Đề xuất thêm biện pháp hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu Việt khi 'mang chuông đi đánh xứ người'

25/05/2017 14:52 PM | Kinh tế vĩ mô

Các thương nhân xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài có thể sẽ cảm thấy vui mừng vì một điều luật mới, có tác dụng bảo vệ chính họ, vừa mới được bổ sung trong dự thảo Luật Quản lý Ngoại Thương được bàn thảo tại Quốc hội sáng nay.

Hôm nay, ngày thứ 4 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, sau khi nghe các báo cáo về dự án luật nợ công sửa đổi, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội là ông Vũ Hồng Thanh đọc bản tóm tắt giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Được xây dựng trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đề nghị về bộ luật, đồng thời trực tiếp trả lời các ý kiến đó ngay trước nghị trường, ông Vũ Hồng Thanh, thay mặt cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, đã đưa ra tổng cộng 12 câu trả lời cho 12 ý kiến đóng góp cho luật Quản lý ngoại thương. Đến ý kiến thứ 10, ông Thanh nêu ý kiến đề nghị và trả lời rõ ràng:

“Có đề nghị bổ sung quy định cụ thể các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp doanh nghiệp nước ta ra nước ngoài bị chèn ép.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung một điều mới quy định về xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại dự thảo Luật (Điều 79)”.

Lật giở lại dự thảo luật có thể thấy Điều 79 quy định một cách tổng quát rằng khi các thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ phải thực hiện các hoạt động trợ giúp cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Như vậy, có thể thấy điều luật này được xây dựng giống như một 'tấm khiên' bảo vệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt ‘mang chuông đi đánh xứ người’.

Có thể hình dung rằng khi điều luật số 79 ra đời thì ngay khi những câu chuyện tương tự như báo chí đã từng đưa tin trong thời gian qua là 10.000 tấn gạo Việt bị làm khó tại cửa khẩu hải quan Mỹ, Nhật thì Bộ Công Thương sẽ vào cuộc ngay lập tức, chủ trì trao đổi với nước bạn, qua đó áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho hàng Việt.

Thậm chí, việc khởi kiện nước nhập khẩu nếu nước này vi phạm các điều ước quốc tế cũng được tính đến, tất cả với mục tiêu bảo vệ hàng Việt.

Trong trường hợp các thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan khác của Việt Nam, xây dựng phương án để phối hợp với cơ quan điều tra của nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế.

Còn trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương sẽ ngay lập tức xây dựng phương án yêu cầu nước bạn bồi thường, đồng thời trả đũa thương mại theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam hiện là thành viên.

Điều 79. Xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

1. Khi các thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trên cơ sở đề nghị của hiệp hội ngành nghề, thương nhân có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện các hoạt động trợ giúp cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

a) Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc;

b) Trao đổi với các nước nhập khẩu đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;

c) Khởi kiện nước nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan;

d) Các hoạt động trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp các thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng phương án để phối hợp với cơ quan điều tra của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường và trả đũa theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM