Deutsche Bank: Xuất siêu 680 triệu USD sau 1 năm nhập siêu, nhưng đó không phải tin mừng cho VN

23/03/2016 11:39 AM | Chính sách

Việt Nam xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2016 không phải do xuất khẩu tăng tốc, mà do kim ngạch nhập khẩu đã giảm.

Báo cáo triển vọng kinh tế Châu Á của Ngân hàng Deutsche Bank cho thấy: Sau mức bật tăng cuối năm ngoái, tăng trưởng GDP Quý 1 của Việt Nam sẽ giảm đáng kể.

Các số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP trong trong quý I này có thể giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 6% từ mức 7,2% đạt được trong quý IV/2015. Mức tăng trưởng này không thay đổi so với quý I/2015.

Yếu tố đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, theo Deutsche Bank, là sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu và doanh số bán lẻ.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu theo năm của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 đã giảm mạnh xuống mức 2,9% từ mức 4,5% ghi nhận trong quý IV/2015 và mức 8,5% đạt được vào quý I/2015.

Nhập khẩu còn diễn biến xấu hơn khi giảm 5,2% trong 2 tháng đầu năm 2016, ngược với mức tăng 2,2% trong quý IV và mức 19,8% của quý I năm ngoái.

Đáng nói là, nhập khẩu giảm không chỉ do tăng trưởng xuất khẩu yếu, mà còn do nhu cầu trong nước yếu đi.

Doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 7,9% của quý IV/2015 và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2 con số là 13,8% của quý I/2015.

Theo nhận định của Deutsche Bank, nhập khẩu yếu không chỉ do giá hàng hóa thấp, mà còn do nhu cầu nội địa bị kìm hãm.

Nhập khẩu ô tô – một thước đo về nhu cầu nội địa - giảm 6,7% trong 2 tháng đầu năm 2016, ngược với mức tăng mạnh 43% và 189,8% trong quý IV và quý I năm trước, khi chính phủ có kế hoạch tăng thuế đối với giá ô tô bán lẻ thay vì chi phí sản xuất.

Doanh số bán ô tô năm ngoái đạt mức tăng 55%, nhưng trong tháng 1 năm nay chỉ tăng 36,5%.

Trong khi đó, nhập khẩu máy móc giảm 21,1% trong 2 tháng đầu năm 2016, trong khi tăng 3,5% vào quý IV/2015 và tăng vọt 47,9% trong quý I/2015.

Sản xuất cũng tăng trưởng chậm lại nhưng chủ yếu do ngành khai khoáng. Ngược lại, ngành chế biến chế tạo vẫn khá tốt khi tăng 13,8% trong 2 tháng đầu năm, bằng với tốc độ của quý IV/2015 và cao hơn tốc độ 12,7% của quý I/2015.

Chỉ số PMI vẫn ở mức trên 50 điểm, cho thấy ngành chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM