Điều gì sẽ xảy ra sau chiến dịch tẩy chay quảng cáo Facebook?

29/06/2020 14:32 PM | Kinh doanh

Tuần trước, hàng loạt công ty ra mặt ủng hộ chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook #StopHateForProfit. Chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Facebook có 8 triệu nhà quảng cáo. Nếu muốn mạng xã hội này bị tác động, cần phải có hiệu ứng đám đông cực lớn.

Facebook báo hiệu họ có ý định "chơi" theo luật của mình. Trong biên bản 1.600 chữ gửi các nhà quảng cáo mà CNBC được xem, Phó Chủ tịch phụ trách Giải pháp kinh doanh toàn cầu Carolyn Everson viết: "Tôi thực sự hi vọng các ngài biết chúng tôi không thay đổi chính sách vì áp lực doanh thu. Chúng tôi đặt ra chính sách dựa trên các nguyên tắc thay vì lợi ích kinh doanh". Bà khẳng định tẩy chay nhìn chung không phải con đường để phát triển cùng nhau.

Tuần trước, sau khi Sleeping Giants - liên minh các tổ chức vận động - kêu gọi các nhà quảng cáo ngừng chi tiền trên Facebook vào tháng 7, hơn 100 công ty – trong đó có Verizon, Coca-Cola, Starbucks, The North Face – đã tham gia. Các tổ chức này muốn Facebook siết chặt chính sách phát ngôn thù địch, giải quyết nạn tin giả.

Năm 2019, Facebook mang về 69,7 tỷ USD doanh thu quảng cáo toàn cầu nhờ vào hàng triệu nhà quảng cáo. Dù một số chi đậm hơn nhiều người khác, cần phải có một nhóm lớn cùng rút khỏi Facebook mới có thể đánh vào tài chính. Song, tài chính không phải mục đích cuối cùng của liên minh Sleeping Giants.

Trong buổi phát trực tiếp trên Facebook, CEO Mark Zuckerberg thông báo công ty sẽ thay đổi chính sách để cấm phát ngôn thù địch trong quảng cáo. Người đứng đầu Facebook không trực tiếp nhắc đến chiến dịch tẩy chay. Rashad Robinson, Chủ tịch Color for Change – một nhóm trong liên minh, không đánh giá cao cách giải quyết của Zuckerberg. Trên Twitter, ông viết: "Nếu đây là phản hồi mà anh ta gửi đến các nhà quảng cáo lớn đang rút hàng triệu USD từ công ty, chúng ta không thể tin năng lực lãnh đạo của anh ta".

Tiếp theo là gì?

Trong ghi chú của Bank of America, các chuyên gia nhận xét Verizon có tiềm năng tạo ảnh hưởng đối với các nhà quảng cáo khác. Tác động của tẩy chay có thể không cao vì Facebook có nhiều nhà quảng cáo. Song nếu các nhân vật quan trọng trong các lĩnh vực lớn tham gia, hiệu ứng quả cầu tuyết hay hiệu ứng đám đông trong ngắn hạn sẽ xuất hiện. Điều đó dường như cũng đúng với Unilever.

Các chuyên gia của Bank of America dự đoán sẽ có quy định nghiêm khắc hơn về phát ngôn thù địch và có thể vài chính sách mới về xác thực nội dung. Trong khi đó, sau khi Unilever tuyên bố hành động của mình, các nhà phân tích của Bernstein nhận xét chiến dịch tẩy chay lần này khác với chiến dịch #deletefacebook năm 2018 sau bê bối Cambridge Analytica.

"Hoàn cảnh hiện tại rất khác. Ai tham gia và ai không tham gia chiến dịch tẩy chay rất rõ ràng, các nhãn hàng im lặng bị xem là đồng lõa", chuyên gia của Bank of America nhận định.

Giới phân tích tin rằng các nhãn hàng khác cũng sẽ tẩy chay Facebook, Twitter và sẽ mở rộng hơn trong tháng 7 tới. Google cũng có thể bị liên đới. Coca-Cola thông báo tạm dừng quảng cáo trên tất cả mạng xã hội trên toàn cầu.

"Sẽ có nhiều thương hiệu làm theo và nếu không có gì thay đổi, sẽ không dễ dàng để một thương hiệu đã tẩy chay lại quay lại quảng cáo ngay vào tháng 8. Điều ấy sẽ rất thiếu tôn trọng đối với liên minh Sleeping Giants. Tuy nhiên, vẫn có hàng dài các nhà quảng cáo vui mừng lấp chỗ trống quảng cáo khi có sẵn".

Ngoài ra, sự xáo trộn lại trở thành cơ hội cho người chơi khác. Một phần ngân sách lẽ ra chi cho Facebook sẽ xuất hiện trên Snapchat, Pinterest, Amazon… giới phân tích nhận định.

Zuckerberg vẫn kiên định với lập trường mà CEO này cho là đúng. Song, nếu có đủ số lượng nhãn hàng tham gia tẩy chay, có thể người đứng đầu Facebook sẽ phải đặt lại câu hỏi về lập trường này. Ngược lại, nếu nhà quảng cáo bắt đầu không đạt mục tiêu doanh thu, họ sẽ cảm thấy cần phải trở lại Facebook.

Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM