Để sống sót trong thời đại thông tin: Nhớ kĩ 4 dấu hiệu vàng để nhận biết tin giả, tin thật

25/03/2020 08:14 AM | Sống

Với sự trợ giúp của mạng xã hội và các trang tin tức online, chỉ trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã tạo ra một lượng thông tin khồng lồ. Số lượng tin tức trên Internet được tạo ra chỉ trong 5 năm qua còn lớn hơn tất cả những thông tin được ghi chép lại trong lịch sử loài người trước đó.

Thật không may, rất nhiều thông tin chúng ta được tiếp cận là những tin tức giả, những thông tin sai sự thật, phản khoa học và mang mục đích đánh lạc hướng người đọc tin vào những điều vô căn cứ. Đặc biệt, trong những thời điểm khủng hoảng như, dịch bệnh hay biến động kinh tế - chính trị như hiện nay, số lượng tin giả được tạo ra mỗi ngày tăng lên theo cấp số nhân, gây hoang mang lo lắng và dẫn người đọc đến những quyết định sai lầm. 

Làm thế nào để bóc mẽ một mẩu thông tin là thật hay giả? Làm thế nào để biết điều gì là đáng tin và điều gì là bịa đặt? Dưới đây là 4 dấu hiệu để bạn dễ dàng bắt thóp tin giả. 

Thông tin thật giả lẫn lộn

Một trong những cách phổ biến nhất để đánh lừa người đọc là trộn lẫn tin giả và tin thật. Trong những mẩu tin tức, sẽ có một số thông tin là những sự thật đã được kiểm chứng đại chúng để khiến người đọc lơ là, thiếu cảnh giác và dễ sa vào những thông tin vô căn cứ được trộn lẫn trong đó. 

Ví dụ sau đây là một điển hình cho việc người đọc dễ bị định hướng theo dòng suy luận của nguồn tin giả như thế nào: 

1. Phân tử nước được cấu thành từ hydro và oxy.

2. Kí hiệu hóa học của nước là H2O.

3. Cơ thể chúng ta được cấu thành bởi 60% là nước.

4. Trong máu người, nước chiếm tới 92%.

5. Trong não, nước chiếm tới 75%.

6. Tại nhiều nơi trên thế giới, hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề.

7. Chỉ có ít hơn 1% trữ lượng nước trên thế giới là nước uống được. 

8. Bạn chỉ có thể tin vào chất lượng nước uống của các sản phẩm nước đóng chai.

9. Các chuyên gia sức khỏe hàng đầu đều khuyến cáo sử dụng nước đóng chai, đồng thời phần lớn họ đều đang sử dụng các sản phẩm nước đóng chai. 

Những thông tin ban đầu từ số 1 đến số 7 đều là những kiến thức phổ thông đáng tin cậy. Tuy nhiên, bắt đầu từ điều số 8 và số 9, người đọc bị định hướng một cách phi logic và dễ rơi vào bẫy của người viết. Nếu bạn tinh ý một chút, bạn có thể phát hiện ra một vài điểm vô lý trong mẩu tin tức này: Căn cứ nào khẳng định rằng chỉ có các sản phẩm nước đóng chai là đáng tin cậy? Ai là “các chuyên gia sức khỏe hàng đầu” được nhắc đến ở đây? 

Để sống sót trong thời đại thông tin: Nhớ kĩ 4 dấu hiệu vàng để nhận biết tin giả, tin thật - Ảnh 1.

Các nguồn tin có tên dễ gây nhầm lẫn 

Vào năm 2014, trong một cuộc bầu cử tại Mỹ, một trang web giả được lập ra để lừa những người ủng hộ cho chính trị gia Alex Sink quyên góp, trong khi số tiền thu được lại được dùng để ủng hộ cho đối thủ của bà - chính trị gia David Jolly. Không chỉ dùng tên của Alex Sink để đặt tên miền, website này còn sử dụng hình ảnh của Sink cũng như nhại lại giao diện của website chính thức của bà. 

Điều khác biệt duy nhất là một dòng thông báo trên website rằng họ đang quyên tiền để triệt hạ Sink, nhưng rất ít người thực sự phát hiện ra điểm này và vẫn vô tư quyên góp. Đây là một ví dụ rất điển hình mà nhiều nguồn tin giả hiện nay vẫn thường xuyên sử dụng: sử dụng những cái tên dễ gây hiểu lầm, copy lại hình ảnh và giao diện của những nguồn tin chính thống. 

Do đó, nếu bạn cảm thấy nguồn tin có vẻ không đáng tin cậy, hãy kiểm tra xem ai là người sở hữu nguồn tin đó. Một mẹo kiểm tra khác cũng rất dễ dàng đó là thử Google “link:” kèm tên nguồn tin, bạn sẽ tìm thấy những nguồn tin có liên quan và dễ dàng kiểm chứng độ tin cậy của chúng. 

Đưa ra các con số mà không có chú giải cụ thể

Nếu bạn có tính cả các thảm họa hàng không như vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ thì việc di chuyển bằng máy bay vẫn được coi là phương tiện giao thông an toàn nhất hiện nay. Tỉ lệ để bạn gặp tai nạn khi đi máy bay là gần như bằng 0. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn sợ hãi đi máy bay và tin vào những tít báo kiểu như “Năm 2014, tỉ lệ người gặp tai nạn máy bay tăng cao so với năm 1960”!

Thực tế, tiêu đề bài báo trên là đúng, nhưng nó không có ý nghĩa gì về mặt thống kê. Đơn giản là vì số lượng các chuyến bay năm 2014 chắc chắn nhiều hơn so với năm 1960, nên số vụ tai nạn cũng sẽ tăng hơn. Điều bạn cần quan tâm không phải là tổng số vụ tai nạn máy bay là bao nhiêu, mà là tỉ lệ tai nạn do máy bay gây ra. 

Điều này áp dụng với nhiều loại số liệu khác bạn sẽ gặp phải khi đọc các tin tức giả. Chỉ cần vận dụng một ít kiến thức phổ thông, bạn hoàn toàn có thể tránh được việc bị đánh lạc hướng bởi những con số vô nghĩa. 

Để sống sót trong thời đại thông tin: Nhớ kĩ 4 dấu hiệu vàng để nhận biết tin giả, tin thật - Ảnh 2.

Sử dụng các nguồn tin không đáng tin cậy

Với số lượng thông tin khổng lồ mà chúng ta đang tiếp xúc mỗi ngày, có khá ít người sẽ để ý kiểm tra những nguồn trích dẫn tin tức. Do đó, những người tung tin giả sẽ lợi dụng điểm này để đưa ra những trích dẫn sai nhằm đánh lừa người đọc. Ví dụ, các công ty thường quảng cáo rằng sản phẩm của họ đạt được chứng nhận này, giải thưởng kia, nhưng ít khi đưa ra được bằng chứng cụ thể. 

Hoặc các bài viết đưa tin giả hay đưa trích dẫn nguồn từ các trang báo, tổ chức uy tín, nhưng họ có thể bóp méo câu chữ hoặc đưa nguồn không liên quan. Vì vậy, chỉ một vài cú click tìm kiếm, bạn hoàn toàn có thể kiểm tra được những trích dẫn được đưa ra có phải là thật hay không. 

Minh Hiền

Cùng chuyên mục
XEM