ĐHCĐ Vinaconex thông qua kế hoạch tăng vốn, tái cấu trúc công ty An Khánh...chuẩn bị tham gia loạt dự án BĐS lớn

29/06/2020 14:04 PM | Bất động sản

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (ĐHCĐ) của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã CK: VCG- HNX), đã thông qua phương án tăng vốn, tái cấu trúc công ty An Khánh và chuyển niêm yết sang sàn HOSE..

Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến mà Vinaconex chào bán là 66.256.600 cổ phiếu, tương đương với 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, nếu phát hành tăng vốn thành công theo mệnh giá, Vinaconex sẽ có thêm 662,5 tỷ đồng để đầu tư và tham gia vào các dự án lớn.

Theo tờ trình của HĐQT, Vinaconex dự kiến chào bán với giá 15.000 đồng/cổ phần, do vậy, nếu thành công, tổng công ty sẽ được bổ sung thêm 993,8 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo Vinaconex, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành là 993,8 tỷ đồng dự kiến sẽ được sử dụng vào các dự án lớn.

Trả lời câu hỏi của cổ đông vì nguyên nhân tăng vốn điều lệ, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết thời gian qua, Tổng công ty ngoài việc đang triển khai các dự án bất động sản ở Hà Nội, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, làm chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản  cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, TPHCM..)

Bên cạnh đó, về lĩnh vực đầu tư giao thông với hình thức BOT, Vinaconex tham gia nộp hồ sơ dự tuyển nhiều dự án, trong đó nổi bật là 5 dự án BOT thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với quy mô tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ, nhu cầu vốn của chủ đầu tư phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư.

"Chúng ta có tiền nhưng số tiền này không thấm tháp gì so với những gì chúng ta muốn làm. Vì vậy, chúng ta phải tăng vốn, vừa để giải quyết câu chuyện thương hiệu vừa tạo bàn đạp để triển khai hàng loạt dự án lớn sau này", ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng khẳng định, ban lãnh đạo luôn cân nhắc để lợi ích của cổ đông đem lại hiệu quả đầu tư cho các cổ đông gắn bó với tổng công ty trong chặng đường dài. Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì đây là cơ hội hiện hữu cho Vinaconex để lấn sân mạnh sang mảng BOT và BĐS công nghiệp.

Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua tờ trình chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE. Hiện tại, cổ phiếu VCG của Vinaconex đang niêm yết trên sàn HNX với số lượng 441,7 triệu cổ phiếu..

Lý giải về lý do chuyển sàn, ông Thanh cho biết việc chuyển sàn hướng đến tính công khai, minh bạch và cũng là chuẩn bị cho Vinaconex vươn ra các thị trường quốc tế: "Việc niêm yết trên sàn HOSE sẽ tạo động lực trực tiếp cho VCG tăng tính công khai, minh bạch và quản trị công ty chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn cổ phiếu VCG thanh khoản tốt hơn, thu hút được dòng tiền đầu tư nhiều hơn, từ đó gia tăng lợi ích cho cả doanh nghiệp và cổ đông".

"Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay và định hướng sắp tới, Vinaconex sẽ cần thêm nhiều nguồn lực, trong đó bao gồm cả việc huy động dòng vốn nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, việc chuyển sang sân chơi lớn hơn sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn, không chỉ hiện diện ở trong nước, mà còn vươn xa tới các thị trường quốc tế" – ông Thanh khẳng định.

Đại hội cũng thông qua phương án tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh). Theo chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh, hiện nay tỷ lệ sở hữu tại An khánh đang là 50-50 chính vì vậy muốn triển khai dự án phải có sự thống nhất từ cả hai phía.

"Tuy nhiên, trong suốt 1 năm qua, dự án không thể triển khai do không tìm được tiếng nói chung, tiền lãi vay lên đến hàng nghìn tỷ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không có lợi cho cả cổ đông lẫn công ty. Chính vì thế, Tổng công ty quyết định tái cấu trúc phần vốn tại An Khánh qua hai phương án. Một là chuyển nhượng lại cho Sovico. Hai là nhận lại chuyển nhượng từ Sovico nếu họ đồng ý bán….Tôi tin hai bên sẽ tìm ra được con số chung".

Ông Thanh cũng cho biết thêm, việc tái cấu trúc An Khánh sẽ sớm kết thúc trong năm 2020. Hiện nay, Vinaconex là công ty lớn trong ngành xây dựng. Nếu việc tái cấu trúc vốn tại An Khánh thành công công ty sẽ dồn lực vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở các khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây.

Lan Nhi

Từ khóa:  Vinaconex
Cùng chuyên mục
XEM