Đề xuất giãn hoãn khoảng 135.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất

22/04/2022 16:46 PM | Kinh doanh

Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, thời gian áp dụng chính sách khoảng 3 - 9 tháng.

Những ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá cả hàng hóa thế giới tăng cao, tác động gián tiếp đến nền kinh tế các quốc gia.

Để hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế trong nước, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành giá phù hợp để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm.

Theo Bộ Tài chính, thống kê sơ bộ, mức tăng giá xăng dầu thế giới kỳ vừa qua từ 39 - 51% tùy từng loại, mục tiêu điều hành giá, giá xăng dầu trong nước được kiểm soát tăng thấp hơn nhiều so với giá thế giới, ở mức 20 - 42% tùy loại.

"Nếu không kịp thời có chính sách thuế về bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì kỳ điều hành ngày 1/4, mức tăng rất cao. Tuy nhiên, do kịp thời điều chỉnh chính sách thuế nên giá xăng dầu trong nước đã hạ nhiệt và góp phần giúp cho công tác chung", ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, cho biết.

"Quý 1 năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành trong việc sử dụng các giải pháp để bình ổn giá cả. Thứ nhất là giảm thuế VAT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu của 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Đó là những chính sách tác động tích cực trong việc kiểm soát CPI", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, đánh giá.

Theo chuyên gia, để kiểm soát CPI mỗi quý, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp khác nhau. Quý 2 quan tâm đến giá điện, xăng dầu. Quý 3 là giá nhà hàng; dịch vụ giáo dục, y tế; giá nguyên, nhiên, vật liệu... Quý 4 là thời gian hoàn thành mục tiêu sản xuất - kinh tế năm, tổng hòa các giải pháp điều hành giá cả các mặt hàng.

"Kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu, ý nghĩa của nó rất lớn. Kiểm soát tốt lạm phát giữ được môi trường vĩ mô ổn định, thứ hai là tạo thêm nhiều việc làm, từ đó thu nhập của người dân được tăng lên, ổn định, thúc đẩy chi tiêu không chỉ trong tiêu dùng mà cả mua sắm bất động sản. Khi kiểm soát tốt lạm phát sẽ tạo niềm tin cho đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất với giá trị ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, thời gian áp dụng chính sách khoảng 3 - 9 tháng. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho người kinh doanh.

Theo Trịnh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM