Điều đặc biệt trong các vụ doanh nghiệp Việt kiện cục thuế địa phương để hoàn thuế: Đa phần doanh nghiệp thắng!
3 năm gần đây, những vụ doanh nghiệp Việt Nam khiếu kiện các cục thuế địa phương – như chuyện hoàn thuế, ngày càng tăng. Và điều đặc biệt nữa, đa phần các doanh nghiệp đã thắng trong các cuộc khiếu kiện đó. Dường như đang có sự giải thích các luật định không đồng nhất giữa trung ương và địa phương. Các viên chức nhà nước thường hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai (có thể do trình độ thấp)...
"Chính sách kinh tế của Việt Nam ngày càng mở, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng ta vừa điều chỉnh luật thương mại đầu tư cũng như thường xuyên sửa đổi – cập nhật để chúng phù hợp với với các điều ước mà Việt Nam tham gia. Đây là một biểu hiện rất tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế thực thi lại là một câu chuyện khác. Ví dụ: không hiếm những sự hiểu và giải thích của các viên chức – nhất là ở lĩnh vực thuế vụ hay thông quan, thường gây bất lợi cho các doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Chủ tịch InvestPro nói trong một sự kiện gần đây.
Theo bà, trong 3 năm gần đây, những vụ doanh nghiệp Việt Nam khiếu kiện các cục thuế địa phương – như chuyện hoàn thuế, ngày càng tăng. Và điều đặc biệt nữa, đa phần các doanh nghiệp đã thắng trong các cuộc khiếu kiện đó. Dường như đang có sự giải thích các luật định không đồng nhất giữa trung ương và địa phương. Các viên chức nhà nước thường hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai (có thể do trình độ thấp). Nếu các cơ quan nhà nước không hiểu một cách chuẩn xác các luật định thì chính họ là rào cản cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện có nhiều sự khác biệt trong quy định giữa các tỉnh thành cũng đang làm khó các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể. Ví dụ như tại TP. HCM, khi một cá thể đứng ra cho đối tác thuê nhà, họ chỉ cần lên công chứng xác nhận là xong; nhưng tại Hà Nội, cá thể đó phải đi đăng ký kinh doanh, có mã số thuế thì mới được đứng ra cho thuê nhà. Rõ ràng, những quy định tại Hà Nội khiến một hoạt động kinh doanh nhỏ trở nên phức tạp.
Bên cạnh đó, có một thứ mà dù được "mồi chài" bằng bất cứ lợi ích nào các cơ quan Nhà nước hoặc chính quyền địa phương không thể đánh đổi: đó là vấn đề môi trường. Quan điểm của bà Quỳnh Anh thì môi trường là giá trị lớn nhất của loài người. Nếu dự án nào không đảm bảo vấn đề môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng nên dũng cảm không cấp phép cho họ. Bởi không có số tiền nào có thể mua lại được giá trị của môi trường.
Hoạt động trong lĩnh vực tương tự, nên góc nhìn của bà Hương Vũ – Tổng Giám đốc EY Việt Nam cũng khá giống bà Quỳnh Anh.
"Chính phủ và các Bộ ban ngành Việt Nam đang cố gắng đưa ra những luật định nhằm có thể thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất các nhà đầu tư đang rời Trung Quốc bởi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo tôi biết, với việc, phần lớn 56 dự án rời Trung Quốc từ tháng 5/2018 đến 8/2019, đã chọn bến đậu là Việt Nam, thì rõ ràng các chính sách và luật định cơ bản của chúng ta đang tương đối hấp dẫn.
Tuy nhiên, một vấn đề cần bàn thảo cẩn mật là tương quan giữa chính sách và thực tiễn. Rõ ràng chính sách đưa ra một môi trường đầu tư quyến rũ như thế, nhưng những người thực thi chính sách như cục thuế - thanh tra lại thỉnh thoảng diễn giải chính sách không có lợi cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường không yên lòng với các đợt thanh tra – kiểm tra từ các cơ quan nhà nước", bà Hương Vũ chia sẻ thực tế.
Bà Quỳnh Anh (đeo kính) và bà Hương Vũ đang cùng nhau thảo luận các vấn đề.
Ngoài ra, bà Hương Vũ cũng khiến nhiều người vui mừng khi tiết lộ, thật tế các tỉnh địa phương tại Việt Nam đang càng ngày càng xem trọng môi trường. Bà biết có một dự án trong lĩnh vực dệt nhuộm có số tiền đầu tư rất lớn vẫn chưa tìm được ‘bến đỗ" ở Việt Nam, do tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam đều từ chối. Nói chung ‘vụ Formosa’ vẫn đang là một tấm gương sáng rỡ cho các lãnh đạo địa phương soi vào, nên không ai còn dám dễ dãi hay tham thành tích.
Tuy nhiên, không phải các kiểu kinh doanh truyền thống gặp khó với các cơ quan nhà nước mà các kiểu kinh doanh hiện đại cũng thế.
Nhà nước vừa ban hành Luật quản lý thuế mới vào ngày 13/6/2019, trong đó có rất nhiều điều luật mới dành riêng cho các giao dịch thương mại điện tử. Và mới tới ngày 1/7/2020 thì Luật mới này mới có hiệu lực, lúc đó việc quản lý thuế trong lĩnh vực mới này mới rõ ràng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm đó, nhiều khả năng Nhà nước sẽ có thêm những cải tiến – cập nhật theo những luật định quốc tế trong lĩnh vực này.
Thế nên, các doanh nghiệp trong mảng này cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức – cập nhật xu hướng, để không thiệt khi làm việc với các cơ quan nhà nước trong tương lai.
"Để sẵn sàng cho giờ G và đón đầu những thay đổi của Nhà nước, tôi có vài lời khuyên cụ thể cho các doanh nghiệp đang kinh doanh theo các mô hình hiện đại như sau.
Hiện tại, Việt Nam chúng ta đang học theo các điều luật quốc tế chung trong những mảng kinh doanh hiện đại, ví dụ như thương mại điện tử và không có nhiều điều chỉnh theo đặc thù địa phương; thế nên các lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp Việt nên thường xuyên theo dõi các động thái kinh tế - pháp luật của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Singapore", ông Lê Khánh Lâm – Phó Tổng Giám đốc RSM Việt Nam đề nghị.
Khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành báo cáo đầu tiên về "Giải pháp chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS) vào tháng 2/2013, đã có 30 nước chính thức tham gia và trên 100 nước quan sát và làm theo. Hiện tại, đã có trên 100 nước tham gia vào BEPS, trong đó có Việt Nam. Từ khi BEPS ra đời, do xu hướng toàn cầu hóa, nên Việt Nam chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều, đã học theo rất nhanh. Do BEPS 1.0 chưa quản lý được các công ty chuyên về điện tử - digital, nên vừa có BEPS 2.0, tất nhiên Việt Nam cũng sẽ cập nhật theo.
Do hiện tại những luật định trong mảng kinh doanh này vẫn chưa rõ ràng, nên theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc việc thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp.