Ngành điện mặt trời của Điện Gia Lai chiếm 12% thị phần cả nước
Trong cuộc đua điện mặt trời, Điện Gia Lai đang là doanh nghiệp có nhiều dự án đã hòa lưới điện nhất. Theo thống kê của EVN tới cuối tháng 5/2019, họ chiếm 12% thị phần cả nước.
Khác với nhiều đối thủ khác trong lĩnh vực điện mặt trời, Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) – thuộc Tập đoàn Thành Thành Công, không đầu tư tập trung mà dàn trải, các nhà máy điện mặt trời của họ thường có công suất dưới 100 MW và nằm rải rác từ Huế trở vào Nam.
Hiện họ có 5 nhà máy điện mặt trời đã được đưa vào hoạt động, gần nhất là nhà máy ở Trúc Sơn – Đắc Nông, chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 14/6. Nhà máy Trúc Sơn được triển khai trên diện tích đất rộng 50ha, công suất 44,4 MW, tổng đầu tư khoảng 843 tỷ đồng và có thời gian thi công kỷ lục – chỉ 3 tháng.
Theo đó, công suất 5 nhà máy của GEC tới 260 MW, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi dự án điện mặt trời dự kiến sẽ đóng góp vào lưới điện quốc gia từ 60 triệu tới 103 triệu kWh, cùng doanh thu ước tính từ 128 tỷ đến 220 tỷ đồng. Các dự án của GEC đa phần đều là những dự án đầu tiên đóng điện tại địa bàn có tỷ lệ bức xạ mặt trời tương đối tốt: từ 4,6 - 5,3 kWh/m2/ngày với số giờ nắng từ 1.700 - 2.544 giờ/năm.
Tính đến vào cuối tháng 5/2019, uớc tính, thị phần điện mặt trời của GEC ở các địa phương lần lượt là 100% tại Huế, 80% Gia Lai, 50% Long An, 40% Đắc Nông và 20% Bình Thuận; và chiếm 12% thị phần cả nước.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của đơn vị tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời, GEC đã thử nghiệm tự thực hiện vai trò tổng thầu đối với dự án Trúc Sơn. Dự án Trúc Sơn có thể được xem như nền tảng cho những dự án tiếp theo, nhằm tiết giảm chi phí trong bối cảnh giá điện sẽ không được ở mức ưu đãi 9,35 cents/kWh sau 30/6/2019.
Thông tin đầu tư và hoạt động của 5 nhà máy điện mặt trời GEC.
Ước tính với mỗi dự án tự thực hiện, GEC sẽ giảm được trên dưới 100 tỷ đồng chi phí, nhằm đảm bảo lợi nhuận không bị ảnh hưởng khi giá bán điện thay đổi.
Mặt khác, với sự tư vấn của các chuyên gia từ Ấn Độ, GEC đã xây dựng được đội ngũ và mô hình O&M, đảm bảo các nhà máy luôn vận hành hiệu quả, điều phối kỹ thuật nhịp nhàng và lên kế hoạch sửa chữa, tập trung giám sát hệ thống Sacada để phân tích dữ liệu cũng như cảnh báo sự cố. GEC có thể sẽ cung cấp dịch vụ O&M ra ngoài thị trường trong năm 2019 để đảm bảo chiến lược đa dạng hóa nguồn thu.
Trong Báo cáo thường niên 2018, GEC cũng tiết lộ là họ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào, để đón đầu chính sách sẽ nhập khẩu điện từ Nam Lào thông qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất đến 1.000 MW; đầu tư vào điện gió tại các khu vực tiềm năng của Tây Nam Bộ và Tây Nguyên cùng điện mặt trời tại các khu vực có giá bán điện cao.
Định hướng đến 2025, GEC sẽ hoàn thiện tối đa chuỗi giá trị ngành điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với danh mục đầu tư đa dạng từ điện mặt trời, điện gió với điện rác, điện khí - 2 loại hình mới, không dễ triển khai tại Việt Nam vì đòi hỏi rất cao về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm cho đến tài chính.
Ở khía cạnh khác, tháng 6 vừa qua, GEC cũng đã công bố thông tin về việc phát hành thành công gói trái phiếu 219 tỷ đồng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Chúng được thị trường đón nhận rất tích cực.
Cùng với nguồn thu hơn 106 tỷ đồng từ việc phát hành 9,7 triệu cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ của GEC đã tăng lên 2.039 tỷ đồng, tạo nền tảng cho các hoạt động huy động vốn để phát triển thêm những dự án điện mặt trời và điện gió cũng như chiến lược M&A. GEC cũng vừa hoàn thành việc trả cổ tức bằng tiền mặt 7% vào tháng 6. Sau khi điều chỉnh kỹ thuật, giá cổ phiếu GEG đóng cửa ngày 26/6/2019 ở mức 23.000 đồng, tăng 58% so với đầu năm.