Di sản của ‘ông vua thép’ Andrew Carnegie - biểu tượng sức mạnh kinh tế Mỹ bị Trung Quốc biến thành 'đồ cổ'
Mỹ không có một doanh nghiệp nào góp mặt được trong top 15 tập đoàn thép lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc lại có đến tận 8 cái tên. Vậy chuyện gì đang diễn ra?
Nhắc đến Andrew Carnegie thì hầu như không ai không biết về vị tỷ phú huyền thoại người Mỹ với biệt danh “Ông vua thép”.
Doanh nghiệp của ông từng chiếm đến 2/3 sản lượng thép toàn quốc và trở thành biểu tượng cho sự thịnh vượng Mỹ, đồng thời đóng góp rất lớn trên con đường thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Thế nhưng di sản của Andrew Carnegie, hãng US Steel Corp, từng là doanh nghiệp có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, giờ đây đang lâm vào cục diện bi đát.
Viễn cảnh u ám của ngành thép Mỹ khiến US Steel trở thành miếng mồi béo bở cho các đối thủ đề nghị thâu tóm với mức giá hời, qua đó cho thấy những thách thức còn tồn tại trong nền kinh tế số 1 thế giới.
Xin được nhắc sắt thép là một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Các ngành công nghiệp xây dựng, bất động sản, ô tô, sản xuất, máy móc...đều cần đến kim loại. Bởi vậy ngành này đã từng là niềm tự hào của người Mỹ hậu Thế chiến II.
Tuy nhiên việc công ty từng là biểu tượng cho sức mạnh Mỹ giờ đây trở thành “hàng để bán” lại đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về nền kinh tế số 1 thế giới.
Bị Trung Quốc soán ngôi
Thành lập vào năm 1901 từ liên doanh Carnegie Steel Corp cùng hậu thuẫn của ngân hàng JP Morgan Chase, tập đoàn US Steel Corp là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được định giá hơn 1 tỷ USD, cao gấp đôi so với tổng ngân sách của Mỹ thời kỳ đó.
Thương vụ sáp nhập này cũng biến Andrew Carnegie thành tỷ phú giàu nhất thế giới với danh hiệu “Ông vua thép”.
Suốt nhiều năm sau đó, tập đoàn này đóng vai trò to lớn cho con đường trở thành nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, cung cấp sắt thép không chỉ cho ngành bất động sản mà còn vô số công trình cơ sở hạ tầng, cầu đường, đập nước. Đó là chưa kể đến những ngành sản xuất ô tô, thiết bị khác cần đến kim loại.
Sức mạnh của US Steel thời đó lớn đến nỗi đã thúc đẩy sự hình thành của Đạo luật chống độc quyền ở Mỹ, nhằm kiềm chế các siêu tập đoàn trong tay những tỷ phú.
Thế nhưng ánh hào quang của ngành thép Mỹ giờ đây đã không còn khi sụt giảm mạnh cả về sản lượng lẫn vốn hóa thị trường. Hiện không có một doanh nghiệp nào trong top 10 công ty thép lớn nhất thế giới đến từ Mỹ.
Vào năm 2022, không có doanh nghiệp thép Mỹ nào lọt được vào danh sách 15 tập đoàn thép lớn nhất thế giới của Hiệp hội thép quốc tế (WSA), trong khi Trung Quốc có đến 9 công ty xuất hiện.
Mặc dù US Steel vẫn duy trì được lợi nhuận nhưng trước sự đe dọa từ thép giá rẻ Trung Quốc, biểu tượng của sức mạnh Mỹ giờ đây bị nhiều đối thủ hỏi mua với giá chưa đến 9 tỷ USD.
“US Steel đạt đỉnh vào năm 1916 và liên tục giảm dần sức mạnh kể từ đó. Sản lượng của hãng đạt đỉnh vào thập niên 1970 và kể từ đó đến nay thì gần như mất hút”, chuyên gia phân tích Charles Bradford nhận định.
Tờ Financial Times (FT) nhận định trước sức ép khủng khiếp từ thép giá rẻ Trung Quốc, ngành thép Mỹ gần như không thể chống cự. Thua thiệt về chi phí nhân công, nguyên liệu, giá thành sản xuất đến sự hỗ trợ của chính phủ khiến những tập đoàn như US Steel khó khăn lắm mới duy trì được lợi nhuận.
Thậm chí sự “sống sót” này còn phụ thuộc rất lớn vào Nhà Trắng.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã áp thuế 30% lên thép nhập khẩu, qua đó cứu sống cả ngành sắt thép Mỹ. Chính CEO David Burritt của US Steel khi đó đã phải thừa nhận khoản thuế này như một chiếc phao cứu sinh cho 30 năm bị “chèn ép” của ngành thép Mỹ trước các đối thủ từ nước ngoài.
Thế rồi Đạo luật chống lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden càng khiến ngành thép nước nhà thở phào. Chiến lược phát triển công nghệ, xe điện, cơ sở hạ tầng của IRA sẽ cần rất nhiều sắt thép và đó là lý do ngành này nhận được 369 tỷ USD hỗ trợ từ đạo luật trên.
“Thị trường mà chúng tôi đóng góp hơn 120 năm qua cuối cùng cũng nhận ra tầm quan trọng của ngành sắt thép đến nền kinh tế trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa”, CEO Burritt mừng rỡ nói.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là ngành thép Mỹ vẫn chưa giải được bài toán hạ giá thành hoặc tìm cách cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nếu không dựa vào trợ cấp từ chính phủ. Thậm chí đến mảng công nghệ sản xuất thép từng được Mỹ tự hào thì giờ đây cũng đã lỗi thời.
Lỗi thời
Hãng tin CNN cho hay vào năm 1943, US Steel có mức đỉnh 340.000 nhân viên giữa thời kỳ Thế chiến II, đồng thời đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ chiến thắng cuộc chiến. Đến năm 1953, tổng sản lượng sắt thép của hãng đã đạt 35,8 triệu tấn trong khi cả Châu Âu lẫn Nhật Bản còn đang nhọc nhằn khôi phục hậu Thế chiến.
Thế nhưng US Steel dần tụt lại phía sau. Đến năm 2022, hãng chỉ sản xuất có 11,2 triệu tấn thép từ các nhà máy nội địa Mỹ và số nhân viên chỉ còn chưa đến 15.000 người.
Theo CNN, US Steel đầu tiên bị “đánh bại” bởi những đối thủ đến từ Nhật Bản và Đức hậu Thế chiến II. Các nền kinh tế này đã gồng mình phát triển trước nhu cầu hồi sinh từ đống đổ nát, qua đó tích cực áp dụng những công nghệ mới cần ít nhân công và năng lượng hơn, đồng thời cho hiệu suất cao hơn.
Thế rồi khi Trung Quốc trỗi dậy, nhu cầu xây dựng của nước này cùng sự hậu thuẫn của chính phủ kèm những kỹ thuật mới đã thúc đẩy thép giá rẻ tràn ngập thị trường. Trong khi nền kinh tế Phương Tây bão hòa về nhu cầu sắt thép thì Trung Quốc giờ mới tỉnh giấc.
Trớ trêu thay, đáng lẽ US Steel cần sự thay đổi và cải tiến công nghệ để sống sót thì lại phụ thuộc vào sự bảo hộ của chính phủ.
“Công nghệ mà US Steel hiện nay đang dùng tương tự như thời thập niên 1940”, chuyên gia Bradford ngậm ngùi.
Hãng tin CNN cho hay mặc dù US Steel cùng doanh nghiệp thép Mỹ cũng nâng cấp công nghệ để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài nhưng phần lớn họ vẫn dùng kiểu làm thép cũ, đó là nấu chảy nguyên liệu quặng sắt thô trong các lò cao khổng lồ.
Trong khi đó, các nhà máy thép kiểu mới hiện nay thường có quy mô nhỏ hơn, tốn ít lao động nhưng lại hiệu quả hơn nhờ công nghệ lò điện hồ quang, qua đó chế biến được thép từ cả những phế liệu cũ như ô tô bỏ đi.
Doanh nghiệp thép Mỹ đi tiên phong trong công nghệ này là Nucor hiện có tổng vốn hóa 42,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 7 tỷ USD của US Steel. Hiện Nucor mới là tập đoàn thép lớn nhất tại Mỹ với 20,6 triệu tấn thép sản lượng mỗi năm, đứng thứ 16 toàn cầu.
Con số này cao hơn nhiều so với chỉ 14,49 triệu tấn thép mỗi năm của US Steel-bao gồm sản lượng ở cả các nhà máy tại Châu Âu, qua đó chỉ đứng thứ 22 thế giới.
Đến tận năm 2020 thì US Steel mới mở nhà máy thép dùng lò điện hồ quang đầu tiên của mình. Vậy nhưng mọi thứ đã muộn khi sản lượng thép của các đối thủ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc những năm gần đây vượt trội hơn rất nhiều so với US Steel.
Chỉ còn cái tên
Vào năm 1991, cổ phiếu của US Steel đã bị loại khỏi Dow John Insudtrial Average sau 90 năm tồn tại trong danh sách này. Thay thế vào đó là những cái tên như Walt Disney, JP Morgan Chase...qua đó cho thấy kinh tế Mỹ chuyển mình từ sản xuất sang công nghệ thông tin và tài chính.
Phải đến khi Cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cổ xúy chính sách bảo hộ và vực dậy ngành sản xuất Mỹ thì tình hình mới dần khả quan hơn cho ngành thép nội địa.
Thế nhưng ngay cả như vậy, Nhà Trắng sẽ chú ý nhiều hơn đến các ngành bán dẫn, công nghệ hơn là sắt thép.
Quay trở lại câu chuyện của US Steel bị hỏi mua, trong khi hàng loạt những cái tên cùng thời như Bethlehem, Inland, LTV đã phá sản suốt 30 năm qua hoặc bị bán tháo thì US Steel vẫn cố gắng sống sót.
Dẫu vậy ngày nay biểu tượng của nền kinh tế Mỹ chỉ còn cái tên khi người mua chủ yếu nhắm đến thương hiệu US Steel thay vì công nghệ lỗi thời của hãng.
*Nguồn: CNN, FT