Điều kỳ diệu nào khiến cô gái với mức lương 16 triệu để dành được 8 triệu/tháng lại còn đặt mục tiêu mua đất, mua nhà trước 30?
Dù còn trẻ tuổi nhưng cô bạn đã rất nghiêm túc theo đuổi các mục tiêu lớn như mua nhà, mua xe.
Lương 16 triệu nhưng tiết kiệm được 8 triệu: Bí quyết là gì?
Phương Linh (SN 2002) đang làm chuyên viên khách hàng cá nhân tại một ngân hàng ở TP.HCM. Hàng tháng, cô bạn có mức lương 16 triệu đồng từ công việc văn phòng, đồng thời nhận thêm 1-2 triệu đồng từ công việc tay trái là admin fanpage và editor.
Với mức lương 16 triệu đồng/tháng, Phương Linh có thể tiết kiệm 50% lương - một con số đáng nể so với mức chi tiêu của nhiều người trẻ. Cụ thể, lương tháng 16 triệu đồng được Linh phân bổ như sau:
- Tiền tiết kiệm: 8 triệu đồng.
- Tiền ăn uống: 4,5 triệu đồng.
Vì không giỏi nấu nướng nên Linh thường ăn ngoài, chi phí cho một bữa ăn dao động từ 30 ngàn - 40 ngàn đồng/bữa. Bên cạnh đó, cô bạn cũng thỉnh thoảng dành tiền mua trà sữa và ra quán cafe để làm việc.
- Tiền mua quần áo, mỹ phẩm và mặt hàng tiêu dùng (nước giặt, nước xả, dầu gội…): 1 triệu đồng.
Linh còn gọi đây là khoản chi tiêu săn sale, bởi cô thường mua hàng hoá vào các dịp sale của sàn thương mại điện tử, giữa tháng hoặc cuối tháng nên sẽ được mức giá rẻ và có thêm nhiều quà tặng.
Trong khoản chi tiêu này, Linh dành khoảng 30% để mua quần áo, 30% dành cho mỹ phẩm và 40% dành cho hàng tiêu dùng. Do sử dụng tiết kiệm nên khoảng 2-3 tháng, cô mới cần thay mới mỹ phẩm, quần áo hay mặt hàng tiêu dùng.
Nhiều người sẽ thấy bất ngờ với số tiền “ít ỏi" mà Linh dành cho mỹ phẩm. Tuy nhiên, cô bạn cảm thấy hài lòng với khoản chi này. “Mình chỉ có khoảng dưới 5 cây son, thêm vào đó là eyeliner, cushion. Skincare routine của mình cũng khá đơn giản và các sản phẩm nằm ở mức tài chính học sinh - sinh viên. Hiện tại, mình sử dụng mỹ phẩm vẫn thấy khá ổn nên chưa có kế hoạch thay đổi hay tìm những sản phẩm khác thay thế”.
- Tiền dự phòng: 1 triệu đồng.
Đây là khoản tiền cô dành cho việc sửa xe, tham gia tiệc tùng, mua quà tặng sinh nhật. Với tính chất công việc của mình, Linh được nhận phụ cấp 500 ngàn đồng tiền điện thoại và 1 triệu đồng tiền di chuyển. Do đó, khoản tiền xăng xe và phí điện thoại không quá tốn kém.
- Chi phí thuê trọ (đã bao gồm tiền điện, nước và các phí dịch vụ khác): 1,5 triệu đồng.
Hiện Linh đang thuê căn phòng có gác xép (giá thuê 4 triệu đồng/2 người), diện tích 8m2 cùng với một người bạn. Cô bạn chọn thuê phòng có đầy đủ nội thất cơ bản như ghế, tủ quần áo, tủ lạnh và nệm ngủ được đặt trên gác xép.
Phương Linh cho biết thêm, trước kia nếu thời sinh viên, cô sẽ thấy khó khăn nếu ép bản thân phải tiết kiệm 50% thu nhập hàng tháng. Giống như bao bạn sinh viên khác, khi đi học cô chưa gặp áp lực tài chính hay suy nghĩ nhiều về chuyện tích tiền cho tương lai. Tuy nhiên, một sự kiện diễn ra đã thay đổi quan điểm về tiền nong của Phương Linh.
“Đó là vào đợt dịch Covid-19 thứ hai, tức nửa cuối năm 2021. Khi ấy, mình đang là một sinh viên vừa bước sang năm hai. Mình đã chứng kiến mọi áp lực tài chính trong gia đình (bao gồm khoản lãi vay ngân hàng để sửa chữa nhà và những khoản chi tiêu phục vụ đời sống khác). Mình nhận ra, nếu không nhờ những khoản tiết kiệm trước đó của ba mẹ, cộng thêm khoản thu nhập nhờ vào việc bán đồ ăn, thức uống và bánh ngọt của mẹ trong mùa dịch, sẽ thật khó để gia đình mình có thể trang trải vào giai đoạn ấy.
Mùa dịch năm ấy cũng đã buộc mẹ mình phải đóng cửa tiệm bánh và chuyển sang hình thức bán online. Đây vẫn luôn là nỗi buồn của mình trong suốt 3 năm qua”, Phương Linh nhớ lại.
Còn đến thời điểm hiện tại, Phương Linh cảm thấy thoải mái với mức chi tiêu hiện tại. “Vì ngưỡng tiết kiệm phù hợp với bản thân nên mình không bị gò bó hay phải chi tiêu một cách tằn tiện. Bên cạnh đó, mình cũng thấy rất vui khi chứng kiến khoản tích luỹ càng đầy thêm”, cô bạn chia sẻ.
Nói về bí quyết quản lý tài chính của mình, Phương Linh cho hay: “Mình hay chờ vào những đợt sale lớn, coi phiên livestream độc quyền để có deal tốt. Tuy nhiên, mình cũng tạo cho bản thân thói quen chỉ vào các sàn thương mại điện tử vào đợt sale và mua những thứ cần thiết. Bên cạnh đó, hiện nay có một số dòng thẻ ghi nợ quốc tế có chính sách hoàn tiền thì mình thường thanh toán bằng thẻ và tiết kiệm được thêm 5-10% giá trị đơn hàng.”
26 tuổi mua đất, trước 30 tuổi mua nhà
Hiện nay, với mức lương 16 triệu đồng thì dù đã muốn mua nhà, mua xe nhưng cô cho rằng đó là mục tiêu còn xa vời. Do đó, “KPI" tài chính gần nhất của Phương Linh là những thứ dễ thực hiện hơn, gồm 1-2 năm tới sẽ mua đồ gia dụng thông minh (robot hút bụi, máy lọc không khí, máy rửa chén,…) cho ba; góp vốn cho tiệm bánh và tiệm nguyên liệu, mua phụ kiện làm bánh cho tiệm của mẹ; chuẩn bị tiền tiết kiệm để học bằng MBA.
Với dòng tiền nhàn rỗi hàng tháng, cô bạn đang chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng. Trước đó, Phương Linh từng đầu tư chứng khoán và có khoản tích luỹ nhất định. Tuy nhiên, từ khi thị trường biến động vào cuối năm 2022, cô bạn quyết định rút lui chứ chưa dám “mạo hiểm" quay lại.
“Hiện mình hài lòng vì đã xây dựng cho bản thân cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, mình mong muốn khoản tiết kiệm kia sẽ sinh lời nhiều hơn. Sau khi đã tích lũy đủ kiến thức, mình mong muốn đầu tư đa dạng để có thêm nguồn thu nhập, gia tăng kinh nghiệm và trải nghiệm”.
Đáng nói, dù còn khá trẻ nhưng cô đã nghiên cứu chuyện mua nhà. Dù một căn nhà riêng là tài sản lớn tuy nhiên, cô nghĩ bản thân vẫn có thể phấn đấu để trả góp chúng. Bởi thông qua trải nghiệm làm việc tại ngân hàng, cô nhận ra giờ đây có những khoản vay mua nhà hợp lý, cũng như chuyện vay nợ ngân hàng không quá tạo áp lực, nếu bạn biết chuẩn bị tài chính từ trước. Bên cạnh đó, cô còn thường tìm hiểu các dự án chung cư và phân tích về chúng.
“Sau 1-2 năm hiện thức hóa ấp ủ của ba mẹ, mình sẽ tiếp tục phấn đấu với mục tiêu tiếp theo, đó là có tài sản đứng tên mình. Hy vọng trước tuổi 26, mình có thể mua một mảnh đất tại quê nhà Bà Rịa - Vũng Tàu. Và trước năm 30 tuổi, mình sẽ sở hữu một căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh (đồng thời sở hữu một khoản vay tại ngân hàng)” , Phương Linh chia sẻ.
Ảnh: NVCC