Đèo Cả một lần nói hết về những 'mặt tối' của doanh nghiệp như dư nợ quá cao và liên tục bị đòi nợ…
Tính đến tháng 9/2023, nợ phải trả của Đèo Cả lên đến 27.800 tỷ đồng, chiếm tới 76% tài sản; nhưng theo giải thích từ phía Ban lãnh đạo Đèo Cả thì tỷ lệ dư nợ cao là đặc thù của ngành đầu tư hạ tầng. Còn việc bị các đối tác của 2 cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Giang – Lạng Sơn liên tục đòi nợ là bởi tâm lý 'nắm người có tóc chứ ai nắm người trọc đầu'...
Dư nợ cao là đặc thù của ngành hạ tầng và Đèo Cả đều có phương án trả nợ bền vững
Theo Báo cáo tài chính mới nhất của Công ty CP Đèo Cả (HHV), tính đến tháng 9/2023, vốn chủ sở hữu của công ty tầm 8,68 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% trong các dự án đã đầu tư (trong khi các dự án PPP quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu 15%).
Nợ phải trả của Đèo Cả là 27,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản. Trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính chiếm 56% tổng nguồn vốn (20,3 nghìn tỷ đồng). Theo Đèo Cả, đây là các khoản vay dài hạn tài trợ cho dự án BOT được đảm bảo nguồn trả nợ từ doanh thu thu phí ổn định.
"Trước giờ Đèo Cả đã nhận được rất nhiều câu hỏi kiểu: Các anh nợ nhiều như vậy thì có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hay không? Xin lần nữa trả lời là Đèo Cả không bị ảnh hưởng xấu gì cả.
Có thể nói, vì Đèo Cả làm trong ngành đặc thù là hạ tầng và dự án luôn có tổng mức đầu tư lớn, nên tỷ lệ dư nợ cao là hết sức bình thường. Đầu tư dịch vụ công là đầu tư lớn tiền và thu bạc cắc nhưng dài hơi, khác với đầu tư thương mại.
Hơn nữa, chúng tôi đã có những phương án trả nợ bền vững cho tất cả các khoản vay. Bởi tất cả các dự án của Đèo Cả đều được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư cố định.
Đèo cả luôn đề cao phẩm chất dấn thân nhưng chúng tôi không liều mạng, bởi nếu chúng tôi liều mạng thì đã là con nợ lớn của ngân hàng, công nhân viên và 'bị thịt'", Chủ tịch HVV - Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh trong một sự kiện gần đây.
Cũng theo vị Chủ tịch này, ở các trạm BOT thì Đèo Cả thu 10 đồng sẽ để lại 2 đồng cho công tác quản lý vận hành. Hơn nữa, ở những con hầm và đường cao tốc hay trạm BOT mà họ quản lý, họ còn thu tiền từ bảng quảng cáo hay từ các công ty bưu chính có hoạt động trên địa bàn mà họ quản lý. Cơ bản là nếu Đèo Cả không thu phí BOT thì các ngân hàng cũng không có gì để thu.
Nhờ biết cách tận thu như vậy, nên cho tới thời điểm hiện tại, nguồn thu từ các trạm BOT vẫn chiếm cơ cấu lớn nhất trong tổng doanh thu của Đèo Cả. Quốc lộ 1A có khoảng 40 trạm thu phí BOT, thì Đèo Cả có 15 trạm.
9 tháng đầu năm 2023, Đèo Cả thu về 1.824 tỷ đồng – tăng 24%, lợi nhuận sau thuế đạt 309 tỷ đồng – tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ thu phí đạt 1.183 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cho mảng hoạt động này ổn định ở mức 63%. Dự phóng họ sẽ có 2.915 tỷ đồng doanh thu và 385 tỷ lợi nhuận sau thuế trong 2023.
Cụ thể hơn: năm 2023, tổng lưu lượng xe qua các trạm tăng hơn 981 nghìn xe (+6,4%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó 2 trạm thu phí của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có sự tăng trưởng rõ rệt nhất (trạm cao tốc +21%, trạm QL1 + 27%) nhờ Trung Quốc đã mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa.
Năm 2024, Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu 2.915 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 448 tỷ đồng – nguồn thu từ các trạm BOT tiếp tục chiếm 60% cơ cấu doanh thu.
"Sự lạc quan trong kế hoạch doanh thu của chúng tôi dựa vào một vài nguyên do sau. Đầu tiên, lưu lượng xe cộ qua các trạm BOT luôn tăng trưởng qua từng năm và lộ trình tăng giá vé BOT đã ký với Nhà nước luôn giúp nguồn doanh thu từ đây tăng trung bình 6%/năm. Năm 2024, phí qua hầm Đèo Cả - Hải Vân - Cù Mông sẽ tăng 18% so với hiện tại.
Thứ hai, Bộ Kế hoạc Đầu tư đang báo cáo lên Chính phủ để dần giải ngân 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án Đèo Cả. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để bổ sung vốn ngân sách Nhà nước tầm 2.280 tỷ đồng cho dự án Đèo Cả, do bỏ trạm thu phí La Sơn - Tuý Loan", ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay.
Vậy nên, thỉnh thoảng chúng ta sẽ nghe Đèo Cả đi kêu gào khắp nơi nếu có chuyển động gì đó trong mảng BOT gây bất lợi cho họ, bởi nguồn thu này không chỉ ảnh hưởng tới 'nồi cơm' của họ mà còn tới khả năng trả nợ ngân hàng.
Đèo Cả liên tục bị đòi nợ do là 'ông lớn' trong ngành
Mặt khác, trong vài năm gần đây, Đèo Cả liên tục bị các nhà cung cấp ở các dự án cao tốc đòi nợ, cụ thể là 2 dự án Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn.
Ví dụ: trong quá trình thi công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, giữa Công ty Tây An và nhà cung cấp là Công ty TNHH xây dựng và vận tải Nguyễn Vinh (Công ty Nguyễn Vinh) đã xảy ra tồn đọng công nợ là hơn 15,5 tỷ đồng.
Công ty Nguyễn Vinh cùng một số nhà cung cấp khác đã ký gửi đơn thư tập thể tố cáo, kêu cứu đến nhiều cơ quan (Văn phòng Chính phủ, Viện KSND tối cao, tỉnh Tiền Giang…) với nội dung tố cáo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chiếm đoạt tiền của nhà cung cấp.
Tiếp theo, liên minh này đã tổ chức tụ tập, căng băng rôn biểu tình với nội dung tương tự dù trước đó, ngày 21/01/2022, Công ty Tây An đã có văn bản số 404/TA khẳng định Tập đoàn Đèo Cả không liên quan đến công nợ nói trên.
"Người ta thường nói là 'nắm người có tóc chứ ai nắm người trọc đầu', trong 2 dự án Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn chúng tôi đúng là đang ở trong tình cảnh như vậy.
Với dự án Bắc Giang - Lạng Sơn chúng tôi đã đến 'giải cứu' và đã hoàn thành chỉ trong 2 năm, tiết giảm 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư so với ban đầu. Sau đó Đèo Cả chịu trách nhiệm vận hành và khai thác. Còn công nợ giữa các nhà cung cấp với chủ đầu tư cũ thì phải tìm họ để đòi chứ không phải tìm chúng tôi
Trường hợp cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng vậy, vẫn đang có nhiều đối tác bị mắc nợ, nhưng từ chủ đầu tư/xây dựng khác chứ không phải chúng tôi", ông Nguyễn Quang Vĩnh kết luận.