Dịch vụ video trực tuyến tại Trung Quốc: Thị trường khổng lồ và nhếch nhác

14/07/2016 08:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Twitter và Facebook có thể thống trị mạng xã hội thế giới, nhưng thị trường này tại Trung Quốc lại rất khác, đặc biệt là dịch vụ video trực tuyến (live stream video).

Các mạng xã hội phương Tây đang theo xu hướng đẩy mạnh tính năng đăng video trực tuyến, như Facebook Live của Facebook và việc Twitter mua Periscope. Mạng YouNow chuyên về video cũng được tầng lớp tuổi teen ở Mỹ đón nhận. Sẽ tốt hơn cho các mạng này nếu họ "tấn công" vào thị trường hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc, song mạng xã hội ở Trung Quốc đã rẽ theo một hướng khác.

Thị trường "núi tiền"

Hồi tháng 1 vừa rồi, Inke nhận được khoản đầu tư 68 triệu CNY từ công ty cá cược Kunlun trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc). Inke là gì? Nó giống với Weibo, khác ở chỗ đó là một ứng dụng cho phép phát sóng các đoạn video trên điện thoại thông minh.

Đây không phải một vụ đầu tư khó hiểu của Kunlun (vốn cũng quảng cáo dày đặc trên các trang báo). Inke nằm trong số 200 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) riêng về mảng phát sóng video trực tuyến.

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp live stream đã thu hút tới 750 triệu USD lượng vốn đầu tư mạo hiểm. Zhu Xiaohu - quản lý đối tác tại công ty vốn đầu tư GSR Ventures Management cho biết: "Đây không phải là một sở thích nhất thời sớm lụi tàn, mà mô hình kinh doanh này đang khả thi. Tuy nhiên lượng người thích thú với việc đầu tư quá cao dẫn tới tình trạng bong bóng thị trường căng phồng và nhiều trong số đó sẽ thất bại".

Tại Trung Quốc, phiên bản live stream phát triển rất nhanh. Có thể thấy nếu người dùng Facebook muốn phát sóng trực tiếp gì đó, thường phải là sự kiện "hơi to", hoặc một dạng V-Blog của người có nhiều bạn trên mạng. Nhưng người dùng Trung Quốc lại có nhu cầu chia sẻ tất tần tật, từ một điệu nhảy, một bữa cơm, hoặc thậm chí chỉ là cảnh họ ngồi xem tivi ở nhà.

"Sự thích ứng rộng rãi của Trung Quốc đối với điện thoại di động cộng với sự cô đơn trong một xã hội có nhịp sống quá nhanh đã khiến người ta sẵn sàng kết nối với nhau theo cách này" - Jia Wei - người điều hành bộ phận live stream của ứng dụng truyền thông xã hội Momo nói với hãng tin Bloomberg.

Số lượng người theo dõi các video này thế nào? Li Wenqi, một thợ làm tóc 31 tuổi đang hành nghề ở Kobe (Nhật Bản) đã đăng một đoạn video trực tuyến diễn tả cảnh mình lượn quanh khu phố đèn đỏ của Tokyo và có tới 3.000 người theo dõi hành trình suốt 6 tiếng đồng hồ của ông.

Với lượt xem cao và nhu cầu chia sẻ lớn, các nhà cung cấp như Inke còn nhận thêm tiền từ quảng cáo dạng pop-up từ các thương hiệu như Kunlun, Alibaba...

Và "núi rắc rối"

Chuyện của Li Wenqi đơn cử cho cái gọi là nội dung chủ đạo của những loại video trên mạng xã hội chuyên cho lĩnh vực này tại Trung Quốc. Thế nhưng còn đó những vấn đề đáng nói hơn về ngành công nghiệp này.

Điểm đáng chú ý của những Inke, QQ (do Công ty Tencent phát hành) là lượng tiền khổng lồ đổ vào nó để mua quà. Lạ ở chỗ đó chẳng phải là quà thật mà đơn giản gồm những biểu tượng hình bó hoa, thú nhồi bông..., nhưng tiền thì không ảo chút nào.

Năm 2014, một đoạn video trực tuyến đăng tải cuộc tranh luận giữa Luo Yonghao, doanh nhân khởi nghiệp của Smartisan được mệnh danh là "Steve Jobs của Trung Quốc" và phóng viên công nghệ Wang Ziru thu hút 2,5 triệu lượt xem, hơn 1 triệu người bày tỏ ý kiến, mua số "quà” ủng hộ Luo Yonghao với tổng giá tiền 9.000 CNY. Chỗ tiền đi vào túi của Youku Tudou, website cung cấp nền tảng phát sóng cuộc tranh luận ấy, trong đó cho phép người xem trên điện thoại mua quà ảo để bày tỏ sự ủng hộ.

Phong cách tặng quà ảo này lấn sang các cuộc làm quen, kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội khác như QQ hay YY, nơi người này có thể chi tiền thật mua quà ảo cho người kia để làm quen.

Những món quà này hoàn toàn không có giá trị sử dụng nhưng lại là cách để chứng tỏ đẳng cấp, độ sành điệu của người gửi. Chẳng hạn, hình một chú mèo trên trang themayhew.org có giá 100 USD. Nói cách khác, nó giống như thời các game thủ của Võ lâm truyền kỳ và các game nhập vai ngày nay mua thẻ cào để mua sắm trong trò chơi vậy.

Đáng ngại hơn, việc đăng tải video trực tuyến để thu hút người xem (kể cả kiếm tiền) sẽ dẫn tới nhiều nội dung đi quá xa.

Trong năm nay, một "nữ dị nhân" người Trung Quốc có tài khoản Sister Feng đã bị bắt quả tang lừa gạt người xem trong các video clip trực tuyến diễn tả cảnh bà này ăn rắn độc và đủ thứ vật kỳ dị khác. Mới nhất là hồi đầu tháng 7, quản trị viên mạng QQ gỡ bỏ đoạn video trực tuyến của một nữ sinh ăn mặc hở hang và nhảy uốn éo trong toilet. Nội dung phản cảm vậy, nhưng clip đó thu hút tới hơn 110.000 lượt người theo dõi.

Theo GIANG LANG

Cùng chuyên mục
XEM