài học thứ 3: việc huy động vốn cộng đồng ở địa phương khả thi

Trước đây, để huy động khoảng 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng từ các tổ chức cơ quan Nhà nước để phục vụ việc phát triển khởi nghiệp là rất khó khăn. Giới khởi nghiệp Việt Nam rất bị giới hạn về nguồn lực. Bây giờ, với những quy định mới của Nhà nước, mọi chuyện đã dễ thở hơn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi muốn gọi vốn trên 1 triệu USD, các startup Việt Nam vẫn phải ra nước ngoài, vì rất ít nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư trong nước có thể đáp ứng được con số đó.

Có trường hợp, startup đã ra nước ngoài – ví dụ như Singapore, rồi lập doanh nghiệp để gọi vốn dễ hơn, khiến Việt Nam chảy máu chất xám. Trường hợp nữa, có startup đã gọi vốn thành công và mang về nước, nhưng sau khi soát xét lại thì doanh nghiệp đó chưa đủ tầm vóc mà nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hay hệ sinh thái trong nước chưa đủ khả năng đón nhận nguồn lực đó. "Thật ra, nguồn lực cho các startup Việt là không thiếu, vấn đề là chúng ta cần phải nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như trau dồi nội lực của các startup hơn nữa", Phó Chủ tịch SVF đề nghị.

Ngoài hỗ trợ các startup gọi vốn từ các quỹ, các địa phương có thể cân nhắc thêm việc gọi vốn từ cộng đồng – crowdfunding. Ở một thành phố có khoảng 5 triệu dân, chỉ cần một người góp khoảng từ 500 ngàn đồng đến 500 triệu đồng, thì chúng ta sẽ có một quỹ khoảng vài triệu USD. SVF đã thử nghiệm hoạt động này ở Huế - Đắc Lắc và cho ra kết quả rất khả quan. Ở Huế, khả năng sẵn sàng quyên góp vốn của người dân và doanh nhân khoảng 20 tỷ đồng, còn tại Đắc Lắc đã quyên góp được 1,8 tỷ đồng.

Bài học 4: sự lớn mạnh của hệ sinh thái ở các địa phương phụ thuộc vào lòng nhiệt tình của các lãnh đạo tỉnh/thành, chứ không phụ thuộc vào CPI hoặc FDI

Những bài học xương máu sau 5 năm hoạt động của SVF: Giúp startup thương mại hóa sản phẩm nhiều khi đang ‘giết’ họ, các nhà đầu tư trong nước ít có tư duy đầu tư mạo hiểm và việc huy động vốn cộng đồng ở địa phương khả thi - Ảnh 2.
Bà Lê Hồng Minh – Thành viên Hội đồng Quản lý SVF

"Thái độ và năng lực của các cán bộ cơ quan quản lý địa phương đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng hệ sinh thái. Tức là, trong các quan chức ở các tỉnh/thành phải có người nhiệt tình với việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hay nói nôm na là phải có người ‘phất cờ khởi nghĩa’ thì hệ sinh thái khởi nghiệp ở tỉnh mới hình thành và phát triển bền vững.

Muốn có các startup thành công phải phát triển được năng lực của các nhà lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo phải có tư duy và tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp thì mới có thể tiến hành xây dựng hệ sinh thái. Nói mà không làm thì không có bất cứ kết quả gì.

Thế mạnh của địa phương là chất dẫn tăng tốc bùng nổ. Lợi thế cạnh tranh của từng địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tài nguyên, khí hậu, con người, văn hóa…", bà Lê Hồng Minh – Thành viên Hội đồng Quản lý SVF, tổng kết.

Đó là nguyên do, dù SVF đã đi qua 27-28 tỉnh thành, nhưng cuối cùng họ chỉ ký kết hợp tác chiến lược với 7 tỉnh thành là Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Đắc Lắc, Quảng Ngãi và Kontum; vì đây là những địa phương có lãnh đạo tâm huyết với chuyện khởi nghiệp hơn các địa phương khác. Ngoài ra, những tỉnh/thành khác nhau có những ưu tiên khác nhau, tỉnh này muốn tập trung xuất khẩu, thành phố nọ chỉ muốn thu hút FDI...

Sau 5 năm miệt mài rút ra các bài học, theo SVF, nhiệm vụ chính trong 5 năm tới của họ là đưa các bài học đó vào thực thi.

"Trên thế giới, có 2 câu hỏi quan trọng là ‘tại sao – why’ và ‘như thế nào – how’, dù câu hỏi đầu tiên rất quan trọng - chiếm 70%, nhưng nhiều người trả lời được; còn câu hỏi thứ hai chỉ chiếm 30% tầm quan trọng, nhưng ít người trả lời được. Để trả lời cho câu hỏi how, con người ta có khi phải dùng cả cuộc đời.

Cũng như mọi người, SVF cũng đã trả lời được câu hỏi “why”, còn “how” thì chúng tôi đã tích luỹ được một ít qua những bài học nhận được trong vòng 5 năm qua. Mặc dù, biết rằng để trả lời câu hỏi how là rất khó, nhưng chúng tôi nghĩ mình nhất định phải làm, tiếp tục vòng lặp ‘thử - sai – thử’, đến lúc tìm được câu trả lời đúng mới ngừng", ông Phạm Duy Hiếu cho biết.

Theo ông, sở dĩ đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo chơi rất hay là bởi ông cùng các học trò luôn rút ra bài học sau mỗi trận đấu. Qua mỗi trận đấu, thầy trò ông Park Hang Seo đều ngồi tổng kết những đều tốt và chưa tốt của từng cầu thủ, nên sự tiến bộ của các đội tuyển Việt Nam là từng ngày thông qua những bài học từ các sai lầm.

Nếu chúng ta không thay đổi, không làm mới bản thân thì chúng ta sẽ tiếp tục nhận sai lầm hoặc thành công như cũ. Cả startup lẫn các quỹ khởi nghiệp như SVF đều nên có tinh thần khác đi mỗi ngày như thế!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM