Didi Chuxing: Từ “số 0” đến “sát thủ Uber”

02/02/2017 08:06 AM | Kinh doanh

Tại văn phòng startup gọi xe Didi ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều nhân viên gọi Cheng Wei, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Didi là “lão đại”. Còn từ mùa hè 2016, cả thế giới biết đến anh với biệt danh khác: Uber Slayer (sát thủ Uber).

Tháng 8/2016, sau trận chiến kéo dài gần 18 tháng, Uber đồng ý bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi và rời bỏ quốc gia này. Đổi lại, Uber nắm 17,7% cổ phần trong Didi và lấy thêm 1 tỷ USD tiền mặt.

Didi Chuxing ra đời như thế nào?

Nếu thế giới đã quá quen thuộc với Uber thì tại Trung Quốc, Didi mới là số một. Ra đời năm 2012, dưới sự dẫn dắt của Cheng, Didi chỉ trong vòng 4 năm đã mở rộng phạm vi hoạt động ra 400 thành phố tại Trung Quốc, cho phép người dùng đặt và thanh toán điện tử đối với các loại xe taxi, xe tư, limousine, xe buýt công cộng. Cheng cho biết, 80% tài xế taxi tại Trung Quốc sử dụng Didi để tìm hành khách. Hiện các nhà đầu tư định giá Didi 35 tỷ USD, biến nó trở thành một trong các công ty tư nhân giá trị nhất thế giới chỉ sau Uber, khi hãng này hoạt động tại gần 500 thành phố trên 6 lục địa, với giá trị 68 tỷ USD.

Cheng sinh ra tại Giang Tây, cha là công chức, mẹ là giáo viên dạy Toán. Khi đang học Đại học Bắc Kinh, Cheng quan tâm đến quản trị kinh doanh và bắt đầu đi làm thêm như bao sinh viên khác, với công việc bán bảo hiểm. Năm 2005, tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, anh vào Alibaba làm việc ở bộ phận bán hàng, kiếm được 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng. “Tôi biết ơn Alibaba vì ở đó có người đã nói với tôi: Chúng tôi cần người trẻ như anh”, Cheng kể.

Bàn làm việc của Cheng Wei tại trụ sở công ty, đơn giản nhưng cá tính.

Người mà Cheng nói đến chính là Wang Gang, quản lý trực tiếp của anh tại Alibaba. Năm 2011, Wang bất mãn vì không được thăng chức nên đã tập hợp Cheng và một số cấp dưới để thành lập startup. Sau khi trao đổi về các ý tưởng trong giáo dục, nhà hàng, thậm chí cả thiết kế nội thất, họ chú ý tới ý tưởng của Hailo - công ty nổi tiếng với dịch vụ “black cab” ở Luân Đôn (Anh). Cheng cho rằng, mô hình Hailo có thể áp dụng tại Trung Quốc với 2 triệu taxi vạch vàng. Năm 2012, Wang cùng Chang rời Alibaba để thực hiện ước mơ. Và Wang cũng là người góp vốn đầu tiên khi thành lập Didi, với 800.000 nhân dân tệ. Khi đó, startup của họ có tên Didi Dache.

Khởi nghiệp từ một nhà kho 100m2 ở phía Bắc thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), nơi có quy định kinh doanh tự do nhất tại Trung Quốc, con đường đi lên của Didi không hề bằng phẳng. Trong trận bão tuyết lịch sử tại Bắc Kinh cuối năm 2012, ứng dụng Didi mới được coi trọng khi lần đầu vượt mốc 1.000 chuyến đi/ngày; qua đó gọi được vốn đầu tư đầu tiên với 2 triệu USD. Tuy nhiên, đối thủ của hãng là Kuaidi Dache (taxi nhanh) được Alibaba đầu tư khiến Didi khốn đốn. Bởi ở Trung Quốc, các startup nếu được 3 đại gia Alibaba, Tencent và Baidu đầu tư, coi như thắng lợi tới 90%. Wang và Cheng cũng đến gõ cửa Tencent. Theo đó, Didi và Kuaidi nhanh chóng đối đầu nhau.

Cuộc chiến giữa Didi và Kuaidi thực ra còn kéo theo cuộc chiến của 2 đại gia chống lưng là Alibaba với Tencent. Cuộc chiến sẽ không dừng lại nếu như năm 2014 không có sự xuất hiện của Uber. Cuối cùng, nhờ nhà đầu tư mạo hiểm người Nga Yuri Milner đóng vai trò cầu nối, tháng 2/2015, hai startup Didi và Kuaidi sáp nhập. Lúc này, Didi nắm 60% cổ phần trong doanh nghiệp mới lấy tên Didi Chuxing.

Cuộc chiến “hao tiền tốn của” giữa Uber và Didi

Cuối năm 2013, Kalanick và một nhóm lãnh đạo Uber đến thăm Trung Quốc để nghiên cứu triển vọng và đối thủ. Họ ghé thăm văn phòng Didi và được đón tiếp… vô cùng tệ. Trong cuộc gặp, Cheng đến trước bảng trắng và kẻ 2 đường. Đường của Uber xuất phát từ năm 2010 và đi thẳng lên về phía bên phải. Didi khởi đầu muộn hơn 2 năm (năm 2012), nhưng có độ dốc hơn và giao với đường của Uber. Cheng nói một ngày nào đó Didi có thể vượt Uber bởi thị trường Trung Quốc quá rộng lớn và nhiều thành phố hạn chế sở hữu xe riêng như một biện pháp quản lý giao thông và ô nhiễm.

Hai bên cùng cười, nhưng nụ cười ẩn chứa những toan tính rất khác nhau. Kalanick nói muốn đầu tư vào Didi nhưng yêu cầu 40% cổ phần. “Vì sao tôi phải chấp nhận”, Cheng đáp lại. Năm 2014, Uber nhảy vào Trung Quốc tham chiến. Đầu năm 2015, Uber tỏ ra lấn át với ứng dụng tốt hơn, công nghệ ổn định hơn. Các nhà đầu tư định giá Uber 42 tỷ USD, gấp 10 lần so với Didi. Khi Didi còn đang phải lo thương vụ sáp nhập với Kuaidi, Uber đã bắt kịp Didi và kiểm soát gần 1/3 thị trường gọi xe tư nhân tại Trung Quốc chỉ sau vài tháng. “Khi ấy, chúng tôi cảm thấy như mình là quân đội nhân dân với súng trường và đang bị dội bom bởi máy bay, tên lửa. Họ thực sự có các vũ khí hiện đại”, Cheng so sánh.

Cheng nói với nhân viên của mình: “Nếu thất bại, chúng ta sẽ chết”. Tháng 5/2015, Cheng bắt đầu tấn công lại đối thủ khi miễn phí 1 tỷ nhân dân tệ cho hành khách. Uber ngay lập tức làm theo. Tháng 9/2015, Didi quyết tấn công vào thẳng “sào huyệt” của Uber tại Mỹ khi đầu tư 100 triệu USD vào đối thủ Uber là Lyft. Chỉ trong gần một năm, cả Didi và Uber đều đốt tới 1 tỷ USD chỉ để “đấu nhau”. Không chịu dừng lại, hai bên tích cực kiếm tìm nguồn vốn mới. Tháng 5/2016, Didi được Apple đầu tư 1 tỷ USD. 1 tháng sau, Uber kêu gọi thành công 3,5 tỷ USD từ Quỹ đầu tư công của Ả-rập Xê-út.

Tháng 8/2016, sau trận chiến kéo dài gần 18 tháng, hai bên đình chiến sau khi Uber chấp nhận “bán mình”. Cuộc chiến kết thúc tại quốc gia đông dân nhất hành tinh và đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (xét theo tổng GDP toàn quốc). Với Cheng, giờ đây đã trở lại là thời kỳ hòa bình. Biểu đồ anh vẽ vài năm trước cho Kalanick đã thành hiện thực. CEO 33 tuổi của Didi dường như đang mãn nguyện với thế hệ như anh và đang mơ về một Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong kinh tế chia sẻ.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM