Điều chưa từng có trong tiền lệ thương mại Việt Nam và chuyện Việt Nam dần "thoát" Trung, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc
Trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất Việt Nam. Đây là chuyện chưa có tiền lệ.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc nửa đầu năm 2016 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 29,1%, trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 29,6%; dệt, may tăng 22,5%.
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 về nhập khẩu của Việt Nam với 22,5 tỷ USD, tăng 51.2%, trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%.
Như vậy, cán cân thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã nghiêng về phía đối tác khi có sự thâm hụt 15,9 tỷ USD.
Với con số này, Hàn Quốc đã vượt mặt Trung Quốc – là 14,1 tỷ USD, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
“Đây là điều chưa từng có trong lịch sử thương mại”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét trong buổi Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017.
Ông Thành cho biết hiện tượng này ông và nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy nó đã diễn ra từ 2 – 3 năm trước.
Một năm trước, báo cáo của VEPR cũng đã viết: “Xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của Việt Nam sang phía Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn”.
Nhìn vào xu hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể thấy kim ngạch nhập khẩu từ nước này đã có xu hướng tăng mạnh từ năm 2014.
Đ/v: Tỷ USD.
Tại thời điểm đó, phía VEPR đã đưa ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển hơn nên dịch chuyển nguồn nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc sang các nước phát triển hơn với chi phí cao và chất lượng tốt hơn.
Thứ hai, Hàn Quốc là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất nên họ có xu hướng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước sở tại.
Và đến thời điểm hiện tại, “điều chưa từng có” như TS. Thành nhận xét đã xảy ra, Hàn Quốc từ nước nhập siêu thứ 2 sau Trung Quốc đã trở thành nước thứ nhất. “Điều này có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, ông Thành nói thêm.
Dù vậy, vị chuyên gia kinh tế này cũng nhận xét bản chất của 2 loại nhập siêu này là khác nhau. Nhập siêu của Trung Quốc đến từ những mặt hàng phổ thông bởi Trung Quốc từ trước đến nay được ví như công xưởng khổng lồ của thế giới.
Mặt khác, dù Trung Quốc không đầu tư nhiều vào Việt Nam nhưng máy móc của Trung Quốc vẫn được nhập về với số lượng lớn bởi khoảng 80% các dự án tổng thầu EPC - Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Engineering Procurement and Construction) rơi vào tay Trung Quốc.
Đối với Hàn Quốc lại là câu chuyện khác. Nhập siêu của Việt Nam đi liền với quá trình người Hàn đầu tư mạnh vào Việt Nam. Trong quá trình đó, họ sử dụng tiền đầu tư để nhập khẩu hàng hoá từ nước họ để phục vụ cho công ty tại Việt Nam.
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn giữ ngôi vương về đầu tư vào Việt Nam.
Số liệu của Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua cho biết, tính từ năm 1988, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 50,5 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 5.773 dự án. Có tới 71% tổng số vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực chế tạo, tiếp đó là điều hành bất động sản với 14,8% và xây dựng với 5,4%. Những con số trên đã đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.
“Chính vì thế năm nay nhập siêu với Hàn mới lớn đến vậy”, ông Thành nhận xét.
Trong số đó, Viện trưởng VEPR đặc biệt lưu ý đến vai trò của Samsung mà theo ông, sự lên xuống của doanh nghiệp này sẽ làm các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam biến đổi theo.
Đối với câu chuyện trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định việc Hàn Quốc vượt mặt Trung Quốc nhập siêu phần nào đó sẽ “đỡ đi sức ép quá đáng từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự lo lắng liệu đây có thể trở thành một trần cản đối với các doanh nghiệp Việt đang muốn vươn mình?
“Vì Hàn Quốc họ đang làm những ngành tiên tiến hơn chúng ta, do đó, khi doanh nghiệp Việt muốn vươn lên thì lại bị chặn lại. Nếu như trước đây, doanh nghiệp Việt bị chặn bởi Trung Quốc nhưng họ chỉ đưa ra được mặt hàng chất lượng tương đương chúng ta, còn Hàn Quốc lại cao hơn vài bậc”, bà nói.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng trong tương lai dài hạn, Việt Nam cần phải xem xét kỹ vấn đề này vì nó có thể thành mối lo ngại về sau.