Trở thành chủ thương hiệu đồ thể thao vì 'ghét của nào, trời trao của ấy'

29/06/2020 14:01 PM | Kinh doanh

Remi sáng lập Café du Cycliste, một trong những công ty chuyên sản xuất trang phục đạp xe có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành, khi ở tuổi 33.

Khi Remi Clemont còn ở "tuổi teen", anh cảm thấy đôi chút xấu hổ khi cha có sở thích là đạp xe đường trường. Nhắc tới môn thể thao này, Remi miêu tả đó là đạp xe loanh quanh trên những chiếc xe đạp bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trong giải đua xe đạp kinh điển Tour de France, với ghi-đông quay ngược xuống và những chiếc lốp xe mỏng.

Dù Remi được sinh ra và lớn lên tại vùng Alsace, miền đông nước Pháp, và đạp xe đường trường là một trong những môn thể thao phổ biến nhất tại quốc gia này, bản thân anh không hề cảm thấy hứng thú.

“Các bạn của tôi và tôi, tất cả lũ trẻ, lúc đó (vào những năm 1990) đều thích môn xe đạp leo núi hơn là xe đạp đường trường”, doanh nhân 44 tuổi này chia sẻ. “Đạp xe đường trường thực sự rất nhàm chán. Tôi cảm thấy có đôi chút xấu hổ khi nói với bạn bè rằng cha tôi rất thích môn thể thao đó”.

Trở thành chủ thương hiệu đồ thể thao vì ghét của nào, trời trao của ấy - Ảnh 1.

Remi Clemont thích đạp xe nhưng không phải đạp xe đường trường. Ảnh: Remi Clemont.

Thế nhưng cậu bé tuổi teen ngày nào không thể ngờ được rằng trong những năm tháng sau đó, anh lại theo đuổi đam mê chế tạo ra những sản phẩm thời trang phục vụ cho môn đua xe đạp. Khi bước sang tuổi 33, anh sáng lập nên Café du Cycliste, một trong những công ty chuyên sản xuất trang phục đạp xe có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành.

Thành lập vào năm 2009 tại thành phố Nice, Café du Cycliste cho biết doanh thu hàng năm của họ  khoảng 4 triệu euro (tương đương 4,5 triệu USD) từ các dòng sản phẩm áo thi đấu, quần ngắn và nhiều loại trang phục phục vụ cho môn đua xe đạp khác, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 50%.

“Bạn hoàn toàn có thể nói tôi đã thay đổi”, Remi đùa.

Tuy nhiên, trước khi đến với bộ môn xe đạp, Remi rất ưa thích môn thể thao chèo thuyền kayak. Remi học chèo thuyền kayak từ khi 9 tuổi và từng góp mặt trong đội tuyển chèo thuyền kayak quốc gia trong vòng 6 năm.

“Môn thi ưa thích của tôi là chèo thuyền vượt thác”, anh cho biết. “Nhưng đáng buồn thay, đó lại không phải là một môn thi đấu Olympic, do đó tôi đã gác lại đam mê này của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy thật tự hào khi đại diện cho nước Pháp thi đấu tại một số giải thể thao quốc tế”.

“Lý do mà tôi chuyển sang môn xe đạp? Vì tôi không thể chèo thuyền kayak vào mùa đông khi thời tiết vô cùng giá lạnh. Tôi chọn đạp xe để duy trì sức khỏe”.

Sau đó, khi giải nghệ môn thể thao dưới nước này vào năm 28 tuổi, anh vẫn tiếp tục theo đuổi tập luyện đạp xe.

Trở thành chủ thương hiệu đồ thể thao vì ghét của nào, trời trao của ấy - Ảnh 2.

Remi (trái) là thành viên đội tuyển kayak Pháp trong 6 năm. Ảnh: Remi Clemont.

Không nhận được bất cứ khoản thù lao nào khi tham gia môn chèo thuyền kayak, Remi đã phải kiếm công việc toàn thời gian vào những năm 20 tuổi. Sau khi nhận được bằng cử nhân kinh tế tại trường École Supérieure de Commerce de Paris, anh làm việc trong lĩnh vực tổ chức các sự kiện thể thao. Anh có cơ hội làm việc tại Olympic mùa đông năm 2006 ở thành phố Turin, Italia.

Một năm sau, anh xin vào làm tại bộ phận marketing trong một công ty công nghệ thông tin của Mỹ.

“Tôi không phù hợp với vai trò này vì tôi không biết gì về công nghệ thông tin”, Remi cho biết. “Nhưng nó có những sức hút khác: nơi làm việc là tại thành phố Nice, được coi là thiên đường của môn đạp xe. Những ngọn đồi nằm phía sau thành phố thực sự tuyệt vời”.

Remi dành các buổi cuối tuần để đạp xe với một người đồng nghiệp có tên Andre Stewart. Sau đó Andre từ bỏ thói quen này để mua và điều hành một cửa hàng café tại một ngôi làng nhỏ nằm về phía tây bắc thành phố Nice có tên Café du Cycliste.

Hai năm sau, vào năm 2009, Remi rời công ty công nghệ thông tin để cùng bạn điều hành quán café. Kế hoạch của anh là thiết kế và cho ra đời các sản phẩm thời trang cao cấp phục vụ cho môn đạp xe, thứ họ có thể bán cho những người đạp xe ghé qua quán.

Đặc biệt hơn, Remi mong muốn có thể sản xuất ra những bộ đồ đạp xe mà theo anh nói, bạn sẽ không thể tìm thấy tại nước Pháp tại thời điểm đó.

Trở thành chủ thương hiệu đồ thể thao vì ghét của nào, trời trao của ấy - Ảnh 3.

Remi coi Nice là "thiên đường đạp xe" tại Pháp. Ảnh: Remi Clemont.

“Sản phẩm duy nhất mà bạn có thể mua được tại Pháp lúc bây giờ là những bộ quần áo đua với những chiếc logo và tên nhà tài trợ được in cỡ lớn trên đó, khiến bạn như đang tham gia vào giải đấu Tour de France vậy”, anh nói. “Tôi muốn mang đến một điều gì đó hoàn toàn khác biệt”.

“Tôi học hỏi mọi thứ có thể”, anh cho biết. "Tôi có một vài người bạn ở Paris đang làm việc trong lĩnh vực thời trang, do đó, tôi đã tìm đến và học được một số bí quyết hữu ích cũng như một vài kiến thức từ họ”.

“Và tôi bắt đầu đi đến các hội chợ thương mại, liên hệ với rất nhiều các nhà máy tại Italia”.

“Vài tháng sau, một công ty tại Italia đã đồng ý sản xuất mẫu thiết kế đồng phục đạp xe đầu tiên của Remi và nhánh kinh doanh thời trang của Café du Cycliste bắt đầu từ đó".

Tuy nhiên, doanh số từ cửa hàng khá thấp, Remi đã phải lập một website để có thể nhắm tới các khách hàng chuyên mua sắm trực tuyến, đặc biệt là khách hàng nước ngoài. Với nguồn kinh phí quảng cáo hết sức hạn hẹp, anh phải gửi hàng loạt các sản phẩm mẫu tới các nhà báo chuyên viết mảng xe đạp đến từ một loạt các quốc gia khác nhau.

Họ đã viết những bài đánh giá tích cực và doanh số của công ty tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là tại thị trường Anh và Nhật Bản.

“Người đạp xe tại Anh và Nhật thực sự cởi mở với những gì mà chúng tôi đang làm”, theo Remi. “Doanh số bán hàng tại Pháp chỉ chiếm từ 10% tới 15%. Nhiều người đạp xe tại đây vẫn mong muốn mình trông giống như một vận động viên đang tham gia một cuộc đua vậy”.

Rebecca Charlton, một nhà báo thể thao người Anh chuyên viết về môn xe đạp, cho biết những thương hiệu như Café du Cycliste, Rapha, La Col và Assos là những công ty dẫn đầu trên thị trường trang phục đạp xe. Sự phát triển của họ gắn liền với sự gia tăng nhanh chóng của số lượng người tham gia môn thể thao này, dẫn đến doanh số tăng đột biến.

“Những xu hướng, thiết kế của những bộ trang phục đạp xe hiện đại mang đến những sự lựa chọn mới mẻ đối với tôi, một người trẻ”, cô chia sẻ.

“Và yếu tố tâm lý cũng không thể được đánh giá thấp. Khi bạn mặc trên người một bộ đồ mà bạn cảm thấy có động lực để đi ra ngoài, bạn sẽ có được sự tự tin. Và khi bộ đồ bạn mặc giúp tôn dáng của bạn, thì buổi đạp xe sẽ thoải mái hơn rất nhiều, giúp bạn có thêm nhuệ khí”.

Quay trở lại với trụ sở chính của Café du Cycliste tại Nice, Remi cho biết doanh số bán hàng của công ty đã phản ánh trung thực sự tăng trưởng của toàn ngành như một hệ quả của dịch bệnh Covid-19, khi ngày càng có nhiều người tìm đến môn xe đạp hơn nhằm mục đích nâng cao thể lực cũng như để hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng.

Cha của anh là một người hâm mộ trung thành của những sản phẩm mà Remi tự thiết kế, được sản xuất tại một số nhà máy trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, trong năm 2009, ông lại không hề có ấn tượng với những gì mà anh đang làm.

“Khi tôi cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên của mình, ông ấy thậm chí còn không mặc vì quá khác biệt với những bộ đồ đua đã quen thuộc đối với ông ấy”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM