Điện Gia Lai lãi 164 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, đang bán bớt nhà máy thủy điện ở Việt Nam để tập trung vào điện mặt trời

05/08/2019 19:03 PM | Kinh doanh

Xuôi theo dòng chảy thị trường và biến đổi từ thiên nhiên, Điện Gia Lai đang có kế hoạch bán bớt các nhà máy thủy điện tại Việt Nam để tập trung vào điện mặt trời, mảng năng lượng mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Theo tiết lộ từ Công ty CP Điện Gia Lai (thành viên Tập đoàn Thành Thành Công), thì doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm của họ đạt 514 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 51% kế hoạch năm. Tỷ trọng doanh thu thuần bao gồm: 85% đến từ hoạt động bán điện, trong đó điện mặt trời đạt 269 tỷ đồng tương đương 53% doanh thu thuần và thủy điện đóng góp 167 tỷ đồng chiếm 32% doanh thu thuần; còn lại 11% là cung cấp dịch vụ và 4% là xây lắp.

Điện mặt trời đang ăn nên làm ra

Với việc doanh thu tăng mạnh hơn giá vốn cũng như chi phí quản lý, nên lợi nhuận trước thuế lũy kế của họ vẫn tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 164 tỷ đồng và hoàn thành đến 68% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận trước thuế riêng quý/II tăng trưởng tới 128% so với cùng kỳ. Như vậy, Điện Gia Lai đã hoàn thành 2/3 chặng đường lợi nhuận trước thuế chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019.

Điện Gia Lai lãi 164 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, đang bán bớt nhà máy thủy điện ở Việt Nam để tập trung vào điện mặt trời - Ảnh 1.

Biểu đồ khả năng sinh lời của GEC.

Mặt khác, biên lợi nhuận gộp của mảng điện mặt trời duy trì ở mức rất cao lên tới 70%, còn thủy điện đạt 47%, do đó biên lợi nhuận gộp của toàn công ty đạt 55%. Biên EBIT tăng lên 48% trong khi biên EBITDA tăng mạnh lên 89%, do chi phí lãi vay và các nhà máy điện mặt trời bắt đầu đưa vào tính khấu hao.

Sở dĩ, doanh thu và lợi nhuận từ mảng điện mặt trời của Điện Gia Lai (GEC) tốt như thế là bởi sản lượng các nhà máy điện mặt trời của họ đều cao hơn mong đợi. Cụ thể: sản lượng của nhà máy Phong Điền đạt 36 triệu kWh, vượt 25% kế hoạch 6 tháng và đạt 59% kế hoạch năm; nhà máy Krông Pa đóng góp 58 triệu kWh, hoàn thành 104% kế hoạch 6 tháng và 56% kế hoạch năm.

Trong quý II, Điện Gia Lai đã đóng điện thêm 3 nhà máy điện mặt trời mới: Đức Huệ 1 - Long An và Hàm Phú 2 - Bình Thuận vào tháng 4 cùng Trúc Sơn – Đắc Nông vào tháng 6; với tổng công suất gần 143 MWp, hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cents/kWh trong 20 năm. Mặc dù 3 nhà máy nêu trên mới vận hành, nhưng sản lượng điện đã đạt 53% kế hoạch năm, thậm chí vượt 42% kế hoạch 6 tháng - cao hơn thủy điện 1,6 lần, do tận dụng được tình hình thời tiết hạn hán nắng nóng kéo dài.

Điện Gia Lai lãi 164 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, đang bán bớt nhà máy thủy điện ở Việt Nam để tập trung vào điện mặt trời - Ảnh 2.

Biểu đồ sản lượng điện của 5 nhà máy điện mặt trời GEC.

Ở nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn, lần đầu tiên Điện Gia Lai thử nghiệm tự thực hiện vai trò tổng thầu và họ đã hoàn thành dự án với thời gian kỷ lục – 100 ngày. Qua dự án này, ước tính, nếu họ tiếp tục tự thực hiện vai trò tổng thầu, sẽ tiết kiệm được 100 tỷ đồng/1 nhà máy.

Tổng công suất 5 nhà máy điện mặt trời của Điện Gia Lai khoảng 260 MW, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Còn nếu tính đến vào cuối tháng 5/2019, uớc tính, thị phần điện mặt trời của họ ở các địa phương lần lượt là 100% tại Huế, 80% Gia Lai, 50% Long An, 40% Đắc Nông và 20% Bình Thuận; chiếm 12% thị phần cả nước.

Bán bớt nhà máy thủy điện ở Việt Nam để tập trung đầu tư nhà máy điện mặt trời

Tính từ đầu năm 2019, thị giá GEC đã tăng 82% so với mức tăng chỉ 11% của VN-Index. Khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 550.000 cổ phiếu một phiên, chiếm 3,6% khối lượng giao dịch bình quân của toàn sàn UPCOM. GEC cũng là mã cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong tháng 7 với gần nửa triệu cổ phiếu được mua vào. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/7/2019, GEC đóng cửa ở mức giá bình quân 26.600 đồng, lập đỉnh cao nhất từ lúc niêm yết đến nay.

Ngày 31/7/2019, HOSE ra thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết của GEC và công ty này dự kiến ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE sẽ vào cuối tháng 9/2019.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ của Điện Gia Lai đều tốt. Thời tiết hạn hán và nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của El Nino tại khu vực Trung Bộ chỉ tốt cho điện mặt trời, xấu cho thủy điện. Kể từ đầu năm, lượng mưa tại khu vực Trung Bộ ít hơn 50% so với trung bình nhiều năm, đã khiến mực nước trong các hồ chứa thủy điện giảm đáng kể.

Theo Tổng cục Thủy lợi, dự báo lượng mưa sẽ tiếp tục thiếu hụt 10 - 25% tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và mùa mưa sẽ kết thúc sớm; điều này sẽ tác động không tốt đến hoạt động của các nhà máy thủy điện tại đây.

Thế nên, Điện Gia Lai đang chào bán đấu giá công khai các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ, công suất dưới 2 MW của họ, như: nhà máy Ia Đrăng 1 (0,6 MW), Kênh Bắc - Ayun Hạ (1 MW), Ia Đrăng 2 (1,2 MW), Ia Đrăng 3 (1,6 MW) và Ia Meur 3 (1,8 MW) tại Gia Lai. Nếu kế hoạch này thành công, dự kiến sẽ mang về cho Điện Gia Lai ít nhất 205 tỷ đồng và họ sẽ dùng số tiền này đầu tư các dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến hơn 700 MWp sắp tới.

Điện Gia Lai lãi 164 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, đang bán bớt nhà máy thủy điện ở Việt Nam để tập trung vào điện mặt trời - Ảnh 4.

Biểu đồ diễn biến giao dịch giữa GEC va Vn-Index.

Đến hết quý II 2019, Điện Gia Lai sở hữu 14 nhà máy thủy điện và 5 nhà máy điện mặt trời với công suất lần lượt 85 MW và 260 MWp.

Trong Báo cáo thường niên 2018, Điện Gia Lai cũng tiết lộ là họ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào, nhằm đón đầu chính sách sẽ nhập khẩu điện từ Nam Lào thông qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất đến 1.000 MW. Ngoài ra, họ còn dự định đầu tư vào điện gió tại các khu vực tiềm năng của Tây Nam Bộ và Tây Nguyên cùng điện mặt trời tại các khu vực có giá bán điện cao.

Định hướng đến 2025, doanh nghiệp này sẽ hoàn thiện tối đa chuỗi giá trị ngành điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với danh mục đầu tư đa dạng từ điện mặt trời, điện gió với điện rác, điện khí - 2 loại hình mới. Điện rác và điện khí hiện không dễ triển khai tại Việt Nam, vì chúng đòi hỏi rất cao về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm cho đến tài chính.

Ở khía cạnh khác, tổng tài sản của Điện Gia Lai đến cuối tháng 6/2019 tăng 52% lên 6.620 tỷ đồng, chủ yếu do tài sản cố định tăng 85% so với đầu năm - đạt 5.321 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã phát hành thành công 9,7 triệu cổ phiếu cho các cán bộ nhân viên thu về 107 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 2.038 tỷ đồng - tăng 5%.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM